MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA – XÃ HỘI CƠ BẢN NGƯỜI TRÀ VINH
Tỉnh Trà Vinh nằm ở phía Đông Nam đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên của tỉnh là 2.295,1 km. Phía Bắc, Tây - Bắc giáp tỉnh Vĩnh Long; phía Đông giáp tỉnh Bến Tre với sông Cổ Chiên; phía Tây giáp tỉnh Sóc Trăng với Sông Hậu; phía Nam, Đông - Nam giáp biển Đông với hơn 65 km bờ biển. 

Trung tâm tỉnh lỵ nằm trên Quốc lộ 53 , cách thành phố Hồ Chí Minh gần 200 km và cách thành phố Cần Thơ 100 km. Trà Vinh nối với thị xã Vĩnh Long bằng quốc lộ 53, tuyến thông thương đường bộ duy nhất nối Trà Vinh với các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tỉnh Trà Vinh có 09 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải và các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải; tăng 01 đơn vị hành chính cấp huyện (thị xã Duyên Hải); 106 đơn vị hành chính cấp xã gồm 85 xã, 11 phường, 10 thị trấn, tăng 01 đơn vị hành chính cấp xã (tăng 02 phường, giảm 01 thị trấn). Dân số trên 1.050.000 người, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ trên 31%, đồng bào dân tộc khác (Hoa, Ấn, Chăm…) chiếm tỷ lệ 0,8% so với dân số toàn tỉnh.

Quá trình hình thành và phát triển của các dân tộc tỉnh Trà Vinh gắn liền với các đặc điểm sinh sống, lao động, văn hóa và tôn giáo. Mỗi dân tộc ở Trà Vinh có phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết và món ăn đặc thù riêng. Nhân dân Trà Vinh luôn chung sống đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau, phát huy truyền thống cách mạng đánh đuổi thực dân phong kiến; đã đóng góp rất lớn sức người, sức của trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Là một bộ phận trong quá trình hình thành và phát triển chung của vùng Nam Bộ, nên mang đặc điểm chung của điều kiện hoàn cảnh của Nam Bộ. Đặc trưng tính cách của người Trà Vinh được đặt trong mối quan hệ với tính cách người Nam Bộ, có thể khẳng định rằng đặc trưng tính cách người Trà Vinh chính là tính cách của người Nam Bộ, đó là tính sông nước, tính bao dung, tính năng động, tính trọng nghĩa, tính thiết thực. Tính cách người Trà Vinh có thể hình thành dựa trên hai yếu tố chính:

Thứ nhất, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên - xã hội. Tỉnh Trà Vinh xét về vị trí địa lý là nơi gặp gỡ của các tuyến giao thông đường biển quốc tế giữa Việt Nam với các quốc gia Đông Nam Á và với các nước phương Tây. Đồng thời, còn là ngã ba đường Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Về điều kiện tự nhiên - xã hội thì đây là nơi gặp gỡ của những điều kiện tự nhiên thuận tiện như mùa hè không quá nóng và ẩm như nơi khác ở sâu trong lục địa, không quá khô và quanh năm ít khi bị bão lớn.

Thứ hai, nơi gặp gỡ của cư dân nhiều tộc người (Kinh, Hoa, Chăm, Khmer...), đến từ khắp mọi miền đất nước. Đây là nhân tố tạo nên nét văn hóa đặc trưng Trà Vinh, sản phẩm của quá trình hòa hợp trong không gian (từ Bắc qua Trung vào Nam) và thời gian (từ lớp văn hóa bản địa qua lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa đến lớp văn hóa giao lưu với phương Tây) mà ảnh hưởng nhiều nhất sau này chính là tính cách văn hóa phương Tây như mở, thoáng, năng động, tính thực dụng. Từ đó, đã ảnh hưởng, hình thành nên hệ thống đặc trưng tính cách văn hóa con người Trà Vinh nói riêng.

Những nét đặc trưng riêng biệt, nổi trội, sự đa dạng văn hóa góp phần tạo nên phong tục, tập quán rất phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó, nơi đây cũng từng tồn tại nhiều lớp văn hóa khác nhau trên cơ sở tinh thần bao dung, hòa hợp, xuyên qua thời gian, các mối quan hệ xã hội của cư dân nhiều tộc người đã tạo nên một diện mạo văn hóa đặc sắc, thể hiện sự đan xen của các mảng màu văn hóa.

Mặt khác, Trà Vinh là tỉnh có số lượng đồng bào Khmer lớn thứ hai sau tỉnh Sóc Trăng ở Nam bộ, đồng bào Khmer đã kiến tạo nên các giá trị văn hóa đặc sắc về ẩm thực, trang phục, ứng xử ở vùng đất Trà Vinh. Trong diện mạo văn hóa Trà Vinh, có thể thấy một nét khác biệt so với bức tranh văn hóa của các tỉnh, thành Tây Nam Bộ ở nét đậm của văn hóa đồng bào Khmer.

Nét đặc trưng tính cách, văn hóa của người Trà Vinh còn thể hiện trong mối quan hệ của sự hòa hợp, sự đan xen các loại hình tôn giáo và tín ngưỡng. Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 12 tôn giáo khác nhau, và nét đặc biệt là xấp xỉ 90% dân số trên địa bàn tỉnh theo tôn giáo; trong đó, có hơn 80% theo Phật giáo với hơn 150 ngôi chùa thờ Phật. Đây là nét đặc biệt tác động sâu sắc đến các đặc điểm văn hóa khác, cũng như tác động tới việc hình thành tính cách người Trà Vinh.

Việc có số lượng người theo Phật giáo cao đã tạo nên một không khí Phật giáo trong đời sống với đức tin lớn; tạo nên một tinh thần Phật giáo trong ứng xử khiến cho sự hòa hợp với các tôn giáo khác được dễ dàng hơn, đồng thời tạo nên một môi trường sinh hoạt văn hóa mà ở đó, con người thấm nhuần tinh thần từ bi của Phật giáo. Chính vì thế, người Trà Vinh sống ôn hòa, trọng giá trị gia đình, ít bon chen, tranh giành. Điều này trong cuộc sống hằng ngày của người Trà Vinh có thể cảm nhận được bằng nhịp sống có vẻ thong thả, không vội vàng giữa những sôi động từ sự tác động của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích lịch sử ghi lại truyền thống đấu tranh giữ nước và bảo vệ đất nước như đền thờ Bác Hồ, cụm tượng đài “Toàn dân nổi dậy đoàn kết lập công”, bia Đồng khởi Mỹ Long, khu căn cứ Tỉnh ủy ở huyện Duyên Hải; nhiều địa phương được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang; có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa và lịch sử cách mạng gắn liền với các dân tộc, tôn giáo như khu di tích Ao Bà Om, chùa Dơi và nhiều chùa của đồng bào Khmer, nhà thờ của đạo Cao Đài, Công giáo và đạo Tin lành với nhiều kiểu kiến trúc độc đáo. Cùng với hệ thống di tích là những lễ hội riêng của các dân tộc như lễ Thượng ngươn ngày 15 tháng 01, lễ Trung ngươn ngày 15 tháng 8 của đạo Cao Đài; ngày hội Ok - Om - Bok của đồng bào Khmer; lễ mừng Chúa giáng sinh ngày 24 tháng 12 của đồng bào Công giáo; lễ cúng biển của ngư dân Thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang...

Trong bối cảnh chung của sự phát triển, Trà Vinh luôn tìm cách phát huy nội lực để vươn lên, trong đó, nguồn lực con người là vốn quý nhất, là động lực, là nhân tố quyết định sự thành công, đây được xem là đặc trưng tính cách người Trà Vinh, được hình thành từ những ngày đầu khai khẩn vùng đất Trà Vinh. Mỗi dân tộc có những đức tính tốt đẹp, tất cả hòa quyện thành những phẩm chất tốt đẹp của người Trà Vinh trong quá trình cộng cư và được phát huy cao độ trong quá trình cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, tất cả những đức tính tốt đẹp của người Trà Vinh được thể hiện và phát huy cao độ dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh Trà Vinh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, nắm được những đặc điểm dân cư này là yêu cầu bức thiết để Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất chính sách vừa phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng, “thấu tình, đạt lý” góp phần phát huy tối đa khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi khát vọng phát triển, vươn lên giàu có, xây dựng Trà Vinh trở thành tỉnh giàu mạnh, văn minh và phát triển./.

ThS. Huỳnh Minh Phúc

Phó Phòng Quản lý Đào tạo và Nghiên cứu khoa học

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 191
  • Trong tuần: 5 181
  • Tất cả: 584879
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này