TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG, VẬN DỤNG VIỆC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CHO ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HIỆN NAY

         Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Người đã từng chỉ dạy: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” . Đối với các Trường Chính trị, với nhiệm vụ đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở. Để góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao, đòi hỏi người giảng viên phải ra sức rèn luyện theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng.

         Ngày 1/2/1961, tại Đại hội lần thứ II Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ cần phải không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với Đảng và một lòng một dạ phục vụ nhân dân”. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ: “Nói chung, số đông cán bộ ta đều tận tụy, đều cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Nhưng vẫn còn một số bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc, do đó mà phạm nhiều sai lầm, khuyết điểm”. Với ý nghĩa đó, việc tu dưỡng đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà.

         Tác phẩm “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem là một trong những tác phẩm để đời của toàn dân tộc. Những tư tưởng của Người trong tác phẩm đến tận ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, nội dung nói về Đảng đã được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và xem đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng và cũng là lời căn dặn tâm huyết của Người trước lúc đi xa. Nói về Đảng, trong tác phẩm “Di chúc” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc rất kỹ đến hai nội dung quan trọng:

         Thứ nhất, “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

         Thứ hai, “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo,là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

         Với hai nội dung ấy, Bác đặc biệt chú trọng vai trò của mỗi đảng viên đối với sự nghiệp cách mạng. Bởi lẽ, chính mỗi đảng viên sẽ là những nhân tố quyết định thắng lợi cho mỗi tổ chức Đảng nói riêng. Bác đã từng nói: “Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do Đảng viên chấp hành. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng”. Chính vì thế, mỗi người đảng viên phải luôn là tấm gương sáng trong công việc cũng như trong cuộc sống đời thường. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Người và đến lúc cuối đời, Người vẫn luôn dành một phần tâm quyết của mình để nói về “đạo đức cách mạng” của người đảng viên.

         Nói về vai trò của người cán bộ, đảng viên, Bác nói rất tâm huyết: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người còn nhấn mạnh “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được…”

         Với niềm ước ao lớn lao của Người lúc cuối đời là mong sao cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thật sự được độc lập, ấm no. Bác đã khẳng định cách mạng rồi nhất định sẽ thành công, đất nước Nam - Bắc hai miền sẽ được thống nhất. Tuy nhiên, theo Người muốn giành lấy độc lập dân tộc là việc vô cùng khó khăn nhưng việc giữ lấy nền độc lập ấy lại càng khó khăn gấp bội. Để có được điều đó, đòi hỏi toàn dân tộc phải gắn kết một lòng và mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao đạo đức cách mạng. Bởi lẽ, chính đạo đức cách mạng là cội nguồn của mọi thành công.

         Đối với đội ngũ giảng viên các Trường Chính trị, việc thực hành đạo đức nghề nghiệp của người giảng viên sẽ góp phần vào sự thắng lợi trong công tác đào tạo cán bộ. Thực hành đạo đức công vụ hay đạo đức nghề nghiệp được xem là một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

         Vấn đề đạo đức công vụ trong những năm gần đây được các ngành chức năng có thẩm quyền ban hành nhiều quy định, quyết định có liên quan nhằm góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Quyết định 1847/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt đề án Văn hóa công vụ” trên cơ sở căn cứ vào Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 13/6/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 30c/NQ-CP được xem là kim chỉ nam cho việc thực hiện “Văn hóa công vụ” đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.

         Đối với các Trường Chính trị, để góp phần nâng cao văn hóa công vụ trong đội ngũ giảng viên trước tình hình mới hiện nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành những quyết định, nội dung chương trình đào tạo các lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính. Cụ thể như: Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 về “Ban hành Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Có tài phải có đức"9, trong đó “đức” theo tư tưởng của Bác đó là đạo đức, đạo lý làm người, là cái gốc của mọi thành công. Người giảng viên ở các Trường Chính trị cũng vậy, ngoài trình độ, năng lực chuyên môn, yếu tố đạo đức sẽ là thước đo đánh giá chất lượng của mỗi giảng viên.

         Thực hành đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh đối với đảng viên nói chung luôn có vai trò quyết định trong việc góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Đối với đội ngũ giảng viên Trường Chính trị, ngoài công tác nghiệp vụ chuyên môn, yếu tố “đạo đức được xem là tiêu chí đánh giá chất lượng giảng viên. Trong thời gian tới, để góp phần nâng cao thực hành văn hóa công vụ cho đội ngũ giảng viên Trường Chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

         Một là, mỗi giảng viên phải thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và xem đó như là kim chỉ nam cho mọi hành động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn, thời điểm cụ thể, việc thực hành đạo đức cách mạng sẽ có những tính chất, yêu cầu khác nhau. Cụ thể, căn cứ vào đặc điểm tình hình nhiệm vụ chính trị hiện nay, yêu cầu thiết yếu đối với mỗi giảng viên là xây dựng văn hóa công vụ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” tuy nhiên phải gắn với yêu cầu nhiệm vụ chính trị - xã hội cụ thể của từng địa phương.

         Hai là, về phương thức thực hiện: yêu cầu mỗi đơn vị cần xây dựng bộ qui tắc ứng xử. Trong đó, cần xây dựng bộ qui tắc đảm bảo theo hai nội dung. Thứ nhất, bộ qui tắc ứng xử của cán bộ, giảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thứ hai, bộ qui tắc ứng xử của học viên đối với nhà trường trong quá trình học. Đồng thời, trên cơ sở những qui định từ bộ qui tắc sẽ là cơ sở đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ của giảng viên và học viên trong năm học, khóa học.

         Ba là, về công tác tuyên truyền, phổ biến: yếu tố này đòi hỏi sự thể hiện vị trí, vai trò của các đoàn thể. Bởi lẽ, các đoàn thể chính là nhịp cầu nối giữa giảng viên với tổ chức Đảng, chính quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, các đoàn thể đề ra những kế hoạch thực hiện cụ thể nhằm nâng cao văn hóa công vụ cho đội ngũ giảng viên và đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ.

         Bốn là, với vai trò, nhiệm vụ được giao, mỗi giảng viên ngoài việc nắm vững và truyền đạt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với học viên, đòi hỏi mỗi giảng viên còn là tấm gương sống trong công việc cũng như trong đời sống. Cụ thể, mỗi giảng viên cần thực hiện tốt những quy định tại địa phương về công tác nêu gương trên cơ sở nền tảng từ Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

         Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hành văn hóa công vụ của giảng viên thông qua việc thể hiện tinh thần trách nhiệm của các đoàn thể. Trong đó, vai trò của Đảng ủy, chính quyền đối với công tác đánh giá chất lượng giảng viên hằng năm được xem là yếu tố mang tính bước ngoặt. Bởi lẽ, việc khen thưởng một cách hợp lý sẽ mang lại hiệu ứng tích cực đối với giảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

         “Đức và Tài” là hai tiêu chí đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ đối với mỗi cán bộ, đảng viên nói chung. Đối với giảng viên các Trường Chính trị, ngoài yếu tố nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức lối sống được xem là cái gốc làm nên hình ảnh của người giảng viên. Việc thực hành văn hóa công vụ trong môi trường giảng dạy ở các Trường Chính trị hiện nay là yêu cầu tất yếu, góp phần vào thắng lợi trong công tác đào tạo cán bộ. Trên cơ sở ấy, việc quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí minh về đạo đức cách mạng của người đảng viên là nền tảng cho mọi phương châm hành động của mỗi giảng viên. Trong đó, “đức” chính là nguyên căn dẫn đến mọi thành công. Nói như chủ tịch Hồ Chí Minh: “Có tài phải có đức”./.

ThS. Đặng Văn Amel           

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 1709
  • Trong tuần: 11 932
  • Tất cả: 562662
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này