THANH NIÊN TRÀ VINH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC GIAI ĐOẠN 1961 -1965

ThS. Lâm Thị Thanh Nga      
                                                                Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

         Dưới sự lãnh đạo của Ðảng cộng sản Việt Nam, Tỉnh ủy Trà Vinh đã quán triệt đường lối chủ trương của Trung ương Đảng, căn cứ vào thực tế tình hình của địa phương, từ đó đề ra chủ trương Nghị quyết, chương trình hành động phù hợp với đặc điểm tình hình tỉnh nhà. Thông qua hệ thống chính trị, Tỉnh ủy đã lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã làm nên phong trào chống Mỹ cứu nước vĩ đại, đập tan bộ máy chính quyền cơ sở của địch ở nông thôn, giành quyền làm chủ quê hương. Thắng lợi của phong trào chống Mỹ cứu nước bắt nguồn từ nhiều nhân tố khác nhau, trong đó, có sự đoàn kết của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer nói chung và thanh niên nói riêng trong tỉnh đã phát huy cao độ là nhân tố cơ bản, cội nguồn sức mạnh giúp nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành được thắng lợi vẻ vang; góp phần đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công chiến lược, tạo bước ngoặt quan trọng của cách mạng miền Nam.

          Trong quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành và phát triển một nền văn hóa, giàu bản sắc dân tộc. Hạt nhân của nền văn hóa ấy là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, sớm biết dựa vào sức mạnh đoàn kết để giành độc lập dân tộc, giữ vững non sông, bờ cõi; sự đóng góp của các dân tộc; sự đoàn kết đã trở thành chuẩn mực cao nhất của đạo lý, lẽ sống, phẩm chất của mỗi người dân Việt Nam; là động lực nội sinh to lớn tạo nên sức mạnh to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Phong trào chống Mỹ cứu nước ở Trà Vinh, chính là sự kế thừa, phát triển lên tầm cao mới về tinh thần đoàn kết, về sự đóng góp sức người sức của nhân dân trong phong trào đấu tranh yêu nước của các dân tộc trong tỉnh nhất là bộ phận thanh niên đã tự nguyện tham gia vào phong trào chống đế quốc xâm lược diễn ra rộng khắp, từ năm 1961 đến 1965 và phát triển thành một cao trào cách mạng.

          Vào 1954 Hiệp định Giơnevơ được ký kết, nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Miền Bắc bước vào thời kỳ đầu xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, trở thành hậu phương vững chắc cho cách mạng miền Nam. Miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên thống nhất đất nước. Lợi dụng thời cơ Pháp thua trận, đế quốc Mỹ thực hiện ý đồ phá hoại Hiệp định Giơnevơ thay Pháp độc chiếm miền Nam Việt Nam. Xác định Trà Vinh là một trong những tỉnh có địa bàn chiến lược quan trọng, nhiều dân tộc và tôn giáo nên Mỹ và bè lũ tay sai tìm mọi cách bình định, lấn chiếm mở rộng vùng Tây Nam bộ. Từ đó, địch ra sức tuyên truyền, lừa mị, kích động hằn thù và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, hòng tách dân ra khỏi Đảng để tiêu diệt phong trào cách mạng….Trước sự ngang ngược, tàn bạo và phát xít cao độ của chính quyền Ngô Đình Diệm, Nhân dân Trà Vinh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề nổi dậy tiến hành Đồng Khởi năm 1960. Một mảng lớn hệ thống kềm kẹp của địch bị phá vỡ, nhiều tên tề điệp, ác ôn bị trừng trị thích đáng, vùng giải phóng được mở rộng, Nhân dân phấn khởi trở về quê cũ làm ăn, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Đồng Khởi đã chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tấn công địch đồng loạt, liên tục, rộng khắp, đẩy địch vào thế bị động để đối phó với ta.

         Sau thắng lợi của phong trào Đồng Khởi thì nhân dân miền Nam, lại tiếp tục đấu tranh chống "chiến tranh đơn phương" của Mỹ-Ngụy dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã làm thất bại hoàn toàn chiến tranh đơn phương. Từng mảng lớn lực lượng và chính quyền ở các cấp cơ sở bị tan rã.

         Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược chiến tranh đặc biệt, tăng viện trợ cho quân đội và chính quyền miền Nam, đưa thêm cố vấn Mỹ, mở đầu bằng kế hoạch Stalay-taylo, bình định nông thôn, dồn dân lập ấp chiến lược,…Để phục vụ cho mục tiêu bình định nông thôn, địch đã dùng nhiều thủ đoạn thâm độc và trắng trợn hơn trong việc lợi dụng tôn giáo và dân tộc. Chúng tăng cường lực lượng, vật chất và quyền uy cho các nhà thờ, lôi kéo nhân dân vào các tổ chức phản động như "Thanh niên Cộng hòa", "Thanh niên thánh nghiệp", "Phụ nữ liên đới", "Nghiệp đoàn lao động", "Đảng cấp tiến", "Đảng phục hưng", "Đảng dân chủ". Chúng ra sức lôi kéo, khuyến khích thương nhân người Hoa vào guồng máy hậu cần phục vụ cho cuộc chiến tranh phi nghĩa của chúng, ra sức kích động tâm lý đồng bào dân tộc Khmer gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt-Khmer- Hoa, gây chia rẽ tình đoàn kết giữa đồng bào dân tộc Khmer với nhau. Thâm độc hơn chúng còn xây dựng lực lượng võ trang Khmer Sa rây, đóng quân tại nhiều chùa Khmer trong tỉnh nhằm khống chế và kiểm soát các hoạt động cách mạng của đồng bào và sư sãi Khmer. Ở vùng giải phóng, địch liên tiếp mở những cuộc càn quét cấp tiểu đoàn, trung đoàn có máy bay và pháo binh yểm trợ đánh phá, nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng, chiếm đất, giành dân. Để đối phó với lực lượng cách mạng không ngừng lớn mạnh ở Trà Vinh, từ năm 1964 Mỹ- ngụy ra sức củng cố đồn bót và tăng cường bổ sung lực lượng tác chiến. Mặc dù vậy, chúng vẫn không hề ngăn chặn được xu hướng phát triển của cách mạng. Tính chung trong năm 1964, quân và dân tỉnh Trà Vinh đã phá tan 289 ấp chiến lược, phá hủy một phần 186 ấp chiến lược khác, san bằng 198 đồn bót địch.

         Bị thua đau trong năm 1963-1964, đầu năm 1965 lực lượng địch ở Trà Vinh càng hung hăng, tìm mọi cách đánh phá bắn giết, cướp bóc nhân dân, nhất là vùng căn cứ kháng chiến của ta,… Tình hình cách mạng ở Trà Vinh lúc bấy giờ rất khó khăn với những thử thách mới, Tỉnh ủy Trà Vinh với quyết tâm sắt đá, không khuất phục trước kẻ thù, đã đoàn kết và thống nhất ý chí hành động lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân và nhân dân Trà Vinh phát huy khí thế tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, kiên quyết bám trụ, giữ đất, bảo vệ vùng căn cứ kháng chiến, phát triển lõm căn cứ kháng chiến, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn thử thách, gian nguy, từng bước phá tan ý đồ thí điểm kế hoạch bình định cấp tốc của Mỹ-ngụy trên đất Trà Vinh. Rút kinh nghiệm phá ấp chiến lược, đánh đồn, ngăn chặn can viện địch… Trà Vinh là chiến trường cài răng lược tự lực giải phóng là chính, Tỉnh ủy chỉ đạo kiên cường đánh địch, xây dựng kinh tế và hậu cần tại chỗ làm hậu thuẫn lớn cho tiền tuyến.

          Tỉnh ủy Trà Vinh đã phân công cho từng thành viên Tỉnh ủy chịu trách nhiệm bám sát địa bàn, giương cao các khẩu hiệu hành động bám trụ "một tất không đi, một li không rời", "Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch"… Với phương châm "hầm chắc hơn nhà tốt", nhất là ở huyện Duyên Hải nhân dân xây dựng nhà âm dưới động cát chống phi pháo địch, tổ chức sinh hoạt và học văn hóa …

           Để phát huy thế tiến công và nổi dậy, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cho Tỉnh đội tổ chức lực lượng đánh một số trận lớn vào những khu vực hiểm yếu của địch như đánh vào cứ điểm bảo an Cầu Kè, cứ điểm Chùa Phướng (thị xã Trà Vinh), trường Huấn luyện Ba Se gây cho địch nhiều tổn thất về lực lượng và phương tiện chiến tranh làm quân địch gặp khó khăn, lúng túng trên địa bàn tỉnh lỵ chúng bị động đối phó bằng ra sức hành quân càn quét vùng ven, tăng cường hoạt động biệt kích, chỉ điểm cho trực thăng "đổ quân", "vồ mồi" vào các lõm căn cứ của ta và đóng thêm nhiều đồn bót vào cuối năm 1968.

         Cũng trong thời điểm này, Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh đấu tranh chính trị và quân sự một cách kiên quyết, kết hợp chặt chẽ với công tác binh vận, phát động nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược. Từ đó, phong trào đấu tranh chính trị diễn ra khắp nơi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, nhất là các cuộc đấu tranh trực diện với địch. Đặc thù của phong trào phá ấp chiến lược tại Trà Vinh giai đoạn này là có sự tham gia đông đảo của đồng bào Khmer và các vị chư tăng ở các ngôi chùa, (do các ấp chiến lược ở Trà Vinh được địch lập nên tại những vùng nông thôn có đông đảo đồng bào Khmer và đồng bào thường tập trung quanh các chùa). Tiêu biểu vào cuối tháng 6-1961, có trên 1.000 đồng bào Khmer và chư tăng ở các chùa Châu Điền, Tam Ngãi, Hòa Ân, Phong Phú (huyện Cầu Kè) xuống đường đấu tranh kéo đến tỉnh lỵ Vĩnh Bình đòi địch phải thả Hòa thượng Thạch Som. Dưới sức ép của quần chúng, địch buộc phải thả Hòa thượng nhưng lại cho quân bao vây chùa Ô Mịch nơi ông trụ trì. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Cầu Kè, Ban quản trị chùa Ô Mịch quyết định tản cư các tượng Phật mang về các chùa ở xã Phong Phú, Châu Điền…, sau đó đồng bào dùng dầu hỏa đốt nhà trong ấp chiến lược, đồng thanh hô lớn “phá bỏ ấp chiến lược”. Ngày 29-9-1961, quân và dân địa phương bao vây tiêu diệt 40 tên địch đóng trong khuôn viên chùa, đồng thời đột nhập trụ sở tề, giết chết tên xã trưởng ác ôn, từ đó, quân địch hoảng sợ phải rút khỏi chùa. Hòa thượng Thạch Som về sau được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Những tấm gương chiến đấu, nổi bật của các cá nhân và tập thể người Khmer tại Trà Vinh trong thời gian này mà tiêu biểu như: đồng chí Thạch Yêu (đảng viên được cài vào làm Trưởng ấp Chông Bát), dưới sự chỉ đạo của đồng chí Thạch Tua (Huyện ủy viên Cầu Ngang phụ trách xã Nhị Trường) đã vận động một tiểu đội phụ quân ấp Chông Bát nổi dậy khởi nghĩa mang toàn bộ vũ khí giao nộp cho cách mạng. Ở xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, đồng chí Kim Chơi tổ chức rủ 5 tên lính địch trong đồn ra ngoài uống rượu, phục vụ lực lượng ta cướp đồn địch giữa ban ngày.

         Năm 1963, sự kiện đội biệt động thị xã Trà Vinh tấn công Nhà máy điện của thị xã, làm sập một phần Nhà máy và phá hủy 7 giang thuyền đã gây xôn xao dư luận trong tỉnh, tạo nên làn sóng tinh thần cổ vũ cho các phong trào đấu tranh của các dân tộc trong tỉnh. Chính vì vậy, phong trào đấu tranh phá ấp chiến lược ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Tính riêng trong năm 1963, trên 50.000 lượt quần chúng đã nổi dậy kết hợp dân quân du kích phá tan hàng trăm ấp chiến lược, phá ấp chiến lược đến đâu, đồng bào lấy kèm gai, trụ sắt… xây dựng ấp chiến đấu đến đó.

          Cũng trong năm 1963, tiểu đội nữ du kích xã Lương Hòa, huyện Châu Thành được thành lập, lúc đầu do chị Tô Thị Huỳnh làm Tiểu đội trưởng, đội du kích này bao gồm 15 cô gái từ 16 đến 22 tuổi, trong đó có 9 chị là người Khmer. Có thể thấy, sự lớn mạnh của phong trào dân quân du kích chiến tranh lúc bấy giờ luôn có sự đóng góp quan trọng của Tiểu đội nữ du kích Lương Hòa, họ trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù; dựa vào ấp chiến đấu chống địch càn quét, diệt ác, phá kìm, lập được nhiều chiến công vang dội. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, 7 trong số 9 chị đã hy sinh, có 2 chị được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (Chị Tô Thị Huỳnh và chị Kiên Thị Nhẫn).

         Mặc khác, ở xã Châu Điền, khi du kích ta qua lộ bị lọt vào ổ phục kích của địch, bà con Khmer ở ấp Ô Mịch thấy được nguy hiểm đối với du kích, đã linh hoạt nổi trống mõ và hô xung phong, bọn địch thấy lạ tưởng rằng có Việt cộng đến bao vây liền bí mật rút lui, tiểu đội du kích thoát được nguy hiểm. Người dẫn đầu bà con nổi trống mõ là bà Thạch Thị Thanh, bà được cán bộ và chiến sĩ trong huyện tôn vinh gọi là “Nữ tướng Ba Thanh”. Hay tại các ấp Hòa Lạc, Xoài Múc (Lương Hòa, Châu Thành), đồng bào và chư tăng đã vận động gia đình binh sĩ ngụy thu gom hàng ngàn viên đạn các loại giao cho cách mạng, đồng thời vận động binh sĩ trong ấp nổi dậy cùng nhân dân phá ấp chiến lược, vận động binh sĩ về với cách mạng… Bên cạnh đó, chư tăng còn che giấu lực lượng du kích trong chùa….

         Trải qua những năm tháng chiến đấu đầy khó khăn gian khổ, đến đầu năm 1964, từng mảng ấp chiến lược trên vùng nông thôn Trà Vinh đã bị phá rã, nhiều nơi được thay bằng ấp chiến đấu, xã chiến đấu. Phát huy thành quả bước đầu, khí thế đấu tranh của đồng bào các dân tộc trong tỉnh tiếp tục dâng cao, có ba cuộc đấu tranh lớn trên địa bàn các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, thị xã Trà Vinh lúc bấy giờ, các cuộc đấu tranh này đã tập hợp gần 9.000 lượt người tham gia, trong đó có 1000 chư tăng và hơn 200 lượt binh sĩ người Khmer. Đặc biệt là cuộc đấu tranh, biểu tình và tuyệt thực của tín đồ Phật giáo và học sinh trong tỉnh ngày 16-6-1964 đòi dân sinh, dân chủ, chống bắn giết nhân dân…, khi bị địch đàn áp, cuộc đấu tranh càng quyết liệt, có thêm 2000 học sinh và 600 lao động khuân vác tham gia… buộc địch phải nhượng bộ, chấp nhận yêu sách. Đây là cuộc đấu tranh có tiếng vang lớn ở miền Tây Nam Bộ lúc bấy giờ.

         Từ năm 1964 – 1965, nhiều cuộc đấu tranh chính trị, vũ trang có sự tham gia của thanh niên, học sinh Trà Vinh liên tiếp diễn ra và giành thắng lợi. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh biểu tình và tuyệt thực của tín đồ phật giáo và học sinh vào ngày 16/6/1964, gây tiếng vang lớn ở miền Tây Nam Bộ; du kích xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè cùng với bộ đội tỉnh và địa phương quân huyện Cầu Kè tấn công tieu diệt đồn Bà Mi, bao vây chi khu Cầu Kè, chặn đường chi viện của lực lượng Trung đoàn 12, Sư đoàn 9 nguỵ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên địch, tiêu diệt 01 cố vấn Mỹ, bắt sống 01 cố vấn Mỹ vào cuối tháng 1/1965; du kích xã Ngũ Lạc cùng bộ đội tỉnh phối hợp tác chiến, thắng lớn, tiêu diệt 130 tên địch, bắn cháy 01 máy bay trực thăng, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự vào cuối tháng 5/1965.

         Như vậy trong giai đoạn 1961 - 1965, lực lượng thanh niên vừa bổ sung vào lực lượng chính trị của Mặt trận Dân tộc giải phóng vừa tham gia hoạt động vũ trang ở các vùng, góp phần quan trọng thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ là tiến hành chiến tranh nhân dân địa phương, chiến tranh du kích, thực hiện ba mũi giáp công, làm tiêu hao lực lượng địch, đánh bại chiến tranh đặc biệt của đề quốc Mỹ. Trong quá trình đấu tranh, có nhiều cách đánh địch độc đáo được quần chúng sáng tạo nên, tiêu biểu như ở xã Hàm Giang (Trà Cú), chư tăng và đồng bào giả đi tụng kinh rồi rải truyền đơn và dẫn du kích lên đánh đồn Vàm Rây; ở xã Đôn Châu, đồng bào rước du kích vào ấp chiến lược phục vụ du kích giả phụ quân đánh ấp chiến lược Bàu Môn; ở xã An Quảng Hữu, em Thạch Tè lợi dụng lúc địch sơ hở, cướp một khẩu súng rồi ra vùng giải phóng tòng quân; em Thái Văn Thêm 15 tuổi đã giết chết tên Ngãi, là đại diện xã An Quảng Hữu rất ác ôn…

         Tóm lại, có thể nói rằng, phong trào kháng chiến chống Mỹ cứu nước của đồng bào các dân tộc nói chung và thanh niên nói riêng tại Trà Vinh là minh chứng về ý chí kiên cường, sáng tạo và bản lĩnh đấu tranh cách mạng của quân dân Trà Vinh, Trong bất cứ thời kỳ nào, bất kỳ hoàn cảnh nào, thanh niên Trà Vinh cũng luôn phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí cách mạng kiên trung. Trong chiến tranh, một lòng, một dạ theo Đảng, có những cống hiến to lớn về sức người, sức của, hy sinh cả xương máu của mình; nhiều gia đình đã nuôi giấu, chở che cán bộ cách mạng, kể cả khi bị địch truy lùng gắt gao nhất; nhiều người đã trở thành những anh hùng, liệt sĩ, mãi mãi nằm xuống để đổi lấy hòa bình cho thế hệ mai sau. Trong thời bình, tiếp tục phát huy những truyền thống vốn có, cùng với sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Trà Vinh, thanh niên trong tỉnh đã trở thành những người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận đấu tranh chống nghèo nàn, lạc hậu, góp phần cùng với đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nhà phát triển ổn định vững chắc về chính trị, giàu, mạnh về kinh tế, đẹp về văn hóa, cảnh quan, mạnh về quốc phòng an ninh góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. https://www.travinh.gov.vn/1426/37930/65514/lich-su-hinh-thanh

2.Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh (1999), Lịch sử tỉnh Trà Vinh tập I (1732 - 1945), Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh.

3.Tỉnh ủy Trà Vinh (2002), Tỉnh ủy Trà Vinh hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng - 70 năm thắng lợi vẻ vang 1930 - 2000, Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh,

4.http://congantravinh.gov.vn/ch8/43-Luc-luong-An-ninh-tinh-Tra-Vinh--trong-cuoc-Tong-tien-cong-va-noi-day-Xuan-Mau-Than-nam-1968.html

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 21
  • Hôm nay: 1832
  • Trong tuần: 12 055
  • Tất cả: 562785
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này