TỪ LỜI KÊU GỌI “THI ĐUA ÁI QUỐC” CỦA BÁC NHÌN LẠI PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC TỈNH TRÀ VINH

         Thắng lợi cách mạng tháng Tám năm 1945 mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Mùa xuân năm 1946, khi không khí của ngày độc lập chưa kịp lắng xuống, đất nước đã phải bước vào một thời kỳ lịch sử mới đầy cam go, thế ngàn cân treo sợi tóc, thù trong giặc ngoài. Tiếng súng kháng chiến của đồng bào miền Nam đã nổ.

          Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Cách mạng Việt Nam như con thuyền trước phong ba bão tố. Trong giờ phút gay go, quyết liệt mới thấy rõ trí tuệ, tài năng của Đảng và Bác. Để khích lệ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Theo tinh thần trên, Ngày 1/6/1948 Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương do đồng chí Tôn Đức Thắng làm trưởng ban. Ngày 11/6/1948 Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Theo Người, “thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất” nhằm “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công” [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.12. tr.107-110], để đạt được mục đích trên, Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách thực hiện thi đua:

“… Cách làm là: dựa vào:

Lực lượng của dân,

Tinh thần của dân, để gây:

Hạnh phúc cho dân….”

          [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.12. tr.107-110]

         Theo Hồ Chí Minh thi đua yêu nước vừa là một cuộc kháng chiến đồng thời vừa kiến quốc. Vì vậy, thi đua yêu nước mang tính toàn dân, toàn diện huy động đông đảo sự tham gia của các giai tầng trong xã hội, Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sỹ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa” [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.12. tr.107-110]. Lời Kêu gọi thi đua yêu nước của Bác được truyền đi như lời hiệu triệu, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc: “Thi đua là yêu nước; yêu nước thì phải thi đua; người người thi đua; ngành ngành thi đua. Ta nhất định thắng, địch nhất định thua” [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.12. tr.107-110].

         Thực hiện lời kêu gọi thi đua yêu nước của Bác, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng, tiêu biểu như: Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh...; những đơn vị điển hình trong thi đua sản xuất giỏi được Bác trân trọng tuyên dương, như nâng niu những quả ngọt đầu mùa: nhà máy cơ khí Duyên Hải, hợp tác xã Đại Phong, trường Bắc Lý, Tổ đá nhỏ Ca A; Ở miền Nam có phong trào thi đua giết giặc Mỹ lập công, đồng khởi phá ấp chiến lược; phong trào 3 nhất của quân đội. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là sự kết tinh đỉnh cao của lòng yêu nước.

         Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954 -1975), Đáp lại Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước (17/6/1966) của Bác, phong trào thi đua yêu nước lan tỏa như trăm hoa đua nở, mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Cả nước vang dậy không khí kháng chiến chống Mỹ.

         Trong quân đội khẩu hiệu “nhằm thẳng quân thù mà bắn” như một lời hịch tấn công; giai cấp công nhân nêu cao quyết tâm “chắc tay súng, vững tay búa”; nông dân tập thể nêu quyết tâm “chắc tay súng vững tay cày”; cán bộ nhân viên thi đua thực hiện “3 cải tiến”; phong trào “thanh niên thi đua 3 sẵn sàng”, “phụ nữ 3 đảm đang”; phong trào thi đua làm nhiều việc tốt; ở miền Nam phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” dâng cao khắp mọi nơi, phong trào thi đua trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, đơn vị anh hùng diệt Mỹ phát triển mạnh mẽ.

         Phong trào yêu nước giai đoạn này đã xuất hiện nhiều tấm gương cá nhân, đơn vị anh hùng trong sản xuất, chiến đấu: Trần Thị Lý, Ngô Thị Tuyền, Nguyễn Văn Bảy, Thái Văn A, Nguyễn Viết Xuân, anh hùng Hồ Giáo, Trần Hanh, Trần Văn Tỵ, Lâm Văn Lịch, Hoa Xuân Tứ, Nguyễn Thị Út, Lê Thị Hồng Gấm, mẹ Suốt, mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Diệu, GS. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, hợp tác xã Thái Bình, quân và dân vùng đất thép Củ Chi một tấc không đi, một li không rời. Đỉnh cao của phong trào thi đua yêu nước giai đoạn này là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu thân năm 1968, Đại thắng mùa xuân năm 1975. Đó là thắng lợi chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được phát huy cao độ, phổ biến, toàn diện, sáng ngời tinh thần hy sinh, chiến đấu, lao động quên mình.

         Thấm nhuần tư tưởng Thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua Đảng bộ, quân và dân Trà Vinh đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội X nhiệm kỳ 2016 - 2020, xây dựng Trà Vinh từng bước phát triển nhanh và bền vững, “trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” [Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh (2015), Văn kiện Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ X nhiệm kỳ 2015 – 2020, tr.9]. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,04% (chỉ tiêu là 11 - 12%); Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt 65 triệu đồng/người/năm (năm 2015 là 29,8 triệu đồng/người/năm); Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực: tỷ trọng khu vực I giảm còn 29,41%; khu vực II và khu vực III chiếm 70,59% (năm 2015 tỷ trọng của 3 khu vực trên tương ứng là: khu vực I: 45,92%, khu vực II và III: 54,08%); Lao động nông nghiệp còn dưới 40%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67% (chỉ tiêu là 65%); Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực, ngày càng tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,32%, tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn 5,22% (so với với năm 2015: tỷ lệ hộ nghèo khoảng 13,23%, nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer là 23,12); Môi trường chính trị ổn định, quốc phòng an ninh tiếp tục được giữ vững; Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy trong điều kiện mới tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển trong các giai đoạn tiếp theo. [Tỉnh ủy Trà Vinh (2020), Dự thảo báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa X tại ĐHĐB Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, dự thảo lần thứ 5].

         Phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015 – 2020 đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét, phong trào đã phát huy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, huy động cao độ niềm hăng say lao động, thi đua sản xuất, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ và cách làm. Xuất hiện nhiều mô hình thi đua yêu nước điển hình, tiên tiến như: Ông Nguyễn Hoàng Nam, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải có nhiều sáng tạo trong lao động, sản xuất; Thượng tọa Thích Trí Minh, có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội; ông Dương Văn Tạo, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú có mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, được Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu nông dân Việt Nam tiêu biểu; Tập đoàn Mỹ Lan, Công ty Cổ phần Trà Bắc có nhiều sáng kiến trong cải tiến kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

         Thực hiện phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động, Trà Vinh đã cụ thể hóa thành các phong trào cụ thể, thiết thực gắn với tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh. Điển hình qua các phong trào như: Phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... của Mặt trận Tổ quốc; phong trào “Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động” của Liên đoàn Lao động; các cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Tuổi trẻ Trà Vinh học tập làm theo lời Bác” của Đoàn Thanh niên; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội Phụ nữ; phong trào “Thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi”, “Chuyển đổi cơ cấu sản xuất” của Hội Nông dân; phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, mô hình “Câu lạc bộ môi trường” của Hội Cựu chiến binh [Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh (2020), Báo cáo số 267/BC-UBND tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng 05 năm giai đoạn 2015 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020 - 2025]. Đặc biệt, qua tổng kết phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020 Trà Vinh có 02 tập thể vinh dự được nhận Cờ thi đua Chính phủ vì có thành tích tiêu biểu, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước là: Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết và xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành; 33 tập thể và 75 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước.

         Với những thành tựu nổi bật đã đạt được, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Trà Vinh tiếp tục nổ lực phấn đấu với mục tiêu “đến năm 2025 Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long” [Tỉnh ủy Trà Vinh (2020), Dự thảo báo cảo Chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa X tại ĐHĐB Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, dự thảo lần thứ 5]. Theo đó, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh khẳng định thi đua yêu nước là động lực mạnh mẽ, sẽ khơi dậy và phát huy cao độ tiềm năng, nội lực cho Trà Vinh phát triển với khẩu hiệu hành động“Người người thi đua, ngành ngành thi đua, quyết liệt, sáng tạo, bứt phát, để Trà Vinh phát triển nhanh và bền vững” [Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Trà Vinh lần thứ V (2020 - 2025)]. Để phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả, là nguồn năng lực nội sinh cho Trà Vinh tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững, cần thực hiện các giải pháp sau:

         Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thi đua yêu nước đến mọi tầng lớp nhân dân, để mọi người nhận thức về vị trí, vai trò, tác dụng to lớn của thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay.

         Muốn vậy, trước hết các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào thực hiện các nhiệm vụ then chốt, các khâu đột phá, tập trung giải quyết những nhiệm vụ khó, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, trọng tâm là đưa Trà Vinh phát triển kinh tế nhanh, bền vững;

         Gắn việc thực hiện thi đua yêu nước với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”;

         Phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân, là ngọn cờ dẫn đầu trong các phong trào thi đua của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị.

         Thứ hai, tăng cường kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết và đổi mới mạnh mẽ công tác biểu dương, khen thưởng. Trong phong trào thi đua, việc kiểm tra, giám sát, tổng kết có ý nghĩa quan trọng, giúp kịp thời phát hiện những gương điển hình, tiên tiến, những cách làm hay sáng tạo để phổ biến, nhân rộng, đồng thời kiểm tra, đánh giá cũng cho thấy những hạn chế, yếu kém, chệch choạch trong khi thực hiện, qua đó sẽ sớm có các biện pháp đôn đốc, giúp đỡ, rút kinh nghiệm kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh lại phong trào. Có như vậy thi đua mới đạt được hiệu quả cao và không mang tính hình thức, không lãng phí tiền của của nhân dân, không bị coi là “đầu voi, đuôi chuột”;

         Đồng thời với công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết là công tác thi đua khen thưởng cũng phải được tiến hành thường xuyên và thực chất. Khen thưởng là kết quả và đồng thời là đòn bẩy thiết thực của phong trào thi đua. Do đó, biểu dương, khen thưởng phải kịp thời, công tâm, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả kinh tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo, trong đó, chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Cùng với việc phát hiện, khen thưởng kịp thời, tỉnh cần hỗ trợ các địa phương, đơn vị bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

         Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác thi đua, khen thưởng cho cán bộ, công chức trực tiếp phụ trách ở các cơ sở, triển khai kịp thời các nội dung qui định mới về công tác thi đua, khen thưởng, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng trong điều kiện tình hình thực tế của địa phương.

         Thứ ba, gắn kết chặt chẽ phong trào thi đua yêu nước với phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là nguồn lực nội sinh tạo ra sức bật mới mạnh mẽ và bền vững cho Trà Vinh phát triển. Tinh thần khởi nghiệp quốc gia được xây dựng với những giá trị cốt lõi là phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, chung sức đồng lòng, đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tập hợp thành sức mạnh thời đại của cộng đồng doanh nghiệp, nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức để tiếp tục khởi nghiệp và phát triển, làm giàu cho quê hương mình.

         Muốn phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi vào thực chất, Trà Vinh cần: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo ra điều kiện thuận lợi nhất để các Startup có thể dễ dành thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp; Tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho các startup; Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp bằng nhiều hình thức như bằng văn bản, qua mạng điện tử, điện thoại…; Phát hiện và nhân rộng các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp hiệu quả, tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với đại diện cơ quan Nhà nước; Nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề, phát huy vai trò cầu nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp; Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ hỗ trợ về cơ chế chính sách đến hỗ trợ tài chính, tín dụng, nguồn nhân lực, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ưu đãi về thuế.

         “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Lời Bác gọi năm xưa đã toát lên một chân lý vĩ đại qua phong trào thi đua yêu nước, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Trà Vinh quyết tâm hành động, quyết đánh và quyết thắng bất kỳ tên “giặc” nào để xây dựng một quê hương Trà Vinh ngày càng giàu đẹp, văn minh, phát triển xứng tầm với tiềm năng và sự kỳ vọng của cả nước dành cho Trà Vinh./.

ThS. Lê Thị Bích Ngọc    
Khoa Nhà nước và Pháp luật

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 21
  • Hôm nay: 671
  • Trong tuần: 5 661
  • Tất cả: 585359
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này