PHONG TRÀO CÁCH MẠNG GIAI ĐOẠN 1936 - 1939 TẠI TRÀ VINH
Bước vào năm 1936, hệ thống tổ chức Đảng Cộng sản ở Trà Vinh được kiện toàn thêm một bước. Quận Trà Cú và Tiểu Cần trước đây chưa có đảng viên cộng sản, bây giờ đã có, tuy chưa tổ chức được đảng bộ quận. Cở sở cách mạng phát triển rộng khắp, được tổ chức ngay trong hàng ngũ địch, như cơ sở cách mạng trong đơn vị lính Bến Giáp (cơ sở này được duy trì bền vững đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945) .

Sự lớn lên của các phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh diễn ra trong bối cảnh tình hình cả nước và thế giới có những chuyển biến lớn. Từ năm 1935, đã xuất hiện nguy cơ đại chiến thế giới do phát xít gây ra.

Ở nước Pháp, Đảng cộng sản Pháp giữ vị trí trọng yếu trong việc đánh bại âm mưu phát xít hóa chính quyền, đi đến thành lập Mặt trận nhân dân Pháp (tháng 7 năm 1935) và giành được thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử (tháng 5 năm 1936). Tháng 6 năm 1936, chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp quyết định thành lập ủy ban điều tra thuộc địa, nhằm tìm hiểu thực trạng đời sống và ý nguyện của các giới đồng bào các dân tộc thuộc địa .

Trước những biến cố chính trị nói trên, Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương tổ chức Hội nghị vào ngày 26 tháng 7 năm 1936. Nội dung chính của hội nghị này là chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi (sau đó đổi tên gọi là Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương, thường được gọi là Mặt trận dân chủ Đông Dương), quy tụ các dân tộc, các giai cấp, các đảng phái, các đoàn thể chính trị ở Đông Dương, đấu tranh nhằm mục tiêu trước mắt : chống bọn thực dân phản động, đòi tự do dân chủ, đòi áo cơm và hòa bình .

Sau Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương tổ chức Hội nghị vào ngày 26 tháng 7 năm 1936, bức thư ngỏ của Đảng cộng sản Đông Dương được lan truyền trong vùng đồng bào các dân tộc Trà Vinh, phổ biến nội dung hoạt động của Mặt trận nhân dân phản đế, nhằm đấu tranh cho các quyền dân sinh, dân chủ, tự do của những người lao động, gồm : tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do đi lại, ân xá chính trị phạm, ngày làm việc 8 giờ, có luật lao động cho thợ thuyền, giảm sưu thuế, cấm cướp ruộng đất, mở rộng giáo dục, nam nữ bình quyền, bỏ sưu dịch, v.v...

Nhân dịp hoạt động của Ủy ban điều tra thuộc địa, Đảng cộng sản Đông Dương chủ trương phát động và tổ chức quần chúng nhân dân lao động vạch mặt tội ác của những tên thực dân cai trị và tay sai của chúng, vạch trần bộ mặt thật của chế độ thực dân nửa phong kiến ở Việt Nam. Để thực hiện chủ trương này, một phong trào cách mạng của quần chúng được phát động, lấy tên là "Đông Dương Đại hội". Ngày 13 tháng 8 năm 1936, Ủy ban lâm thời Đông Dương Đại hội được thành lập tại Sài Gòn, sau đó ở các địa phương cũng xúc tiến thành lập ủy ban hành động .

Cuối tháng Tám năm 1936, Tỉnh ủy Trà Vinh chủ trương thành lập Ủy ban hành động của tỉnh. Ủy ban hành động tỉnh cử người xuống các quận, tổ chức thành lập các Ủy ban hành động quận. Ủy ban hành động quận Càng Long được thành lập sớm nhất so với các quận trong tỉnh (ngay cuối tháng Tám). Sau Càng Long, các quận khác đều thành lập Ủy ban hành động. Đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh nô nức hưởng ứng các hoạt động của Ủy ban hành động : đề xuất và tập hợp nguyện vọng, đấu tranh để thực hiện quyền lợi của mình, khai thác mọi cơ hội thuận lợi để vạch mặt bọn cai trị, địa chủ và tay sai, v.v...

Những hoạt động sôi nổi ấy hòa nhịp với làn sóng Đông Dương Đại hội toàn Nam Kỳ khiến cho bọn thực dân phản động run sợ và tìm cách phá hoại. Cuối năm 1936, chính quyền thực dân ở Nam Kỳ ban bố lệnh cấm hội họp, đồng thời triển khai lực lượng quân sự cùng mật vụ hỗ trợ cho việc thực hiện lệnh này. Tuy vậy, ngọn lửa đấu tranh mà phong trào Đông Dương Đại hội khơi dậy cứ tiếp tục bùng cháy trên đất Trà Vinh. Các tổ chức quần chúng tiếp tục mở rộng hoạt động, thu hút nhiều giới đồng bào các dân tộc, tăng cường sự hiểu biết, thông cảm và hợp tác. Nhiều tổ chức ái hữu được thành lập theo những hình thức liên hiệp mới, phù hợp với trình độ hoạt động và tính năng nghề nghiệp của người lao động, như : Hội vần công, Hội đổi công, Hội buôn gánh bán bưng, Hội nhà giàng, Hội đá banh, Hội đánh xe ngựa, Hội lân, Hội vạn cấy, Hội phụ nữ, Hội thanh niên, v.v... thông qua các tổ chức ái hữu, Đảng cộng sản hướng dẫn nhân dân lao động đấu tranh với địch bằng những phương thức phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, có lý, có tình, kết hợp hợp pháp với bất hợp pháp, để đáp ứng những nguyện vọng và giành lấy những quyền lợi chính đáng .

Phong trào đấu tranh đã diễn ra sôi nổi vào cuối năm 1936, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của hàng trăm nông dân vùng Hiệp Thạnh vào cuối tháng 11, gương cao những khẩu hiệu : bỏ thuế thân, tự do dân chủ, cứu tế dân nghèo, thả tù chính trị, đả đảo cường hào hà lạm của dân, v.v...

Phong trào đấu tranh tiếp tục dâng cao từ năm 1937, hòa nhịp với khí thế biểu dương lực lượng của nhân dân cả nước, kể từ khi Brévié nhận chức toàn quyền Đông Dương và Justin Godard thay mặt Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp sang thăm Đông Dương. Tiêu biểu là các cuộc đấu tranh của nông dân quận Càng Long (ngày 4 tháng 4 và 25 tháng 10 năm 1937), của nông dân quận Càng Long và quận Cầu Ngang (ngày 7 và ngày 9 tháng 11 năm 1937), của 200 đồng bào Khmer ở Mỹ Hòa (Cầu Ngang) vào tháng 5 năm 1938, kéo đến quận đường, đòi giảm tô, giảm tức, bỏ thuế thân, v.v... buộc quận trưởng phải nhượng bộ. Trong những năm này, tỉnh lỵ Trà Vinh là nơi diễn ra nhiều hoạt động phong phú của những tổ chức ái hữu theo nghề nghiệp.

Hoạt động của Hội truyền bá chữ quốc ngữ (được thành lập từ tháng 7 năm 1938) đã ảnh hưởng đến tỉnh lị Trà Vinh cùng các quận lị và vùng phụ cận. Đồng thời, nhiều báo chí tiếng Pháp và tiếng Việt được lưu hành trên địa bàn Trà Vinh, như báo Le Peuple (Dân chúng), L'Avant Garde (Tiền phong), Việt Dân, Lao động mới, Phổ thông, v.v... làm cho sinh hoạt chính trị của quần chúng lao động ở Trà Vinh càng thêm phong phú .

Đến năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ngày 1 tháng 9 năm 1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan. Ngày 3 tháng 9 năm 1939, chính phủ Pháp tuyên bố tham chiến và đặt Đảng cộng sản Pháp ra ngoài vòng pháp luật. Toàn quyền Đông Dương phát lệnh tổng động viên và tuyên bố phải đàn áp cách mạng một cách triệt để và toàn diện .

Trong bối cảnh ấy, đồng bào các dân tộc Trà Vinh cũng như nhân dân cả nước phải chịu thêm nhiều tai vạ của cuộc chiến tranh. Phong trào đấu tranh cách mạng ở Trà Vinh gặp nhiều khó khăn mới. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Trà Vinh hướng dẫn Đảng bộ kịp thời chuyển hướng hoạt động. Mặt trận dân chủ được chuyển thành Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế, nhằm tập hợp lực lượng, thực hiện nhiệm vụ trước mắt là : giảm tô, giảm tức, tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc và Việt gian chia cho dân nghèo, v.v...

Qua cao trào 1936 – 1939, nhân dân Trà Vinh đã đấu tarnh giành được một số mục tiêu trước mắt như giảm tô tức, ngày làm 8 giờ, bỏ thuế thân…nhiều nơi chính quyền đã phải nhượng bộ và đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của quần chúng. Thời gian này, nhiều tổ chức ái hữu được thành lập và giành lấy những quyền lợi chính đáng. Bên cạnh đó, Hội truyền bá chữ quốc ngữ đã xuất hiện tại trà vinh góp phần làm cho sinh hoạt chính trị của quần chúng lao động ở Trà Vinh càng thêm phong phú .

Cao trào cách mạng ở Trà Vinh trong thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939) đã đem lại sự lớn mạnh về lực lượng Đảng cộng sản và đội quân chính trị hùng hậu của các tầng lớp nhân dân yêu nước.

Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939), cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh đã kế thừa tinh thần quật khởi của cao trào cách mạng 1930-1931 và vận dụng được nhiều kinh nghiệm từ những năm thoái trào và đấu tranh khôi phục phong trào (1932-1935). Đảng lãnh đạo chuyển hướng kịp thời với tinh hình thực tiễn trong nước và quốc tế. Cơ sở đảng không ngừng phát triển làm nòng cốt cho Mặt trận. Mặt trận đã thu hút đông đảo dân cư Trà Vinh, tập hợp thành đạo quân chính trị rộng lớn, tập dượt qua những cuộc đấu tranh, khéo léo khai thác những khả năng để kết hợp các hình thức đấu tranh hợp pháp, bất hợp pháp, giành tự do dân chủ, v.v... Đó là bước chuẩn bị quan trọng tiến tới tổng khởi nghĩa.

ThS. Nguyễn Thị Thu Sương

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 530
  • Trong tuần: 5 733
  • Tất cả: 589051
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này