SỨC MẠNH THẾ TRẬN CHIẾN TRANH NHÂN DÂN CỦA TRÀ VINH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945 - 1954)
Lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước. Trong đó, dân tộc ta thường xuyên phải chống lại những cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù mạnh hơn nhiều lần. Từ thực tiễn đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc, ông cha ta đã đúc rút, xây dựng nên nghệ thuật quân sự độc đáo - chiến tranh nhân dân Việt Nam. 

Từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã kế thừa, phát triển nghệ thuật quân sự của dân tộc; đồng thời, vận dụng sáng tạo học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin về chiến tranh và quân đội, đưa chiến tranh nhân dân Việt Nam phát triển lên trình độ mới, với chất lượng cao hơn. Đó là chiến tranh nhân dân tiến hành bằng sức mạnh tổng hợp của dân tộc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; trong đó, sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt.

Thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Tỉnh ủy Trà Vinh đã đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn tỉnh để đánh đổ từng chiến lược, tiêu diệt từng lực lượng, bộ phận quân địch, giành thắng lợi từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân địch, giành thắng lợi cuối cùng. Đó là nghệ thuật xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích); xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng đông đảo ở cả vùng giải phóng và vùng địch tạm chiếm. Trà Vinh đã thực hiện phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân hết sức độc đáo, hiệu quả, bằng sự kết hợp chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực cơ động; Trong đó chiến tranh nhân dân địa phương phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân đánh giặc, với các hình thức và cách đánh linh hoạt, tạo thế, giữ thế, thời cơ cho lực lượng chủ lực cơ động thực hiện đòn đánh tiêu diệt lớn quân địch ở địa điểm và thời cơ quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng và cục diện chiến trường có lợi cho ta.

          Đầu tháng 9 năm 1945, trước sự tái xâm lược của thực dân Pháp, Trà Vinh tích cực chuẩn bị kháng chiến. Để phát huy sức mạnh “toàn dân”- thế trận nhân dân. Tỉnh ủy đã chủ trương cần có sự phối hợp giữa lực lượng dân quân du kích và bộ đội địa phương của tỉnh với bộ đội chủ lực của Khu 8 chặt chẽ. Với chủ trương đó khắp nơi trong tỉnh, quân dân ta đều lập phòng tuyến đánh địch. Các đoàn thể cứu quốc đã sát cánh cùng bộ đội chiến đấu, dũng cảm đảm đương các nhiệm vụ trinh sát, giao liên, tiếp lương, cứu thương, tải đạn… vì vậy khi quân Pháp tiến hành bình định Trà Vinh đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân và dân ta. Bộ đội Trà Vinh đã có nhiều trận đánh vang dội, như : trận Rạch Rô (Nhị Long, Càng Long) ngày 14 tháng 8 năm 1946; trận Lo Co (An Trường, Càng Long) ngày 15 tháng 8 năm 1946; trận Cả Chương (Tân An, Càng Long) ngày 16 tháng 8 năm 1946. Bộ đội ta đã làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Qua đó đã minh chứng cho sức mạnh thế trận nhân dân của đồng bào Trà Vinh đã phát huy được sức mạnh

Do đặc thù về cộng đồng dân cư - dân tộc ở Trà Vinh nên cuối năm 1948 Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh quyết định thành lập 2 cơ quan : Ban Khmer VậnTy Hoa Kiều vụ. Đồng thời với việc xây dựng và từng bước hoàn thiện các cơ quan chính quyền, Mặt trận Việt Minh, Hội Liên Việt và các tổ chức quần chúng cách mạng cũng được mở rộng và phát triển thêm. Liên hiệp công đoàn tỉnh; Đoàn Thanh niên cứu quốc; Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh; Hội Công giáo kháng chiến được thành lập; Hội Cao Đài cứu quốc được thành lập, quy tụ 12 phái. Tháng 10 năm 1947, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định thành lập Ban Địch vận nhằm thúc đẩy các hoạt động binh vận trên địa bàn tỉnh

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, với sự chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, Quân khu 8, quân và dân Trà Vinh tiến hành xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp một cách khẩn trương, tích cực.Tháng 10 năm 1948 trước sức lớn mạnh về mọi mặt của quân và dân Trà Vinh, thực dân Pháp quyết định mở cuộc hành quân bình định lớn vào, ồ ạt tiến quân trên địa bàn 4 huyện : Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú, Tiểu Cần. Chúng dựa vào khuôn viên và kiến trúc chùa Khmer ở La Bang để mở rộng quy mô đồn La Bang, biến nơi đây thành một cứ điểm quân sự kiên cố. Quân và dân Trà Vinh bố trí lực lượng giáng trả chúng. Ở Cầu Ngang, ta diệt đồn Cao Đài Tứ Tháo và đồn Thị Ròn. Trong khi đó thì ở Trà Cú, Tiểu đoàn 307 tiêu diệt cứ điểm La Bang.

        Ngày 15 tháng 12 năm 1948 trận đánh bắt đầu và kết thúc vào ngày 16 tháng 12 năm 1948. Đây là chiến công mà lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Trà Vinh nói riêng và toàn bộ Nam Bộ nói chung, ta diệt gọn một quận lị của địch và giải phóng hoàn toàn. Thắng lợi ở Trà Cú là một điển hình về ý chí chống xâm lược và sức mạnh của khối đoàn kết Việt- Khmer- Hoa trên địa bàn này theo đường lối thế trận chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh Trà Vinh. Trong khí thế thi đua chung, quân và dân Trà Vinh còn được Bộ chỉ huy khu 8 phong tặng danh hiệu "Lá cờ đầu về công tác địch vận năm 1948".

          Với những thắng lợi của thế trận nhân dân của tỉnh Trà Vinh, chính quyền địch đã dùng nhiều thủ đoạn chính trị thâm độc để đối phó với phong trào kháng chiến ở Trà Vinh thực dân Pháp, chính quyền tay sai của chúng đã ra sức tìm mọi biện pháp để thực hiện chính sách "chia để trị". Đồng thời với việc tiếp tục khai thác những nét khác biệt về phong tục tập quán, xuyên tạc những sự thật lịch sử, để phá hoại khối đoàn kết dân tộc Việt- Khmer- Hoa, thực dân Pháp còn chú trọng vào các hoạt động lợi dụng và gây chia rẽ các cộng đồng tôn giáo

Trước tình hình ấy, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Trà Vinh tích cực triển khai các hoạt động đánh địch. Đồng thời với việc tuyên truyền giác ngộ quần chúng, vạch trần âm mưu xảo quyệt của thực dân Pháp trong việc lợi dụng và chia rẽ tín đồ các tôn giáo. Tỉnh ủy luôn luôn chú trọng đến vịêc giữ gìn khối đoàn kết dân tộc, đặc biệt là mối quan hệ Việt - Khmer trong tỉnh. Đội võ trang tuyên truyền đặc trách Khmer Vận được thành lập. Hoạt động của đội võ trang tuyên truyền đặc trách Khmer Vận rất có hiệu quả, đáp ứng được nhiều nhu cầu của cách mạng. Cùng với việc coi trọng củng cố và phát triển khối đoàn kết dân tộc, thế trận chiến tranh nhân dân đòi hỏi phải xây dựng và phát triển địa phương một cách toàn diện. Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh Trà Vinh nhận thức rõ vấn đề này nên đã không ngừng chăm lo xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến về mọi mặt

Trong những năm đầu cùng toàn quốc kháng chiến, bằng kinh nghiệm lịch sử, trí tuệ tập thể và sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc, Trà Vinh đã xây dựng cho mình một thế trận chiến tranh nhân dân. Thế trận ấy được thử thách ngay và không ngừng khẳng định ưu thế của mình trong cuộc kháng chiến chống xâm lược. Với thế trận chiến tranh nhân dân đã xây dựng được, Trà Vinh chủ động hơn trong thế tiến công địch.

Cùng với việc tổ chức liên tục những cuộc hành quân qui mô lớn, địch còn tiến hành pháo kích và đưa máy bay oanh tạc vào các thôn, ấp, phum, sóc gây nhiều thiệt hại về người và của cho đồng bào ta, nhằm khủng bố tinh thần kháng chiến  chống Pháp của đồng bào các dân tộc Trà Vinh. Những hoạt động quân sự của thực dân Pháp tuy rất dữ dội, nhưng không đạt được mục tiêu bình định như chúng mong muốn, bởi vì nó không thể áp đảo được sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân ngày một phát triển trên đất Trà Vinh

Nỗ lực của quân và dân Trà Vinh từ đầu năm 1949 đã phát huy mạnh mẽ những thành tựu đạt được trước đó, làm cho thế trận chiến tranh nhân dân ở đây ngày càng phát triển và không ngừng khẳng định sức mạnh của mình. Giữa tháng 11 năm 1949, Hội nghị cán bộ lãnh đạo hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Liên trung đoàn 109 - 111 họp quyết định phương án cho một trận đánh lớn. Hội nghị đã nghe lực lượng quân báo và trinh sát của hai tỉnh và liên trung đoàn báo cáo kết quả điều nghiên cứu và dự kiến địa bàn tác chiến. Hội nghị quyết định chọn Cầu Kè làm địa bàn mở trận đánh lớn. Bộ chỉ huy khu 8 đồng ý với quyết định trên, đồng thời nêu ý kiến chỉ đạo và tăng cường lực lượng để đảm bảo cho trận đánh thắng lợi .

Chiến dịch Cầu Kè đã diễn ra trong một thời gian tương đối dài (hơn một tháng), trên một địa bàn tác chiến tương đối rộng (gồm 4 huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang) với sự phối hợp lực lượng của 4 tỉnh (Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Sa Đế). Sự phát triển và thắng lợi to lớn của chiến dịch đã thể hiện sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, trong đó có sự trưởng thành của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh, nơi diễn ra chiến dịch. Ở đây, phụ nữ, người già và em bé đều có những hoạt động tích cực, góp phần vào thành công của chiến dịch. Chiến thắng của chiến dịch Cầu Kè mang lại niềm phấn khởi, lòng tự tin và những điều kiện thuận lợi mới cho quân và dân Trà Vinh trong tiến trình tiếp theo của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Sự phát triển lan rộng và giành thắng lợi to lớn của chiến dịch thể hiện sức mạnh của chiến tranh nhân dân, sự trưởng thành của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Qua đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng tạo lòng tin cách mạng của nhân dân, chính sách chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp hoàn toàn bị thất bại. Khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và phát huy. Qua chiến dịch nó đã thể hiện sự kết hợp, phối hợp giữa các đơn vị, các địa phương; sự tuyên truyền vận động nhân dân trong khu vực diễn ra chiến dịch cũng như các vùng phụ cận đạt hiệu quả, được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân cả vật chất, lẫn tinh thần…

Tóm lại, thế trận chiến tranh nhân dân của nhân dân tỉnh Trà Vinh trong công cuộc giải phóng dân tộc là sự kế thừa những tinh hoa quân sự trong lịch sử nhân loại và phát triển sáng tạo truyền thống, nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc ta, mà nổi bật là truyền thống toàn dân đánh giặc “cả nước chung sức, trăm họ là binh”. Đương đầu với kẻ thù xâm lược có quân số đông, vũ khí, trang bị nhiều và hiện đại như thực dân Pháp, Đảng ta, ngay từ những ngày đầu kháng chiến đã chủ trương xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) – phát huy sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Một cách tổng quát, có thể thấy rằng: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương hợp thành quân đội nhân dân; dân quân, du kích, tự vệ là tổ chức vũ trang của quần chúng cách mạng. Ba thứ quân gắn bó chặt chẽ trong quá trình xây dựng, trưởng thành cũng như trong hoạt động chiến đấu và công tác và đồng thời là một thành công lớn của nền nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), hàng ngàn đồng bào Kinh – Khmer – Hoa Trà Vinh đã gia nhập dân quân, du kích, tự vệ, tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương, ta chủ trương "biến hậu phương địch thành tiền phương ta". Vì vậy mà thế trận chiến tranh nhân – một nghệ thuật quân sự của Đảng ta đã được phát huy có hiệu quả ở Trà Vinh, đánh bại các hoạt động càn quét, lấn chiếm của địch, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc ./.

                                                                                                                                                           ThS. Phạm Thị Kiều
                                                                                                                                                          Khoa Xây dựng Đảng

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 33
  • Hôm nay: 281
  • Trong tuần: 5 403
  • Tất cả: 587962
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này