VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ TRONG PHÁT HUY DÂN CHỦ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
    Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, được thành lập ở một hoặc một số đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp, khi có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

     Công đoàn cơ sở Trường Chính trị trực thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh Trà Vinh, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy nhà trường. Gồm 03 tổ công đoàn trực thuộc với tổng số CBCCVC- NLĐ là 44 người. Trong đó nữ đoàn viên 25/44 đồng chí (chiếm 57 %). Về trình độ chuyên môn: tiến sỹ 02 đ/c, thạc sĩ 21 đ/c, đang học cao học 06 đ/c, cử nhân 19 đ/c, 01 đ/c đang học đại học. Trình độ chính trị: Cao cấp và tương đương 27, trung cấp 05.

     Trong quá trình hoạt động Công đoàn cơ sở Trường Chính trị nhận được sự quan tâm hướng dẫn nghiệp vụ của Công đoàn Viên chức tỉnh và sự hỗ trợ vật chất, tinh thần của Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã tạo mọi điều kiện để Ban Chấp hành hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ban Chấp hành công đoàn phối hợp với Đảng ủy và Ban Giám hiệu tổ chức cho toàn thể CBCCVC - NLĐ tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Quy chế dân chủ, Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế làm việc của nhà trường. BCH công đoàn  cơ sở luôn thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát trong việc tổ chức triển khai thực hiện hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của ngành có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan; đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên. Xây dựng kế hoạch đào tạo và đăng ký nhu cầu đào tạo hằng năm theo yêu cầu của các phòng, khoa liên quan; Thực hiện đúng quy định về việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho CBCCVCLĐ; thực hiện việc nâng lương thường xuyên; nâng lương trước thời hạn và nâng phụ cấp thâm niên nghề và các khoản phụ cấp khác kịp thời và đúng quy định tổng cộng là 44 lượt.

   Quá trình triển khai phối hợp thực hiện Quy chế DCCS tại Trường chính trị tỉnh Trà Vinh đã đạt được những kết quả tích cực như tạo không khí cởi mở, dân chủ trong sinh hoạt và hội nghị; hạn chế được tình trạng độc đoán, cửa quyền, quan liêu, hách dịch; nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và CBCCVC - NLĐ về tính dân chủ được nâng lên. Tổ chức công đoàn cơ sở thực sự là chỗ dựa tinh thần của CBCCVC - NLĐ và là hạt nhân quan trọng để xây dựng mối quan hệ, đồng hành với chuyên môn, chính quyền đơn vị trong thực hiện Quy chế DCCS. Đồng thời CBCCVC - NLĐ chủ động tham gia thảo luận sôi nổi, đóng góp ý kiến xây dựng, phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm bản thân và thống nhất nghị quyết về nhiệm vụ, nội quy, quy chế của nhà trường. Thực hiện quy chế DCCS, tổ chức công đoàn cơ sở ngày càng thể hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo đó, vai trò tham gia quản lý, đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBCCVC - NLĐ ngày càng nâng lên, từng bước đi vào thực chất. Công đoàn cơ sở Trường Chính trị luôn đồng hành, sát cánh với các đơn vị trong việc giám sát thực hiện quy chế dân chủ quy chế làm việc của Trường chính trị

   Dân chủ ở cơ sở là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội ở mỗi cơ quan, đơn vị. Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy được vai trò tham gia quản lý cơ quan, đơn vị; xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh; chủ động, tích cực trong xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Vì thế để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong thực hiện QCDC ở cơ sở, Công đoàn cơ sở Trường Chính trị cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai sâu rộng Nghị định 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 9/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, các kế hoạch thực hiện Quy chế dân chủ hàng năm của Đảng ủy Trường. Đồng thời BCH Công đoàn cơ sở cần ban hành quy chế làm việc của Ban Chấp hành, quy định rõ trách nhiệm của tập thể Ban Chấp hành,Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên BCH CĐCS, tạo mối quan hệ công tác với lãnh đạo đơn vị và với các tổ chức đoàn thể, quần chúng; ban hành quy chế phối hợp giữa công đoàn với chuyên môn trong đơn vị, xây dựng đội ngũ CBCCVC - NLĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

      Hai là, công đoàn cấp trên thường xuyên quan tâm, hỗ trợ CĐCS vận dụng thực hiện tốt các hình thức dân chủ ở cơ sở như tư vấn, hỗ trợ CĐCS trong quá trình tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, chú trọng đối thoại đột xuất để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của CBCCVC - NLĐ; tập trung thương lượng, ký kết và triển khai thực hiện thỏa ước lao động tập thể; sử dụng hệ thống thông tin nội bộ, hộp thư góp ý, hộp thư điện tử, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật

Ba là, nâng cao chất lượng hoạt động Ban Thanh tra Nhân dân, Công đoàn cần giới thiệu người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, bản lĩnh có trình độ và kiến thức chuyên môn, để bầu vào Ban Thanh tra Nhân dân tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thực hiện QCDC tại các cơ quan, đơn vị, thể hiện đầy đủ quyền của người lao động được biết, được bàn, được quyết định và được kiểm tra giám sát

        Bốn là, ban chấp hành công đoàn phối hợp với chính quyền thực hiện có hiệu quả trưng cầu ý kiến của người lao động trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và của nhà trường liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; Xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể; Đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; Các nội dung khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật.

        Năm là, Đa dạng các hình thức để thực hiện tốt QCDC ở cơ sở như :thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân; thông qua kiểm điểm công tác, tự phê bình và phê bình trong các cuộc họp định kỳ của cơ quan, đơn vị; thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị; lãnh đạo công đoàn tham gia hội đồng cùng cấp liên quan đến quyền, lợi ích của NLĐ do công đoàn cơ sở tổ chức

Có thể khẳng định, công đoàn cơ sở đóng vai trò tích cực, quan trọng trong xây dựng và thực hiện QCDC ở đơn vị. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tích cực tham gia thực hiện QCDC ở cơ sở, phát huy dân chủ rộng rãi, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, được bàn, được tham gia quản lý từ cơ sở. Công đoàn đã phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội theo quy định, công khai, dân chủ những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và thực hiện, từ đó phong trào thi đua đã huy động được sức mạnh tổng hợp của đông đảo công đoàn viên, thu hút các nguồn lực, sức lực và trí tuệ góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của nhà trường./.

                                                                     Lê Thị Hồng Gấm

                                                                          Trường Chính trị Trà Vinh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 17
  • Hôm nay: 230
  • Trong tuần: 5 220
  • Tất cả: 584918
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này