Công tác giảm nghèo bền vững các xã vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện nay – Thực trạng và giải pháp.
Trà Vinh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dân số khoảng 1,05 triệu người, có 275.817 hộ dân cư (khu vực thành thị 41.481 hộ, khu vực nông thôn 234.336 hộ), với 03 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa, trong đó dân tộc Khmer 329.662 người (89.429 hộ), chiếm 31,53%, dân tộc Hoa chiếm gần 01%; có 59 xã, phường, thị trấn có trên 20% đồng bào dân tộc Khmer.

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong 06 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Trà Vinh đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu khai thác hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, các chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, từ đó đã góp phần quan trọng vào việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh. Đặc biệt,  công tác giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer.

        1. Một số kết quả nổi bật

        Thực hiện Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg ngày 03/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016 - 2020; Công văn số 1138/UBDT-CSDT ngày 08/11/2016 của Ủy ban Dân tộc về việc triển khai thực hiện Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg; Kết luận số 01-KL/TU, ngày 16/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh uỷ (khoá IX) về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer; Kế hoạch số 81-KH/TU, ngày 23/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới”. Qua rà soát, xác định tỉnh Trà Vinh có 64 xã thuộc vùng dân tộc, trong đó có 24 xã khu vực III, 25 xã khu vực II, 15 xã khu vực I được công nhận theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm cho thấy, giai đoạn 2016 – 2018, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc ở tỉnh Trà Vinh giảm nhanh. Cụ thể, đầu năm 2016, toàn tỉnh có 19.756 hộ nghèo dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 23,12% so tổng số hộ Khmer. Đến cuối năm 2018, tổng số hộ nghèo dân tộc Khmer giảm còn 10.079 hộ. Như vậy, hộ nghèo dân tộc Khmer giai đoạn 2016 – 2018 giảm 9.677 hộ, chiếm tỷ lệ 48,98% so với tổng số hộ nghèo dân tộc Khmer, bình quân giảm 16,32%/năm.

        Đánh giá hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều (Quyết định số 59/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ), hộ nghèo phân theo mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản ở vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (đến thời điểm cuối năm 2018) là 13.448 hộ. Cụ thể là:

STT

Tiêu chí

Số hộ

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Tiếp cận dịch vụ y tế

143

1,06%

 

2

Bảo hiểm y tế

1.684

12,52%

 

3

Trình độ giáo dục người lớn

3.761

27,97%

 

4

Tình trạng đi học trẻ em

911

6,77%

 

5

Chất lượng nhà ở

6.696

49,79%

 

6

Diện tích nhà ở

2.526

18,87%

 

7

Nguồn nước sinh hoạt

748

5,56%

 

8

Hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh

10.163

75,57%

 

9

Sử dụng dịch vụ viễn thông

2.005

14,91%

 

10

Tài sản phục vụ tiếp cận thông tin

1.246

9,27%

 

        Thực tiễn công tác giảm nghèo bền vững ở tỉnh Trà Vinh cho thấy, việc sử dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều để thiết kế, vận hành các chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đồng thời giúp nhận dạng đối tượng hộ nghèo mang tính toàn diện hơn, không chỉ quan tâm hỗ trợ nâng cao thu nhập của người nghèo mà còn từng bước tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Thành tựu đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thời gian qua xuất phát từ sự nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong tỉnh, và trên hết đó là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của chính các hộ nghèo, đồng thời đó cũng là kết quả của quá trình tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, như chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; chính sách hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (Tiểu dự án 4, Dự án 1. Chương trình 30a); chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (Tiểu dự án 3, Chương trình 135); chính sách truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về giảm nghèo và chính sách giảm nghèo về thông tin (Dự án 4); chính sách nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình (Dự án 5) và nhiều chương trình, dự án, chính sách liên quan khác.

        Hiệu quả từ việc thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững (Đề án giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2016 – 2020) đã có tác động to lớn đến vùng đồng bào dân tộc, nhất là đối với hộ nghèo. Cụ thể là:  

        Thứ nhất, việc thực hiện các chính sách giảm nghèo đã làm chuyển biến thực chất trong đời sống vật chất, tinh thần và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, người nghèo vùng đồng bào dân tộc.

        + Sự chuyển biến này thể hiện rõ nét trong những năm qua, hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội ngày càng được tăng cường, hoàn thiện và hiệu quả hơn, người nghèo tiếp cận được đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; một số chính sách đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, được người dân đồng tình ủng hộ, như chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi,...

       + Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020 đã tạo hướng tiếp cận mới trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hệ thống chính sách giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên; ngoài các chính sách thường xuyên đối với người nghèo, hộ nghèo, chính sách đối với hộ cận nghèo bước đầu được hình thành, tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; nguồn lực đầu tư của Nhà nước đã được ưu tiên cho các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc để tạo điều kiện tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống người dân, hạn chế khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư, các dân tộc.

       + Người nghèo tiếp cận thuận lợi hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh và các huyện, xã đặc biệt khó khăn giảm nhanh, đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

        Thứ hai, về tính bền vững trong kết quả giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc.

        Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong tỉnh, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào dân tộc, tốc độ giảm nghèo đã được đẩy nhanh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc. Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét. Các chính sách dân tộc được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, đời sống vật chất và tinh thần, truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc; bảo đảm cho đồng bào dân tộc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản; sản xuất nông, lâm nghiệp vùng dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ tái nghèo từng năm và cả giai đoạn được kéo giảm.

        Thứ ba, về tác động của kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

       Việc thực hiện chính sách và giải pháp giảm nghèo tác động tích cực đến các  đối tượng thụ hưởng, người dân dần thay đổi nhận thức và hành vi, tích cực ủng hộ thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt đời sống từng bước được cải thiện và phát triển, khai thác được tiềm năng, thế mạnh, tạo điều kiện làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội ở nông thôn; các chương trình y tế, giáo dục đã tạo điều kiện giúp nhân dân chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ tốt, con em người nghèo có điều kiện đến trường; kịp thời hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ; tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với mô hình giảm nghèo, chuyển đổi nghề để có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

       Thứ tư, về hiệu quả sử dụng nguồn lực.

       Việc bố trí và sử dụng nguồn lực đảm bảo công khai, dân chủ, đúng thứ tự ưu tiên trong xây dựng và thực hiện kế hoạch của địa phương.

       2. Những khó khăn, hạn chế

       Mặc dù các chính sách giảm nghèo bền vững đã phát huy tác dụng, nhưng trên thực tế, công tác giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế nhất định, đó là:

       Về ban hành văn bản, chính sách

       Trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện một số chính sách còn chậm, gây khó khăn cho địa phương trong công tác triển khai cũng như việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách.

       Một số chính sách hỗ trợ, còn nhiều đối tượng chưa được thụ hưởng như: Chính sách theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg đối tượng là hộ nghèo có hộ khẩu thường trú tại địa bàn 05 năm trở lên, những hộ mới tách là hộ nghèo chưa được hưởng chính sách; theo Quyết định 29/2013/QĐ-TTg, 2085/QĐ-TTg, tại thời điểm rà soát hộ nghèo được hưởng chính sách nhưng khi thực hiện chính sách thì hộ thoát nghèo nên đưa ra khỏi danh sách hưởng lợi (do phân bổ vốn chậm), trong khi những hộ nghèo mới lại không có trong danh sách hưởng lợi đã được duyệt.

       Một số chính sách chưa phù hợp như: Chính sách về hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với xã, ấp có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong khi một số xã, ấp đặc biệt khó khăn có từ 30 - 40% hộ nghèo và cận nghèo, có tới 60 - 70% hộ khá, giàu nhưng tất cả đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, gây lãng phí rất lớn nguồn ngân sách Nhà nước.

       Về triển khai vốn

      Triển khai vốn vay thuộc nhiều chính sách khác nhau, chưa có sự lồng ghép, nhiều hộ sử dụng vốn vay không đúng mục đích; nhiều hộ vay vốn phát triển sản xuất nhưng do thiên tai, dịch bệnh nên không có khả năng trả nợ; một số hộ vay vốn chỉ để đáo hạn nợ (vay nợ mới để trả nợ cũ, số tiền thực tế còn lại không nhiều nên không thể phát triển sản xuất),…

       Về chỉ đạo, điều hành

       Công tác phối hợp trong chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từng lúc chưa chặt chẽ; chế độ thông tin, báo cáo chưa đảm bảo chất lượng, kịp thời.

      Về nguồn lực

      Nguồn lực bố trí phục vụ công tác giảm nghèo ở địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu; chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều, các chính sách, nguồn lực hỗ trợ hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo còn hạn chế; nguồn lực hỗ trợ còn dàn trải.

      3. Đề xuất một số giải pháp thực hiện thời gian tới

      Nhóm giải pháp về nhận thức: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho hộ nghèo nói chung, hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc nói riêng tự lực vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Nêu gương, động viên, khen thưởng kịp thời những hộ nghèo điển hình trong việc thoát nghèo phát triển kinh tế bền vững; đồng thời, sắp xếp, bố trí và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, nhất là ở cơ sở đảm bảo có đủ trình độ, năng lực để lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương, cơ sở.

      Nhóm giải pháp về thể chế, chính sách: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về giảm nghèo của Bộ, ngành Trung ương; nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

     Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt coi trọng vai trò của cấp cơ sở, đảm bảo sự tham gia của người dân trong việc giám sát và đánh giá.

      Nhóm giải pháp về nguồn lực: Tập trung lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn đạt hiệu quả cao; tích cực xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo phong trào sâu rộng, thu hút và động viên sự tham gia của các tầng lớp dân cư trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo; gắn chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nhằm huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách./.

Tài liệu nghiên cứu:

1. Ban Bí thư (2018), Chỉ thị số 19-CT/TW, về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.

2. Chính phủ (2011), Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 – 2020.

3. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định 59/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.

4. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định 1722/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.

5. Tỉnh uỷ Trà Vinh (2018), Kế hoạch số 81-KH/TU, thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.

6. Tỉnh uỷ Trà Vinh (2018), Báo cáo số 401-BC/TU, sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 28/10/2015 của Ban Bí thư “về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

7. Tỉnh uỷ Trà Vinh (2018), Báo cáo số 312-BC/TU, tình hình xung đột và quản lý xung đột xã hội vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Trà Vinh, thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp.

8. Tỉnh uỷ Trà Vinh (2019), Báo cáo số 511-BC/TU, sơ kết 03 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TU, ngày 16/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh uỷ (khoá IX) về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer.

9 Tỉnh uỷ Trà Vinh (2019), Báo cáo số 474-BC/TU, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003, của Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về công tác dân tộc.

10. UBND tỉnh Trà Vinh (2016), Đề án giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2016 – 2020.

11. UBND tỉnh Trà Vinh (2019), Báo cáo số 56/BC-UBND về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2012 – 2018.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 8
  • Trong tuần: 10 865
  • Tất cả: 563006
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này