PHÁT TRIỂN THỦY SẢN THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
Chủ tịch Ủy ban môi trường thế giới – G.H.Brintơran nói: trừ chiến tranh hạt nhân, thì mối đe dọa lớn nhất không chỉ uy hiếp sự tồn vong của con người, mà còn đe dọa cả tương lai của trái đất chính là sự biến đổi khí hậu (BĐKH). 

BĐKH tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành thủy sản. DARA ước tính thiệt hại ngành thủy sản do BĐKH có thể lên gần 2% GDP vào năm 2030. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, BĐKH có thể gây thiệt hại về sản lượng nuôi trồng thủy sản lên đến 40%/năm và gần 3 triệu lao động trong ngành chế biến thủy sản bị thất nghiệp.

Nằm ở vị trí địa lý đặc biệt giữa hai sông lớn là sông Cổ Chiên và sông Hậu với 02 cửa sông Cung Hầu và Định An, Trà Vinh có lợi thế rất lớn về phát triển thủy sản ở cả 3 vùng nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Thủy sản đang ngày càng được định hình là ngành kinh tế chủ lực. Tốc độ tăng trưởng của thủy sản trong cơ cấu ngành nông nghiệp luôn tăng. Giai đoạn 2011 - 2015 đóng góp 3 lĩnh vực vào tăng trưởng kinh tế lần lượt là: nông nghiệp: 1,44%; lâm nghiệp: 0,96%; thủy sản: 8,42%, năm 2018 theo thứ tự là: 5,06%; 1,32%; 15,59%; tỷ trọng đóng góp của ngành thủy sản tăng từ 28,71% năm 2010 tăng lên 36,01% năm 2015. Thủy sản còn tạo việc làm cho hơn 70.000 lao động; đây cũng là ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao: năm 2018, nếu giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt đạt 127,4 triệu đồng/năm, tăng 19,2 triệu đồng/ha, thì giá trị sản xuất/ha đất nuôi trồng thủy sản đạt 284,5 triệu đồng/năm, tăng 78 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, do đặc điểm của vị trí địa lý nằm ở cuối nguồn hệ thống sông Mê Kông, chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều của Biển Đông. Trà Vinh là một trong những tỉnh chịu tác động nặng nề của BĐKH và nước biển dâng.

Theo các kết quả điều tra, 2016 là năm BĐKH gây ra nhiều tác động tiêu cực nhất, làm suy giảm nghiêm trọng sản lượng lẫn chất lượng thủy sản. Ranh giới mặn 4g/l đã đạt đỉnh cao nhất, vượt mức trung bình 20 - 25 km, trên sông Cổ Chiên, mặn vào sâu 81 km, vượt qua cửa sông Măng Thít 2 - 3 km. Nắng nóng gây gắt, kéo dài, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao (8 - 100C) ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm nuôi, trên 6.298 ha diện tích nuôi bị thiệt hại (diện tích tôm sú bị thiệt hại trên 5.298 ha; tôm thẻ chân trắng trên 1.000 ha); Sản lượng thủy sản khai thác giảm (12,41%), chi phí khai thác tăng cao, thiếu nhân công lao động nên một số tàu khai thác hạn chế ra khơi.

Quý I/2020, thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của BĐKH. Những tác động được ghi nhận như: mặn đến sớm và cao hơn cùng kỳ nhiều năm, diễn biến phức tạp và xâm nhập mặn vào nội đồng kết hợp với nắng nóng gay gắt gây thiệt hại cho thủy sản, môi trường ao nuôi tôm đầu vụ chưa ổn định, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn làm giảm sức đề kháng của tôm, tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh phát sinh… Trong quý I/2020, BĐKH làm chết 59 triệu con tôm sú (chiếm 05% lượng tôm giống thả nuôi); đối với tốm thẻ chân trắng, làm chết 259 triệu con (chiếm 25% lượng con giống thả nuôi), thiệt hại 238 ha, nắng nóng xâm nhập vào sâu trong nội đồng, đã làm chết 4,5 triệu con tôm càng xanh ở giai đoạn 5 – 7 tháng tuổi, với diện tích 135 ha (xã Long Hòa, huyện Châu Thành); làm thiệt hại 70 tấn sản lượng và 0,7 ha nuôi cá lóc (xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú).

BĐKH tác động rất lớn đến hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản. Bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn kéo dài phá hủy hệ thống đề điều, nhất là các đê nội đồng được xây dựng căn cứ vào các dữ liệu khí hậu lịch sử đã không còn phù hợp trong điều kiện BĐKH; Hệ thống đê biển không thể chống chọi được với nước dâng như thiết kế dẫn đến nguy cơ vỡ đê; Sự thay đổi chế độ động lực của sóng và dòng chảy ven bờ, làm thay đổi hình thái bờ biển và sông, gây xói lở bờ và hệ thống đê biển; nước biển dâng làm khả năng tiêu thoát nước ra biển giảm, kéo theo mực nước các con sông trong nội địa dâng lên, kết hợp với sự gia tăng dòng chảy lũ từ thượng nguồn sẽ đe dọa sự an toàn của hệ thống đê sông, đê bao và bờ bao.

Đến năm 2019 toàn tỉnh có 03 khu tránh trú bão: khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Cung Hầu (huyện Cầu Ngang) có sức chứa 800 chiếc, khu tránh trú bão Cảng cá Định An (huyện Trà Cú) có sức chứa 1000 chiếc và khu neo đậu tránh trú bão Vàm Láng (TX Duyên Hải) có sức chứa 600 chiếc. Tuy nhiên, một số khu neo đậu tránh trú bão chưa phát huy hết hiệu quả hoạt động và tạo ra sự quá tải cho cả hệ thống khi có bão, áp thấp nhiệt đới, chẳng hạn khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Cung Hầu.

BĐKH tác động ngày càng rõ nét và gây ra thiệt hại nặng nề đến phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đối với một bộ phận cán bộ và người dân, nhận thức về BĐKH và các tác động của BĐKH đến phát triển thủy sản vẫn chưa sâu sắc, thậm chí còn thờ ơ. Việc chuyển đổi phương thức canh tác, sản xuất sao cho phù hợp với BĐKH chưa được mạnh dạn áp dụng.

Vì vậy, để phát triển thủy sản thích ứng với BĐKH, thủy sản là “… lĩnh vực tạo đột phá… là ngành mũi nhọn… tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững… tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động thủy sản và các nghề liên quan …”, Trà Vinh cần tập trung vào thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp sau:

Thứ nhất, đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức về phát triển thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là giải pháp căn cơ, có ý nghĩa vô cùng quan trọng quyết định khả năng phát triển thủy sản thích ứng với BĐKH. Tuyên truyền phải đa chiều, không chỉ giúp người dân nhận thức, đánh giá đúng tác động tiêu cực của BĐKH, quan trọng hơn phải chỉ ra cho người dân thấy được các cơ hội phát triển mới mà BĐKH mang lại; Cần tiếp cận thêm góc nhìn đa chiều từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà tư vấn; Tuyên truyền nhiều về các cách làm hay, mô hình mới hiệu quả, tuyên dương các tấm gương cụ thể, cách thức thay đổi tập quán sản xuất - kinh doanh, các kiến thức khoa học đến kinh nghiệm thực tiễn về phát triển thủy sản thích ứng với BĐKH.

Thứ hai, tiếp tục tổ chức lại sản xuất thủy sản theo hướng nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển sản xuất theo điều kiện của từng vùng sinh thái (nước ngọt, nước lợ và nước mặn), phát huy lợi thế của từng khu vực, địa phương; Tăng cường liên kết các khâu từ đầu vào đến đầu ra trong chuỗi giá trị; Tiếp cận và ứng dụng tiêu chuẩn, quy chế truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nuôi, vùng nuôi kết hợp với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm thủy sản; Tiếp tục đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ, cơ giới hóa, tự động hóa dây chuyền chế biến, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản; Tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đã có, tìm thị trường mới.

Thứ ba, đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản. Sắp xếp lại đội tàu đánh bắt theo hướng tăng số lượng tàu có công suất lớn, trang bị hiện đại, ưu tiên đầu tư vào công nghệ bảo quản sau thu hoạch, ướp đông phục vụ cho các chuyến khai thác xa bờ và dài ngày; Huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ hoạt động thủy sản, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH; Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động thủy sản.

Thứ tư, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, lai tạo, hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo một số loài thủy sản có giá trị kinh tế, loài thủy sản bản địa đặc hữu; Nghiên cứu các giống thủy sản có khả năng chịu mặn cao, có khả năng thích ứng tốt với BĐKH; Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu thức ăn dinh dưỡng, chế phẩm sinh học, thuốc thủy sản; Ứng dụng công nghệ vệ tinh viễn thám, định vị vệ tinh trong quản lý, kiểm soát hoạt động tàu cá nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sinh biển;

Thứ năm, tăng cường vai trò quản lý của chính quyền cơ sở trong phát triển thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển thủy sản thích ứng với BĐKH; Hỗ trợ các chính sách cần thiết để khai thác tối đa các tiềm năng của ngành thủy sản; Thường xuyên kiểm tra, giám sát các HĐTS nhất là các hoạt động nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; Đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển thủy sản thích ứng với BĐKH./.

Th.S Lê Thị Bích Ngọc

Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 17
  • Hôm nay: 741
  • Trong tuần: 11 598
  • Tất cả: 563739
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này