NÔNG NGHIỆP TRÀ VINH SAU TÁI LẬP TỈNH 1992 ĐẾN NAY

ThS. Nguyễn Thị Thu Sương   
                                                                  Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

         Từ khi tái lập tỉnh, với lợi thế về đất đai, tài nguyên thiên nhiên Đảng bộ tỉnh Trà Vinh đã xác định nông nghiệp là ngành kinh tế then chốt nên đã tập trung đầu tư mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp trở thành kinh tế chủ lực của tỉnh trong suốt hơn 27 năm qua (tính đến năm 2019). Từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu, sản xuất yếu kém Trà Vinh đã vươn lên địa phương có sản lượng lúa bình quân 1,2 triệu tấn/năm. Nền nông nghiệp tỉnh phát triển toàn diện từng bước tiến tới sản xuất hàng hóa với giá trị và chất lượng ngày càng được nâng cao.

         Trồng trọt: Trước 1992, ngành trồng trọt của tỉnh phát triển với thế độc canh cây lúa. Sau khi tách tỉnh, đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo đưa nông nghiệp phát triển theo hướng toàn diện phá thế độc canh cây lúa chuyển dần sang đa canh, chuyển đổi  Diện tích lúa sản xuất không hiệu quả chuyển sang sản xuất cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày hoặc nuôi tôm. Bố trí lại cơ cấu cây trồng và mùa vụ cho phù hợp với sinh thái từng tiểu vùng. Mở rộng diện tích trồng lúa kết hợp với thâm canh tăng vụ (trên đất chỉ có 1 vụ lúa) nhằm tăng năng suất và sản lượng lúa hàng năm đặc biệt chú trọng lúa chất lượng cao để xuất khẩu. Xây dựng vùng lúa chuyên canh tập trung. Nhờ vậy, mặc dầu diện tích trồng lúa ngày càng giảm (2015 diện tích gieo trồng lúa là 237.321 ha, đến năm 2019 còn 224.348 ha, giảm 12.973 ha, bình quân mỗi năm giảm 2.594,6 ha) nhưng sản lượng lúa không ngừng tăng cao năm 2000: 1.000.000 tấn; năm 2019: 1.259.000 tấn. Từ năm 2000 đến nay, sản lượng lúa của tỉnh duy trì ở mức trên 1.000.000 tấn/ năm, đảm bảo an ninh lương thực địa phương. Toàn tỉnh đã hình thành 27 điểm sản xuất lúa theo hình thức hợp tác liên kết “Cánh đồng lớn” diện tích 4.330 ha; với 4.236 hộ trên địa bàn các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Kè và Càng Long tham gia.

         Bên cạnh cây lúa, cây màu và cây công nghiệp rất được chú trọng. Phong trào xóa vườn tạp những vườn cây ăn trái có giá trị cao nhất là khu vực đất giồng cát, vùng đất ven sông tiền và sông hậu và các sông lớn khác được nhân rộng. các giống cây mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu được nhân rộng. Những loại cây được xem là chủ lực của tỉnh như mía, dừa, đào tiếp tục mở rộng diện tích và thâm canh. Trong 5 năm (1996 - 2000) diện tích cây màu lương thực bình quân hàng năm tăng 6,26%, sản lượng quy lúa tăng 8,58%. diện tích màu thực phẩm tăng 8,74%, hình thành vùng tập trung sản xuất hơn đậu phộng trên đất giồng cát thuộc các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, mía đường cặp tuyến sông Hậu thuộc huyện Trà Cú, Tiểu Cần. Năm 2019, diện tích  cây màu đạt 20.000 nghìn ha.

         Chăn nuôi: Bên cạnh ngành trồng trọt, chăn nuôi rất được tỉnh chú trọng. Nghị quyết đại hội V (1992) của đảng bộ tỉnh chủ trương đưa chăn nuôi là ngành sản xuất chính trong nông nghiệp. Tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ 19,85% năm 1991 tăng lên 2,1% năm 1995. Giai đoạn 1996 - 2000, “chăn nuôi gia súc gia cầm tuy phát triển không ổn định do giá cả thị trường biến động nhưng bình quân hàng năm đàn heo vẫn tăng 6,83%, đàn bò tăng 9,79% (riêng đàn trâu giảm 13,05%), đà gia cầm tăng 8,27%. Triển khai thực hiện các chương trình lai tạo giống heo, bò, gia cầm, góp phần đưa giá trị sản lượng chăn nuôi bình quân hàng năm tăng hơn 4%”. Giai đoạn 2007 - 2010: phong trào kinh tế trang trại phát triển mạnh ở tỉnh Trà Vinh. Giai đoạn 2011 - 2015, ngành chăn nuôi phát triển trong điều kiện gặp nhiều khó khăn nên tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp liên tục giảm, từ 15% năm 2011 xuống còn 12% năm 2015.

         Những năm gần đây, tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cơ cấu lại vùng chăn nuôi, tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ các hộ chăn nuôi phối giống nhân tạo gia súc, mua con giống, xây dựng công trình khí sinh học, làm đệm lót sinh học, phát triển hệ thống biogas, …ban hành quy định tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức hỗ trợ các loại vật tư, con giống, công trình xử lý chất thải để nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó chất lượng giống và kỹ thuật chăn nuôi của người dân đã được dần cải thiện. Chăn nuôi từng bước chuyển đổi từ nhỏ lẻ sang tập trung, tính đến cuối năm 2019, tổng số trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là 26 trang trại. Quy mô đàn vật nuôi từng bước phát triển theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng: đàn trâu, bò đạt 496,7 nghìn con, lợn đạt 119,3 nghìn con, gia cầm đạt 7196 nghìn con.

         Thủy sản: Trà Vinh là tỉnh có lợi thế về nuôi trồng thủy hải sản nên ngay từ đại hội V (đại hội đầu sau khi tách tỉnh) đảng bộ tỉnh đã chú trọng phát triển thủy sản. Tỉnh đã tiến hành quy hoạch phát triển tổng thể thủy sản vào năm 1993. Ngay sau đó phong trào nuôi trồng thủy sản lan nhanh ở nhiều địa phương trong tỉnh với đa dạng các loại hình nuôi trồng ở cả vùng nước mặn và nước ngọt. Tỉnh chủ động xây dựng các trại sản xuất con giống tôm thẻ, tôm càng, cá có giá trị xuất khẩu cao, các cơ sở thức ăn nuôi tôm kết hợp với các trung tâm khuyến ngư chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng cho người dân.

         Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng đến việc đánh bắt ở ven biển và ngoài khơi theo hướng kết hợp đánh bắt hải sản với bảo vệ tài nguyên môi trường và an ninh quốc phòng bằng cách cho ngư dân vay vốn đóng các tàu lớn có năng lực khai thác ngoài khơi. Chỉ trong ba năm (1992 - 1995) nuôi trồng thủy sản đạt 22.000ha tăng gần 10.000ha so với 1991, sản lượng khai thác nuôi trồng tăng từ 55.340 tấn (1991) lên 60.600 tấn (1995). Năng lực khai thác xa bờ tăng lên. Tỉnh đã nâng cấp trên 200 tàu có công suất từ 40cv trở lên. Nuôi trồng thủy sản nâng dần lên theo hướng sản xuất công nghiệp. “Giá trị thủy sản nuôi trồng và khai thác nội đồng năm 2000 tăng gấp 2,7 lần so với năm 1995”. Phong trào nuôi tôm sú cũng phát triển mạnh với 7000 đến 8000 hộ nuôi/năm. Năng lực khai thác hải sản xa bờ được tập trung đầu tư và tăng mạnh.

         Từ năm 2015 đến nay, tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế so sánh của địa phương; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, từ cung ứng giống, vật tư đầu vào, kỹ thuật, nuôi đến chế biến thủy sản; phát triển mạnh nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Nhờ đó, sản lượng thủy sản tăng trưởng khá (năm 2015 đạt 173.230 tấn, năm 2019 đạt 219.000 tấn). Toàn tỉnh hiện có 56 trang trại nuôi thủy sản. Thủy sản đang ngày càng chứng tỏ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

         Lâm nghiệp: Sau năm 1992, tỉnh đã chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất rừng tập trung ở vùng ven biển theo dự án VIE 87/031 và dự án điều động dân cư của tỉnh. Cải tiến quản lý việc sử dụng đất rừng đi đôi với việc ngăn chặn tình trạng đốn phá rừng, quy hoạch lại khu vực trồng rừng ven biển và cửa sông. Công tác trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng trong những năm qua được tiến hành thường xuyên và có hiệu quả, diện tích rừng ngày càng được mở rộng. Năm 2019, diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 23.984,53 ha, bao gồm: Diện tích quy hoạch phát triển rừng là 12.256,13 ha, trong đó diện tích có rừng là 9.164,73 ha (rừng tự nhiên 2.960,80 ha, rừng trồng 6.203,93 ha) và diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp là 3.091,40 ha, rừng trồng mới 181ha, độ che phủ rừng 3,8%.

         Tóm lại, từ năm 1992 đến năm 2019, kinh tế nông nghiệp của tỉnh Trà Vinh từng bước chuyển mình. Từ một nến kinh tế nông nghiệp nhỏ lẻ, yếu kém đã phát triển toàn diện tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đi lên sản xuất lớn. Hiện nay, nông nghiệp tỉnh đang hướng đến phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh đã từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ trọng của ngành chăn nuôi và thủy sản tăng dần, tỷ trọng của ngành trồng trọt ngày càng giảm. Những năm gần đây, Trà Vinh luôn là tỉnh đứng trong câu lạc bộ sản xuất lúa triệu tấn. Tin rằng trong thời gian tới nông nghiệp Trà Vinh sẽ ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 595
  • Trong tuần: 5 798
  • Tất cả: 589116
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này