TÌM HIỂU MỘT SỐ LÝ THUYẾT VỀ ĐỊA CHÍNH TRỊ

          Từ điển bách khoa Le Petit Larousse illustré của Pháp (năm 2000) đã định nghĩa “Địa chính trị nghiên cứu các mối quan hệ giữa các dữ liệu địa lý với nền chính trị của các quốc gia”. Thuật ngữ “địa-chính trị” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1899 với tên tuổi của Rudolph Kjellen. Kjellen  xem quốc gia là một tổ chức về mặt địa lý hay là một hiện tượng trong không gian. “Tổ chức” này bị ràng buộc với cuộc đấu tranh không bao giờ kết thúc để có được các nguồn lực cần thiết cho sự sống, trong đó lãnh thổ là cái quan trọng nhất.

          Có thể nói, “địa-chính trị” là môn khoa học nghiên cứu về mối quan hệ, sự tác động qua lại giữa yếu tố địa lý và chính trị. Mục đích của nó là nhằm luận giải các quan hệ quốc tế dựa trên các yếu tố địa lý trong thời điểm lịch sử cụ thể. Có nhiều lý thuyết về địa chính trị. Trong đó có thể kể đến:

          Tư tưởng địa chính trị của Mahan

          Thế kỉ 19, Alfret Mahan (1840 - 1914), được coi là người đặt nền móng cho môn địa chính trị. 1883, Mahan làm giảng viên lịch sử chiến tranh trên biển ở Đại học Newpotr. Năm 1890, ông viết tác phẩm: Ảnh hưởng sức mạnh trên biển trong giai đoạn lịch sử (1660 - 1873) trong đó đã phân tích được sức mạnh của Anh, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Tây Ban Nha… về: vị trí địa lý; hình thể; diện tích; dân số; tính chất chính phủ. Trong đó, vị trí địa lý được ông coi là yếu tố quan trọng hàng đầu. Các quốc gia này không không mất công phòng thủ vì không phải mở rộng lãnh thổ bằng đường bộ, lại ở vào trung tâm với những hải cảng gần đường giao thông lớn. Ông coi vùng biển quốc gia như biên thuỳ, bảo vệ được đất nước trước sự xâm lăng của kẻ địch từ bên ngoài, đó là những yếu tố tự nhiên tạo điều kiện cho quốc gia phát triển thành một cường quốc. Ngoài ra ông còn đặc biệt chú ý tới tổ chức quốc gia - chính quyền - dân số, quan trọng là có bao nhiêu người đi biển, càng nhiều người đi biển thì cường quốc đó mới có thể làm bá chủ về đường biển, ông minh chứng cho nhyaanj định của mình qua trường hợp của Anh, Hà Lan…Mahan: được ca ngợi rất lớn ở thế kỷ này và đặt ra một số vấn đề với những nước có biển.

          Tư tưởng chính trị của Mackinder

          Hanford J.Mackinder (1861 - 1947), ông được coi là cha đẻ của Địa chính trị, vốn xuất thân là giảng viên môn địa lý Đại học Oxford, giám đốc Đại học Kinh tế Luân Đôn, là nghị sĩ Quốc hội.

          Năm 1904 ông viết tác phẩm: “Cơ sở Khoa học Địa lý lịch sử” và được thuyết trình tại hội Địa lý Hoàng gia Anh. Nội dung tư tưởng Địa chính trị của ông có thể tóm tắt như sau: Mối tương quan giữa địa lý và chính trị trong quá khứ cũng như hiện tại qua những quan niệm của thế giới đã gây ảnh hưởng lớn tới quan điểm của các chính khách. Thời đại của Colombo (kéo dài 4 thế kỷ) đã chấm dứt vào đầu thế kỷ XX, ảnh hưởng của các cường quốc biển đã chấm dứt, bắt đầu thời điểm của những cường quốc lục địa. Nơi quyết định bàn cờ chính trị thế giới đó chính là đại lục địa Á - Âu.

          Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ông cho xuất bản cuốn: “ Lý tưởng dân chủ và thực tế”. Ông coi: châu Á - châu Âu - châu Phi không phải là ba lục địa: mà là một đảo thế giới: “World is land” chiếm 3/4 diện tích, 7/8 dân số.

          + Khu vực trung tâm bao gồm: biển Ban tích, biển Đen, Trung Cận Đông, Iran, Tây Tạng, Mông Cổ.

          + Mackinder cho rằng ai ngự trị ở Đông Âu sẽ chỉ huy được khu vực trung tâm (heart land); ai chỉ huy được khu vực trung tâm sẽ chỉ huy được đảo thế giới (world’s island); và cuối cùng, ai chỉ huy được đảo thế giới sẽ làm chủ cả thế giới.

          Như vậy, quan niệm của Mackinder là coi trọng các cường quốc lục địa; ông cho rằng thời đại của các nước ngoại biên, chư hầu đã qua. Lịch sử đã chứng minh rằng Mackinder không tiên liệu được sức mạnh của những quốc gia như Hoa Kì, một đất nước cách xa khu vực trung tâm mà ông đã dày công nghiên cứu nhưng lại có sức mạnh rất lớn trên trường quốc tế. Đây cũng chỉ ra hạn chế trong quan điểm của Mackinder. Đánh giá về ông, các nhà nghiên cứu đều cho rằng ông là người đầu tiên mang lại cho thế giới một nhận định tổng quát về thế giới và chính trị thế giới, yếu tố địa lý là yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia, là người đặt nền tảng của Khoa học Địa chính trị ngày nay.

          Tư tưởng chính trị của Spyman

          Nicholas John Spykman có thể được xem là học trò và nhà phê bình của cả hai nhà địa chiến lược Alfred Mahan và Halford Mackinder. Spykman (1893-1943) là một nhà địa chiến lược người Mỹ gốc Hà Lan, là “cha đẻ của thuyết bao vây khoanh vùng”. Ông là một trong những nhà sáng lập trường phái chủ nghĩa hiện thực cổ điển trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Spykman từng là Viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế Đại học Yale. Một trong những quan tâm hàng đầu của ông là tạo cho sinh viên cách học địa lý. Ông quan niệm không thể tiếp cận khoa học địa-chính trị nếu không có những hiểu biết về địa lý.

          Spykman nổi tiếng với hai cuốn sách viết về chính sách đối ngoại là “America’s Strategy in World Politics” và “The Geography of the Peace”. Trong “America’s Strategy in World Politics”, xuất bản năm 1942, ông cho rằng chủ nghĩa biệt lập, dựa vào đại dương để bảo vệ nước Mỹ đã đến lúc kết thúc. Mục đích của ông là ngăn chặn sự rút lui của Mỹ sau chiến tranh tương tự như chính sách của Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Chính sách của Mỹ phải là “chỉ huy việc ngăn chặn bá quyền”. Thực tế cho thấy quan điểm này chỉ nhằm khuyến khích sự mở rộng phạm vi thống trị của đế quốc Mỹ.

          “The Geography of the Peace” được xuất bản một năm sau khi ông mất. Trong đó, ông trình bày quan điểm địa chiến lược của ông là sự cân bằng quyền lực ở châu Âu ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nước Mỹ. Vì vậy, Mỹ cần đảm bảo việc ngăn chặn Liên Xô thiết lập quyền lãnh đạo quanh vùng rìa châu Âu. Ông cho rằng trong nghiên cứu chính sách đối ngoại, cần chú ý trước tiên đến vị trí địa lý của nước đó. Địa lý chính trị cần xây dựng một bản đồ các cường quốc theo khu vực và thời gian nhất định. Xuất phát từ quan điểm sùng bái bạo lực, ông tin rằng nền hòa bình thế giới phải dựa vào công cụ bạo lực mà chỉ các cường quốc mới đủ sức đảm trách.

          Spykman nổi tiếng với học thuyết “vùng rìa”. Vùng rìa là vùng đệm giữa sức mạnh vùng trung tâm và sức mạnh đại dương, an ninh của vùng rìa lệ thuộc vào sự chống đỡ từ hai luồng sức mạnh. Theo Spykman, vùng rìa chia thành 3 vùng: vùng đất ven biển ở Châu Âu, vùng sa mạc Arabia - Trung Đông, vùng chịu ảnh hưởng gió mùa Châu Á. Tầm quan trọng của vùng rìa căn cứ vào số lượng nhân khẩu, tài nguyên thiên nhiên và sự phát triển công nghiệp. Vùng rìa có ý nghĩa quyết định trong việc kiềm chế vùng trung tâm. Spykman cho rằng bằng việc kiểm soát vùng rìa của châu Âu, Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương, nước Mỹ có thể hạn chế sức mạnh của vùng trung tâm Âu - Á. Vì vậy, nước Mỹ cần xây dựng nền móng hải quân và không quân ở Bắc Atlantic và toàn bộ Thái Bình Dương nhằm bao vây đại lục Âu - Á. Ông nhận xét: “Sức mạnh to lớn của nước Nga Xô viết không đủ để chống lại một vùng rìa thống nhất dưới sự lãnh đạo của Mỹ, và sự tồn tại của vùng rìa đó sẽ đem đến cho Mỹ một uy quyền toàn cầu”. Vì vậy, Spykman kết luận “Ai kiểm soát vùng rìa sẽ khống chế được lục địa Âu - Á, ai khống chế được lục địa Âu - Á sẽ làm chủ vận mệnh của thế giới”.

          Tư tưởng chính trị của Seversky

          Một học thuyết địa-chính trị quan trọng nữa là thuyết “Sức mạnh trên không” (Air Power) của Alexander Procofieff de Seversky. Seversky (1894-1974) là người Mỹ gốc Nga đi đầu trong lĩnh vực hàng không, đồng thời là một nhà phát minh và là người ủng hộ sức mạnh trên không với luận điểm: lực lượng nào khống chế được bầu trời, giành ưu thế trên không thì sẽ đạt được thắng lợi. Thuyết “Sức mạnh trên không” được Seversky trình bày qua tác phẩm “Victory Through Air Power” xuất bản năm 1942, sau sự kiện Trân Châu cảng và sự tham gia của nước Mỹ vào chiến tranh thế giới thứ hai. Seversky cho rằng sự phát triển nhanh chóng về phạm vi và sức mạnh tấn công của không quân dẫn đến một điều chắc chắn là nước Mỹ sẽ bị đặt vào tình trạng nguy hiểm của sự phá hủy từ trên không. Vì vậy, nước Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến xuyên đại dương và phải trở thành nước thống trị sức mạnh trên không. Seversky biện luận cho việc phát triển ngay lập tức những máy bay ném bom tầm xa (khoảng 3000 dặm hoặc hơn), đặc biệt là những máy bay ném bom xuyên lục địa có khả năng bay từ Mỹ đến tấn công trực tiếp Đức và Nhật mà không cần phải tiếp thêm nhiên liệu.

          Seversky là một trong số những người ủng hộ việc thành lập Bộ tư lệnh không quân năm 1946 và phát triển máy bay B-36 và B-47. Seversky tiếp tục quảng bá những ý tưởng cải tiến các loại vũ khí và máy bay, đáng chú ý là năm 1964, máy bay một người lái đã được chế tạo.

          Như vậy, nội dung chính của các học thuyết địa-chính trị trên đó là: “lợi ích an ninh quốc gia không tách rời khỏi các hoạt động chính trị và trong mỗi một thời kỳ lịch sử, trên bản đồ chính trị quốc tế thường có một trung tâm chiến lược mà nếu nước nào khống chế được trung tâm đó thì sẽ chi phối được toàn bộ thế giới”.

          Tư tưởng chính trị của Brzezinski

          Zbigniew Brzezinski, sinh ngày 28/3/1928 tại Ba Lan, từng là Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (1977-1981), hiện là giáo sư về chính sách đối ngoại của trường Nghiên cứu Quốc tế cao cấp Paul H.Nitze thuộc Đại học Johns Hopkins ở Washington D.C. Đóng góp của Brzezinski cho khoa học địa- chính trị chính là việc đưa ra ý tưởng về bàn cờ chính trị Âu-Á, một lần nữa đề cao ý nghĩa “xương sống”của lục địa Âu - Á trên bản đồ chính trị thế giới.

          Âu - Á là lục địa lớn nhất toàn thế giới và là trục địa chính trị. Một cường quốc thống trị được lục địa Âu - Á sẽ kiểm soát được 2 trong số 3 khu vực tiên tiến nhất và có năng lực sản xuất nhiều nhất về kinh tế. Kiểm soát được lục địa Âu - Á sẽ gần như tự động đưa châu Phi vào lệ thuộc, làm cho Tây bán cầu và châu Đại Dương trở thành ngoại vi về địa chính trị đối với lục địa trung tâm của thế giới. Khoảng 75% dân số thế giới sống ở lục địa Âu - Á và hầu hết của cải vật chất thế giới cũng ở nơi đay, bao gồm cả doanh nghiệp lẫn tài nguyên dưới lòng đất. Âu - Á chiếm khoảng 60% GNP và khoảng ¾ nguồn năng lượng đã được biết của thế giới. Lục địa Âu - Á cũng là khu vực của hầu hết các nước có chủ quyền và năng động về chính trị của thế giới. Hầu hết các cường quốc hạt nhân công khai và bí mật của thế giới đều ở lục địa Âu - Á. Tất cả những nước có khả năng thách thức tiềm tàng về chính trị và kinh tế đối với vị thế đứng đầu của Mỹ đều là các nước Âu - Á. Gộp cả lại thì sức mạnh của Âu - Á mạnh hơn sức mạnh của Mỹ rất nhiều. May mắn cho Mỹ, lục địa Âu - Á quá lớn, không thể là một thực thể chính trị duy nhất. Do vậy, Âu - Á là bàn cờ mà ở đó cuộc tranh giành vị thế đứng đầu thế giới diễn ra.

          Brzezinski đã chỉ ra chính xác những điểm nóng trên thế giới, những lỗ hổng “chính trị” có thể gây nên tình trạng bất ổn, đe dọa hòa bình khu vực và quốc tế. “Khoảng trống đen” tại lục địa Âu-Á sau khi Liên Xô tan rã là một phát hiện mới của Brzezinski. Trong cuốn “The Grand Chessboard” (Bàn cờ lớn - 1997), ông nhìn từ góc độ an ninh toàn cầu và quyền lợi của Mỹ để đặt ra bốn khu vực: châu Âu là đầu cầu dân chủ (Democratic Bridgehead); Nga là Hố đen (Black Hole), khu vực Caucases và Trung Á là vùng Balkan mới, hàm ý hỗn loạn, của lục địa Âu-Á (Eurasia) và Đông Á là mỏ neo. Mỹ cần có những chính sách phù hợp để xây dựng trật tự thế giới đơn cực trong đó Mỹ nắm quyền chi phối quan hệ quốc tế.

          Trong thế giới toàn cầu hóa, cạnh tranh địa chiến lược đang điễn ra gay gắt và có những yếu tố bất ngờ. Thế kỷ XXI, địa chính trị chịu tác động rất lớn từ vấn đề hạt nhân, từ cuộc cách mạng khoa học-công nghệ và từ nền kinh tế thị trường. Thêm vào đó, địa chính trị hiện đại lập luận rằng rằng lực lượng nào khống chế được không gian sẽ khống chế được hành vi của mọi chủ thể trên Trái đất. Như vậy, trong thế kỷ mới cán cân so sánh lực lượng giữa các quốc gia không những chỉ tính đến yếu tố địa chính trị mà còn cả các yếu tố mà quốc gia đó chứa đựng./.

ThS. Nguyễn Minh Vũ       
                                    Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 51
  • Trong tuần: 5 041
  • Tất cả: 584739
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này