HỘI NGHỊ PARI - ĐỈNH CAO NGHỆ THUẬT “VỪA ĐÁNH VỪA ĐÀM” TRONG ĐƯỜNG LỐI KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

         Nghệ thuật “đánh - đàm” đã xuất hiện nhiều lần trong lịch sử nhưng đàm phán hiệp định Paris trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước có lẽ là cuộc đàm phán lâu dài, gay go và quyết liệt nhất và cũng giành thắng lợi vẻ vang nhất. Tại hội nghị Pari, Nghệ thuật “vừa đánh - vừa đàm” đạt đến đỉnh cao. Những bài học kinh nghiệm từ hội nghị Pari luôn mang những giá trị sâu sắc và là bài học cho các cuộc đàm phán sau này.

          “Vừa đánh, vừa đàm” là một phương pháp cách mạng, một biện pháp chiến lược đầy sáng tạo, vừa “quyết đánh”, vừa “biết đánh”, kết hợp chặt chẽ đấu tranh, quân sự, chính trị, ngoại giao, vừa kiên quyết, vừa khôn khéo nhằm đánh thắng một kẻ địch có tiềm lực quân sự mạnh hơn ta gấp bội”. (http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/truyenthong-hientai/2013/19949/Vua-danh-vua-dam.aspx)

         Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, Lý Thường Kiệt là người đầu tiên đưa ra vấn đề kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao. Nghệ thuật này được phát triển hơn trong khởi nghĩa Lam Sơn (thời nhà Hậu lê). Lúc khó khăn, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã giảng hòa với địch để có điều kiện phát triển lực lượng. Khi quân ta liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường, quân Minh đứng trước sự thất bại hoàn toàn, qua đàm phán, Nghĩa quân đã buộc địch đầu hàng vô điều kiện, rút quân về nước (năm 1427) và “thề” không sang xâm lược nước ta nữa. Đây được coi là “Bản hiệp định đình chiến” đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng về “đánh” và “đàm”.

         Nhận thức được tầm quan trọng của kết hợp nghệ thuật quân sự vừa đành vừa đàm phán Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời kết hợp nghệ thuật “đánh” và “đàm” phát triển và mở rộng theo từng thời kỳ.

         Trong thời kỳ 1945-1946, cách mạng Việt Nam ngay từ những buổi đầu đã ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”; phía Bắc hơn 20 vạn quân Tưởng tràn vào nước ta với âm mưu “diệt Cộng, cầm Hồ”, phía Nam hơn 15.000 quân Pháp núp bóng quân Anh với âm mưu tái xâm lược Việt Nam. Trong khi đó chính quyền non trẻ của ta phải đối phó với những khó khăn về nạn đói, nạn dốt chữ và khó khăn về tài chính. Trước nguy cơ ngoại xâm, Đảng chủ trương thực hiện sách lược “hòa để tiến”: Trước 6/3/1946 (hòa Tưởng đuổi Pháp), sau 6/3'/1946 (hòa Pháp để đuổi nhanh quân Tưởng rút về nước). Như vậy, đánhđàm trong thời kỳ 1945-1946 thể hiện nét nổi bật của cuộc đấu tranh cách mạng trên mặt trận ngoại giao. Đó là đàm là chủ yếu, đàm để tranh thủ thời cơ, thời gian xây dựng lực lượng.

         Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nghệ thuật “đánh” và “đàm” được phát triển lên đỉnh cao. Nghệ thuật đó được tiến hành một cách chủ động trong suốt cuộc chiến tranh và kết hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng, khôn khéo, đồng thời cũng vô cùng quyết liệt; tạo sức mạnh tổng hợp to lớn đánh bại Mỹ cùng đồng minh của chúng trên chiến trường và tại bàn đàm phán. Chủ trương cục diện đánh - đàm của Đảng đã thể hiện rõ trong bức thư của đồng chí Lê Duẫn gửi các đồng chí Trung ương cục miền Nam năm 1962: “Về phương pháp cách mạng vừa đấu tranh quân sự, vừa đấu tranh chính trị, có tác chiến và có đàm phán”.

         Cuối năm 1964 đầu năm 1965, trước những đòn tiến công mãnh liệt của quân và dân miền nam, cả về quân sự và chính trị, chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ đã phá sản. Ðể cứu vãn tình thế, Mỹ thay đổi chiến lược tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam đồng thời gây chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân.

         Song song đó, chính quyền Lyndon B. Johnson dùng nhiều thủ đoạn ngoại giao để thăm dò thái độ của Việt Nam và rêu rao cái gọi là “thiện chí hòa bình” với: công thức Baltimore, Kế hoạch 14 điểm, cuộc vận động Bông cúc vạn thọ, cuộc vận động Hoa hướng dương, kế hoạch Pennsylvania, công thức San Antonio. Thực chất sau những cuộc vận động ngoại giao hòa bình là những cuộc đánh phá dữ dội hơn ở cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam.

         Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 13 (1-1967) Ban chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là yếu tố quyết định để giành thắng lợi trên chiến trường và là cơ sở cho thắng lợi của đấu tranh ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được thắng lợi trên bàn đàm phán những gì mà chúng ta giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không đơn thuần chỉ là phản ánh của tình hình chiến trường, mà trong bối cảnh quốc tế hiện nay và do tính chất của cuộc chiến tranh, đấu tranh ngoại giao còn đóng một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”. (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 28, Nxb CTQG, H.2001. tr.174).

         Năm 1968, Đảng chủ trương mở chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt ở miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 - cú “sét vang trời” làm chấn động toàn cầu, giới cầm quyền Mỹ choáng váng. Tổng thống Jonhson phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc, không ra tranh cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 và cử người đàm phán với đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Pari. Chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ đã bị phá sản hoàn toàn. Thắng lợi Tết Mậu Thân đã mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm” đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh Việt Nam: đọ sức trên mặt trận ngoại giao đồng thời với đọ sức trên chiến trường (13/5/1968 - 27/1/1973).

         Trong khi đó, bối cảnh quốc tế đang có nhiều phức tạp. Sự đối đầu giữa hai siêu cường Liên Xô - Mỹ lúc “căng thẳng”, lúc “hoà hoãn” từ những toan tính về lợi ích quốc gia, dân tộc khiến cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam bị tác động bất lợi không nhỏ. Mỹ đã lợi dụng mâu thuẫn Xô - Trung để chia rẽ các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và hạn chế sự ủng hộ, chi viện của các nước này cho Việt Nam. Đồng thời, tạo thế ngoại giao con thoi nhằm cô lập Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa.

         Ngày 13/5/1968, Hội nghị bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã chính thức khai mạc tại Pari. Đây thực sự là cuộc đối thoại giữa hai thế lực đối đầu trên chiến trường. Mỹ và Việt Nam đến với hội nghị với những mục tiêu, mục đích đối lập nhau. Việt Nam đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân, vũ khí ra khỏi miền nam Việt Nam và tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ nói muốn chấm dứt chiến tranh nhưng miền Bắc và Mỹ phải cùng rút quân, đòi khôi phục khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn. Hai bên cũng tranh cãi về thành phần tham dự hội nghị. Bằng lập trường đấu tranh cương quyết, Việt Nam đã buộc Mỹ phải chấp nhận đại diện chính thức của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia đàm phán. Bốn đoàn đại biểu bao gồm Việt Nam dân chủ cộng hòa, cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Ngày 25/1/1969, Hội nghị bốn bên chính thức khai mạc. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã liên tục tiến công thông qua việc đưa ra lập trường Năm điểm, bốn tháng sau lại đưa ra giải pháp Mười điểm về vấn đề miền Nam Việt Nam, đòi Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam. Để tạo áp lực trên bàn đàm phán, Hoa Kỳ gia tăng viện trợ quân sự cho chính quyền ngụy, đẩy mạnh chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” - lấy sức mạnh quân sự để buộc Việt Nam phải chấp nhận những điều khoản do chúng đưa ra.

         Để đối phó và tăng cường cho lợi thế về đàm phán trên chiến trường, Việt Nam đã mở các chiến dịch và gây cho địch nhiều tổn thất như Đắk Tô 2, Long Khánh, Búp Răng - Đức Lập, Phước Bình - Bù Đốp,… đặc biệt Việt Nam đã đánh bại cuộc Hành quân Lam Sơn 719 - con át chủ bài trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.

         Thắng lợi về quân sự đó tiếp tục hậu thuẫn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra các giải pháp: Tám điểm (ngày 14-9-1970), Bảy điểm (ngày 01-7-1971) và sau đó là Hai điểm nói rõ thêm trong Giải pháp Bảy điểm, nhằm khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là: Mỹ phải rút toàn bộ quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam, thành lập ở miền Nam Việt Nam một chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần để tiến tới tổng tuyển cử.

         Tháng 2-1971, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 19  khoá III, sau khi đánh giá những thắng lợi của cả hai miền Nam, Bắc đã đạt được. Hội nghị khẳng định: “Nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta lúc này (Đảng Cộng sản Việt Nam, Tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam qua các đại hội và Hội nghị Trung ương 1930-2002, Nxb Lao động, Tr. 613).

         Những thắng lợi về mặt quân sự trên chiến trường càng củng cố cơ sở đế đấu tranh ngoại giao tiến lên giúp Việt Nam vững vàng trên bàn đàm phán.  Ngày 08/10/1972, phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa đưa cho phía Mỹ bản Dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và hai bên thảo luận cụ thể từng điều khoản, từng câu chữ của Hiệp định. Ngày 20/10/1972, Tổng thống Nicxon gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định “Văn bản của Hiệp định bây giờ có thể xem như đã hoàn thành” và thỏa thuận sẽ ký vào ngày 31/10/1972. Như vậy, sự kết hợp giữa quân sự và ngoại giao một lần nữa thể hiện đậm nét nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm” của ta ở chính giai đoạn cuối của đàm phán, đi những giai đoạn quyết định.

         Nét đặc sắc của nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm” còn được tiến hành một cách kiên quyết khi Mỹ trở mặt tại bàn đàm phán. Từ giữa năm 1972, khi đàm phán trên bàn hội nghị căng thẳng, chính quyền Mỹ ráo riết thực hiện chính sách “ngoại giao con thoi”, tìm mọi cách thỏa hiệp với các nước lớn khác để cô lập Việt Nam, thực hiện đàm phán trên thế mạnh, ép Việt Nam nhượng bộ và chấp nhận những đòi hỏi phi lý mà phía Mỹ đưa ra. Trên chiến trường, Mỹ tung đòn tập kích đường không chiến lược cuối năm 1972 với chiến dịch ném bom mang tên Linebacker II (Tiền vệ II) nhằm hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận buộc Việt Nam phải chấp nhận những yêu sách của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân dân Việt Nam mà trực tiếp là quân dân thủ đô Hà Nội với chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

         Thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, tổn thất nặng nề trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, bị dư luận trong nước và quốc tế lên án Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom và đề nghị trở lại bàn đàm phán. Ngày 23/1/1973, cố vấn Lê Đức Thọ và ngoại trưởng Kissinger ký tắt Hiệp định. Ngày 27/01/1973, ngoại trưởng bốn bên đã chính thức ký kết “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Như vậy, sách lược “vừa đánh, vừa đàm” của Việt Nam đã thành công đi đến thắng lợi hoàn toàn.

         Cuộc đàm phán Pari về Việt Nam thực sự là cuộc đấu trí vô cùng gay go, phức tạp, thể hiện rõ nét nhất, hiệu quả nhất, thành công nhất của nghệ thuật kết hợp đánh - đàm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có thể nói đàm phán Pari là đỉnh cao của nghệ thuật kết hợp “đánh” - “đàm”. Nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm” đã được tiến hành một cách chủ động, sáng tạo; đồng thời, yếu tố “đánh” và “đàm” được kết hợp rất chặt chẽ, nhuần nhuyễn trong từng giai đoạn của cuộc chiến tranh, trên từng mặt trận, hỗ trợ; tác động lẫn nhau tạo nên sức mạnh to lớn đánh thắng kẻ thù.

         Với nghệ thuật “đánh - đàm”, trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã có 5 lần kéo địch xuống thang. Trên thực tế, “giành thắng lợi từng bước” thì các nước có chiến tranh đều thực hiện, song kéo đối phương xuống thang từng bước thì chỉ có tại cuộc đàm phán về Hiệp định Pari 1973. Hiệp định Paris góp phần ngăn chặn mọi âm mưu can thiệp trở lại của Mỹ khi toàn quân, toàn dân Việt Nam thực hiện tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. “Phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - cho biết, Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973 là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, dẫn đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.” (https://dantri.com.vn/chinh-tri/hiep-dinh-paris-la-dinh-cao-thang-loi-cua-mat-tran-ngoai-giao59521032.htm)

          47 năm đã qua đi, nhưng Hội nghị Paris và Hiệp định Paris mãi mãi là trang sử vàng chói lọi, phát huy cao độ bản lĩnh, tinh thần, trí tuệ của con người và nền văn hóa Việt Nam kết tinh từ lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau những bài học vô giá./.

ThS. Nguyễn Thị Thu Sương   
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 31
  • Hôm nay: 871
  • Trong tuần: 11 728
  • Tất cả: 563869
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này