MỘT VÀI SUY NGHỈ VỀ PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY, HỌC TẬP NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN
Trong giai đoạn hiện nay, những cơ hội cũng như thách thức của thời đại, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công cuộc đổi mới đất nước, đã và đang đặt ra hàng loạt vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải làm sáng tỏ về mặt lý luận để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng. Điều đó đặt ra nhiệm vụ quan trọng là phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời vận dụng đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể, góp phần phát triển sáng tạo trong hoàn cảnh mới của cách mạng Việt Nam.

   Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin là một phần cơ bản trong hệ thống chương trình học tập ở các trường chính trị hiện nay. Trong thực tiễn, một bộ phận những người vì những lý do nào đó nên chưa hiểu hết tính cách mạng và khoa học của học thuyết Mác - Lênin đã vội cho rằng những lý luận này luôn là một vấn đề khó khăn từ cách thức tiếp cận và triển khai áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, nên nó không còn phù hợp xu thế phát triển thời đại ngày nay. 

   Trước những vấn đề trên, bản thân tự nhận thấy sự tích cực trong nghiên cứu, học tập không ngừng để nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, nhận ra được tính hấp dẫn của môn học là một công việc hết sức quan trọng đối với một người giảng viên trường chính trị. Từ đó, làm cơ sở vững chắc nắm vững đối tượng, nhiệm vụ môn học và đặc điểm của người học để có hướng điều chỉnh phương pháp thích hợp nhằm truyền đạt những cảm hứng, tính hấp dẫn, giúp học viên nắm vững các vấn đề lý luận và vận dụng hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống, công tác tại địa phương, đơn vị. Đồng thời, cũng góp phần rất lớn thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị, tuyên truyền chống lại những luận điểm sai trái, bảo vệ tính cách mạng và khoa học của học thuyết Mác - Lênin trong giai đoạn hiện nay.

   Để giảng dạy đạt kết quả tốt, người giảng viên cần phải hội tụ đủ một số điều kiện như:  kiến thức, phương tiện giảng dạy và  phương pháp giảng dạy …

   Thứ nhất, người giảng viên phải có đủ kiến thức của môn học, hiểu biết sâu môn học, đồng thời phải hiểu biết các vấn đề liên quan đến môn học. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, nó quyết định chất lượng nội dung giảng dạy.

  Thứ hai, phương tiện dạy học phải được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, người giảng viên phải thông thạo và linh hoạt trong sử dụng các phương tiện đó. Đây cũng là một điều kiện rất quan trọng, tại vì phương tiện dạy học là công cụ hỗ trợ đắc lực trong công tác giảng dạy của người giáo viên.

   Thứ ba, phương pháp truyền đạt kiến thức của giảng viên sao cho người học hiểu và vận dụng vào thực tế đạt hiệu quả. Đây cũng là yếu tố rất quan trọng, nó thể hiện nghệ thuật của người giảng viên trong vai trò là trung gian truyền tải nội dung môn học đến người học. Học viên tiếp nhận với hiệu suất như thế nào là tùy thuộc vào khả năng khéo léo, linh hoạt của giảng viên.

    Chuẩn bị tốt ba điều kiện cơ bản trên sẽ giúp cho giảng viên tự tin, bản lĩnh khi lên lớp. Đồng thời cũng giúp người học có tâm thế thoải mái, chủ động và tích cực trong học tập; không bị nhàm chán trong quá trình tiếp nhận và vận dụng kiến thức vào hoạt động thực tiễn. Có như thế, bài giảng sẽ trở nên sinh động, hấp dẫn hơn, kích thích khả năng tự tìm tòi nghiên cứu, học tập ở giảng viên cũng như đối với người học.

   Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Nghị quyết mỗi kỳ Đại hội Đảng đều nhấn mạnh đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

   Cho đến nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã đi vào nền nếp, có kế hoạch, lộ trình cụ thể và đã thu được những kết quả tích cực. Nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức từng bước được đổi mới, phù hợp với từng đối tượng và cập nhật được kiến thức mới. Số lượng được đào tạo, bồi dưỡng không ngừng tăng, chất lượng cán bộ từng bước được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn không ít hạn chế, yếu kém như: việc mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với nâng cao chất lượng. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm được đổi mới, bổ sung, cập nhật, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý. Phương pháp giảng dạy, học tập chậm được đổi mới, nặng về truyền đạt kiến thức, xa thực tế, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học viên…vì vậy, trong thực hiện giảng dạy những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, cũng như các môn học khác, người giảng viên bên cạnh việc trao dồi kiến thức chuyên môn, chuẩn bị phương tiện dạy học…phải kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy tích cực bởi vì không có phương pháp nào là tối ưu, mà giảng viên cần phải có nghệ thuật kết hợp linh hoạt, sáng tạo các phương pháp tùy theo từng bài học vì vậy để việc học tập lý luận chính trị đạt hiệu quả cần thực hiện một số giải pháp sau:

    Một là, phải xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng lấy người học làm trung tâm.

    Hiện nay, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta chưa bảo đảm vị trí trung tâm của người học, chưa áp dụng các phương pháp khoa học để phát triển năng lực, kỹ năng của người học; nội dung chương trình mất cân đối giữa lý thuyết và thực tế, ít có sự liên thông, liên kết, thống nhất với nhau. Do vậy, trong thời gian tới, cần chú trọng đổi mới theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát triển năng lực học tập chủ động, tích cực của mỗi cán bộ, đảng viên, giảm lý thuyết, tăng kiến thức thực tiễn, kỹ năng thực hành, gắn lý luận với thực tiễn cuộc sống, áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến, chú trọng đến phương pháp tình huống cho từng đối tượng; tăng cường cập nhật kiến thức mới về chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ,…

    Hai là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị có chất lượng, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, tâm huyết với nghề. Đây là vấn đề cấp bách, là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định trong nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Đội ngũ giảng viên có vị trí, vai trò đặc biệt không thể thay thế. Để nâng cao chất lượng giảng viên lý luận chính trị, cần có chính sách thu hút nhân tài, đãi ngộ xứng đáng; đồng thời đưa đội ngũ giảng viên đi nghiên cứu thực tế dài hạn tại các cơ sở để nâng cao kiến thức thực tiễn, phục vụ bài giảng; tăng cường thỉnh giảng đội ngũ giảng viên kiêm chức là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các Sở, Ban, Ngành có nhiều năm kinh nghiệm, có bề dầy thực tiễn tham gia giảng dạy. 

   Ba là, giảng viên cần phải có nghệ thuật kết hợp linh hoạt, sáng tạo các phương pháp trong giảng dạy. 

   -  Đối với phương pháp thuyết trình, phải súc tích, chặt chẽ, đi sâu phân tích vấn đề cốt lõi, đặc biệt là phải nêu được ý nghĩa phương pháp luận và liên hệ thực tiễn. Cần phải đơn giản, dễ hiểu, tạo nên sự thoải mái, hứng thú đối với người học, đồng thời cũng tạo nên cảm giác nhẹ nhàng, tự tin và hợp tác tốt giữa giảng viên và học viên.

    -  Đối với phương pháp hỏi đáp, giảng viên cần phải kích thích tính tích cực của người học. Đây là một phương pháp thực sự khó nếu hiểu theo đúng nghĩa của nó. Bởi vì nó đặt ra yêu cầu quan trọng là phải tạo được sự tranh luận nhiều chiều, hướng tới phương pháp thảo luận nhóm, đóng vai, xử lý tình huống… nhằm tạo không khí sôi động trong trao đổi học tập. Chính vì vậy, nếu chuẩn bị tốt những điều kiện cơ bản trên, giảng viên sẽ thực sự là một người chủ đạo trong quá trình kiểm soát tính chủ động của học viên. Qua đó sẽ kích thích mạnh mẽ người học tăng khả năng tìm tòi, học hỏi, tìm hiểu sâu các nội dung của môn học. Và như thế tiết học, buổi học sẽ càng hấp dẫn, đồng thời người học cũng dễ dàng tiếp nhận những cảm hứng, hấp dẫn trong môn học.

    -  Một điều đặc biệt là giảng viên phải chú ý đến việc liên hệ thực tiễn và hướng dẫn công tác gắn với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có thực tiễn minh họa, bài giảng sẽ sinh động, người học sẽ tiếp thu hiệu quả kiến thức lý luận, cũng như trang bị được những vấn đề cơ bản để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị. Các sự kiện thực tế đưa vào bài giảng phải có thực, có ý nghĩa, mang tính điển hình, tính thời sự và phải có sự phân tích, lý giải ở những mức độ nhất định để đảm bảo sự thống nhất, sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn. Một vấn đề mà giảng viên phải thấy được rằng, thực tiễn học viên rất phong phú, đa dạng, tuy nhiên việc xử lý thông tin và gắn thông tin đó với lý luận cho phù hợp là một vấn đề khó khăn. Do đó, giảng viên cần khuyến khích người học liên hệ thực tiễn và hướng dẫn họ sử dụng những kiến thức đó minh họa cho lý luận một cách phù hợp. 

    Bốn là, học viên cần nêu cao tinh thần tự học, tự rèn luyện, nghiên cứu lý luận, gắn lý luận với thực tiễn.

     Trong sự vận động, biến đổi nhanh chóng của đất nước và thời đại, để giải quyết được những nảy sinh của đời sống thực tiễn, cán bộ, đảng viên cần không ngừng tự học, tự rèn luyện, nâng cao trình độ, học đi đôi với hành, lý luận liên hệ với thực tiễn, biết vận dụng sáng tạo lý luận vào trong thực tiễn; kiên quyết khắc phục bệnh lười học lý luận, xem thường lý luận trong một số cán bộ, đảng viên; đồng thời khắc phục tình trạng xa rời thực tiễn, không bám sát vào thực tiễn của đất nước.

   Tóm lại, nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời vận dụng đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể là một nhiệm vụ rất quan trọng trong hoàn cảnh mới của cách mạng Việt Nam. Trong thực tiễn công tác giảng dạy, có rất nhiều phương pháp để hướng người học đến tính hiệu quả, chất lượng. Tuy nhiên, để vận dụng các phương pháp như thế nào thì điều đó phụ thuộc rất lớn vào vai trò, trách nhiệm của người giảng viên. Giảng viên phải gương mẫu trong thực học và thực nghiệp, phải có cảm hứng đối với môn học, phải hiểu biết rộng, phải có những thủ thuật thực hiện linh hoạt, sáng tạo các phương pháp trong quá trình giảng dạy. Đồng thời, học viên phải chủ động, tích cực hơn trong học tập, từ đó mới tạo ra được sự hợp tác hiệu quả giữa giảng viên và học viên, góp phần nhận thức đúng đắn về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin trong giai đoạn hiện nay.

                                                                                                                                      Phan Văn Tấn

                                                                                                                      Phó Khoa Nhà nước và Pháp luật


Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 1083
  • Trong tuần: 11 940
  • Tất cả: 564081
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này