TƯ TƯỞNG VỀ ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH TRONG ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN Ở TỈNH TRÀ VINH GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

ThS. Nguyễn Thanh Mộng    
                                                                     Khoa Nhà Nước và Pháp Luật 

         Theo Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên không phải cứ viết trên trán mình 2 chữ “cộng sản” là được nhân dân yêu mến, mà phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”. Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm”, một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đảng. “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá từ trong phá ra”. 

         Chủ nghĩa cá nhân luôn biến hóa “muôn hình vạn trạng”, bởi vậy có nhiều người mơ hồ (hoặc cố ý mơ hồ), cho rằng đó là căn bệnh người khác mắc phải, còn mình thì không. Người nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, là bệnh chính, bệnh mẹ sinh ra nhiều thứ bệnh khác”. Hồ Chí Minh khẳng định rằng, chủ nghĩa cá nhân là trái với đạo đức cách mạng, cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng song hành với quyết tâm đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân bên trong mỗi cán bộ đảng viên.

         Nhận thức được sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân, trong suốt cuộc đời mình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao tấm gương sáng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cho toàn Đảng, toàn dân ta noi theo. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:

         Một là, Hồ Chí Minh là tấm gương chống sùng bái cá nhân. Trong giao tiếp với mọi người, dù là Chủ tịch nước, nhưng không bao giờ Người đặt mình cao hơn người khác. Khi được mọi người tung hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, Người đề nghị mọi người ngồi xuống và nói “…trăm năm đã là quá. Bây giờ Bác chỉ muốn nằm một chút thôi…”. Trong quan hệ ứng xử với mọi người, Hồ Chí Minh luôn giữ thái độ thân mật, gần gũi, quan tâm đến những người xung quanh, từ các cụ già, em nhỏ, các chị em phụ nữ… thuộc mọi giai cấp, tầng lớp. Ở Hồ chí Minh thể hiện nỗi bậc tấm gương sáng về đức hy sinh cao cả, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng, lo cho dân, cho nước.

         Hai là,  Người nêu cao tinh thần chống chủ nghĩa cá nhân thông qua việc phê phán biểu hiện vụ lợi, mưu lợi của cán bộ đảng viên trong tổ chức Đảng. Trong tác phẩm; sửa đổi lối làm việc, mở đầu chương III: Tư cách và đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài…Ngoài lợi ích của dân tộc, của tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác… Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư”. Người còn nghiêm khắc phê phán những cán bộ, đảng viên “chưa chí công vô tư”, cho nên mắc phải chủ nghĩa cá nhân sinh ra các thứ bệnh nguy hiểm như: bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh hiếu danh, bệnh kiêu ngạo…trước lúc đi xa, trong di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, Người đã yêu cầu: mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

         Ba là, Hồ Chí Minh nêu tấm gương sáng về phong cách sống chân thành, giản dị, khiêm tốn, phấn đấu suốt đời vì nước, vì dân. Trong sinh hoạt hàng ngày, Người luôn giữ lối sống thanh đạm, giản dị, tiết kiệm. Cụ thể vào dịp ngày sinh của mình, Người thường tìm cách đi công tác vắng để tránh việc mọi người đến chúc mừng và tặng quà, Người đề nghị các cơ quan, các địa phương đến ngày sinh của Người không tổ chức kỷ niệm,tránh lãng phí thời gian và tiền bạc.

         Bốn là, Hồ Chí Minh khuyên mọi người sống trong sạch, không tham lam, không ham tiền tài, danh vọng, không lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân.

         Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng đi đầu trong phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân ở nước ta. Theo Người chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin cậy của dân với Đảng.

         Hiện nay, nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bên cạnh những thuận lợi thì cũng đang chịu sự chi phối từ mặt trái của cơ chế thị trường, những tiêu cực nãy sinh trong quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Chủ nghĩa cá nhân có nhiều điều kiện phát triển với những biểu hiện phức tạp, tinh vi. Thực tế cho thấy chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đang trở thành vấn đề bức xúc của xã hội như tình trạng lãng phí, quan liêu, tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi mà còn diễn biến phức tạp…do đó, để thực hiện tốt việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể xã hội cần quán triệt và tổ chức thực hiện một cách tích cực, hiệu quả một số giải pháp sau:

         Thứ nhất, nhận diện đúng những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Điều đó thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Việc đưa ra hệ thống những biểu hiện suy thoái sẽ giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên suy ngẫm và hành động; tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình, kiểm điểm đánh giá cá nhân, góp ý cho người khác và xử lý đối với tập thể, cán bộ, đảng viên vi phạm, giúp cho cán bộ, đảng viên hoàn thiện hơn.

         Thứ hai, tăng cường giáo dục, nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trang bị kiến thức toàn diện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, trọng tâm là nâng cao trình độ nhận thức lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

         Thứ ba, tuyên truyền rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân ta về tác hại và những biểu hiện mới của chủ nghĩa cá nhân, để từ đó nhận diện và có biện pháp ngăn chặn. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động trong Đảng.

         Thứ tư, trong giai đoạn hiện nay cần có nhận thức đúng về những tác hại của chủ nghĩa cá nhân, nhất là trong quan hệ giữa Đảng với dân. Hiểu rõ nguồn gốc, bản chất, đặc điểm, tác hại và những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng là điều kiện cần thiết để nêu cao tinh thần tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật, quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, quyết tâm chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng.

         Thứ năm, học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống chủ nghĩa cá nhân, mỗi cán bộ đảng viên phải tự giác với chính mình, vượt qua được những tiêu cực, cám dỗ của lợi ích vật chất và những tác động của mặt trái cơ chế thị trường; cảnh giác trước sự chống phá của kẻ thù các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là chi bộ cần coi trọng khâu giáo dục nhận thức, quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên, xây dựng động cơ phấn đấu đúng đắn. Vào đảng không phải là để thăng quan tiến chức mà là để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”, “Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước , lợi ích của cá nhân lại sau”.[Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr.290 - 291].

         Thứ sáu, xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng tổ chức, làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đồng thời phải xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai những cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào vi phạm tư cách, thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng, vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng.

         Tóm lại, việc học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, đưa tinh thần Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống, làm cho Đảng ta ngày càng vững mạnh ngang tầm với nhiệm vụ, lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 13
  • Hôm nay: 1065
  • Trong tuần: 11 922
  • Tất cả: 564063
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này