Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện nay

ThS. Sơn Thị Thanh Loan
Khoa Xây dựng Đảng  

         Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Nhờ phát huy truyền thống đó mà trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước đã giúp dân tộc Việt Nam chiến thắng mọi thiên tai, địch họa để xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam ngày càng phồn vinh, cường thịnh.

         Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong hệ thống tư tưởng của Người, đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nội dung cốt lõi, làm nên dấu ấn trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, nên “Đảng chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình nếu biết tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi chống kẻ thù chung và xây dựng đất nước”[1] .

         Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định “đoàn kết” là giá trị cốt lõi và “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn “đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng”, chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống, để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”[2] , “Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta. Là biểu trưng sinh động của tư tưởng đoàn kết thống nhất toàn dân tộc. Bởi vậy, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, đoàn kết thống nhất chặt chẽ hơn nữa để phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”[3]. Tóm lại, 11 nhóm giai cấp, tầng lớp trong xã hội, cả trong và ngoài nước, là bộ phận cấu thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, mà nòng cốt là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức là động lực và là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Nhìn lại chặng đường hơn 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đất nước đã đạt được là nền tảng vững chắc củng cố niềm tin, đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra hiện nay cũng rất lớn, khi mà “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đầy đủ”. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động ngày càng quyết liệt hơn, tinh vi hơn trong phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc… do đó, để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, phải quán triệt sâu sắc và thực hiện nhất quán quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các tầng lớp, giai cấp và các thành phần trong xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân[4].

         Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”, trong thời gian qua cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp tỉnh Trà Vinh luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, các tôn giáo và giữa người có tín ngưỡng - tôn giáo với người không có tín ngưỡng - tôn giáo tại địa phương, nhất là sau khi Nghị quyết 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh được ban hành, nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch đã được cấp ủy kịp thời ban hành, chỉ đạo cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh những chủ trương, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, tập trung phòng chống tham nhũng, tiêu cực,… thì việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Có thể kể đến như Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 10/10/2003 về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer; Nghị quyết số 03- NQ/TU, ngày 09/9/2011 về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011 – 2015; Kết luận số 01-KL/TU, ngày 16/6/2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy (khóa IX) về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011 – 2015; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 59- KH/TU, ngày 27/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 81-KH/TU, ngày 23/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới và Chương trình hành động số 13-CTr/TU, ngày 17/4/2012 thực hiện Kết luận số 07- KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “về tăng cường công tác người Hoa trong tình hình mới”; Kế hoạch số 48-KH/TU, ngày 15/11/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng lực lượng cốt cán và phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng người Hoa; Kế hoạch số 17-KH/TU, ngày 20/4/2012 về xây dựng lực lượng cốt cán trong tôn giáo…, nhờ đó nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, nhân dân, chức sắc, tín đồ các tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sự thống nhất trong nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh được củng cố, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên.

         Một số kết quả cụ thể như: tốc độ tăng trưởng bình quân trên 11,5%/năm, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới với 97% đường xã, liên xã và 100% tỉnh lộ, hương lộ được nhựa hóa; tỷ lệ đô thị hóa đạt 29,55%; 96,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 66,6% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Nhiều công trình đã được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả tốt, bộ mặt nông thôn ngày càng được đổi mới, đời sống nhân dân từng bước được ổn định và cải thiện, tăng hộ khá và giảm hộ nghèo. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tăng cường, quan tâm đầu tư các trang thiết bị phù hợp, tập trung nâng cao chất lượng khám, điều trị; mạng lưới y tế, nhất là ở cơ sở thường xuyên được xây dựng, nâng cấp. 100% số xã trong tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. 100% trạm y tế xã đều có bố trí bác sĩ về công tác. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, công tác y học dự phòng được thực hiện có hiệu quả, ý thức phòng bệnh của nhân dân được nâng lên, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm. Công tác xã hội hóa lĩnh vực y tế phát triển mạnh, hình thành nhiều phòng khám, bệnh viện ngoài công lập chất lượng cao. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng được nâng cao về chuyên môn. Toàn tỉnh hiện có 150/405 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 37,03%, cơ sở vật chất trường học được đầu tư theo hướng kiên cố (đạt 88,16%). Xã hội hóa giáo dục được phát triển mạnh với 14 trường tư thục. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở đã hoàn thành; cơ sở vật chất cho ngành giáo dục cũng được quan tâm xây dựng. Hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được triển khai rộng khắp; 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Toàn tỉnh đã công nhận 139.574 gia đình hiếu học; 81 dòng họ hiếu học; 394 trường học khuyến học; 135 cơ quan đạt chuẩn cơ quan khuyến học; 279 chi hội ấp, khóm khuyến học; 54 cơ sở tôn giáo đạt chuẩn khuyến học. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được đẩy mạnh và nhân rộng. Toàn tỉnh hiện có 256.125/277.915 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa; 745 khu dân cư đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa; 745/756 ấp, khóm văn hóa; 1.139/1.219 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, 6/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 85/85 xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới, 17/21 phường, thị trấn đạt chuẩn phường, thị trấn đô thị văn minh… Quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy, khối đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường, dân chủ, công bằng, xã hội được quan tâm, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được củng cố và phát triển[5].

         Có thể nói, nhờ phát huy truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh, cũng như thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, chính sách dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tạo được lòng tin trong Nhân dân. Vai trò chủ thể của Nhân dân trong huy động sự đóng góp của nhân dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được phát huy. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng luôn đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở, tổ chức được nhiều phong trào thi đua yêu nước, chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, phát huy vai trò của Nhân dân trong giám sát, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tạo sự đồng thuận xã hội.

         Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn Tỉnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: một số cấp ủy triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng và các chương trình của cấp ủy cấp trên có mặt chưa tốt, một số nơi đề ra chương trình, kế hoạch thực hiện chưa sâu sát với tình hình thực tế của ngành, địa phương. Vai trò của chính quyền trong thực hiện chính sách đại đoàn kết có nơi, có lúc hiệu quả chưa cao, kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số tuy có chuyển biến, nhưng tốc độ phát triển còn chậm. Công tác dân vận chính quyền đã có sự chuyển biến nhưng chưa đáp ứng với yêu cầu và sự kỳ vọng của Nhân dân; công tác cải cách thủ tục hành chính và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở còn nhiều bất cập.

         Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời; chưa xây dựng tốt lực lượng nòng cốt trong cộng đồng dân cư. Việc giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

         Những hạn chế, yếu kém trên là do, một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc. Từ đó thiếu quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa đề cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước các cấp; có nơi còn coi công tác vận động quần chúng là của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số cơ sở chưa thực sự sát dân; sự tác động của các luồng thông tin dư luận, các trang mạng xã hội của các thế lực thù địch, chống phá luôn tác động tiêu cực đến quân chúng nhân dân. Một số ít cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên còn xem nhẹ vai trò góp ý của nhân dân; công tác giám sát và phản biện còn hạn chế đóng góp, chưa mạnh dạn tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

         Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết của Nhân dân trên địa bàn tỉnh, khai thác các tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn Tỉnh cần: Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Xác định đại đoàn kết toàn dân tộc phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm lợi ích của nhân dân, tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi chính đáng của dân. Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để nhân dân, doanh nghiệp an tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.

         Với mục tiêu phấn đấu đưa tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn Nông thôn mới trước năm 2025 và là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030, Tỉnh Trà Vinh cần phát huy tối đa truyền thống đoàn kết của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, sức mạnh dân chủ và đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ huy động tối đa các nguồn lực cùng tham gia để thúc đẩy địa phương phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

         Một là, tăng cường tổ chức tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Trong đó, trước tiên phải làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân thấm nhuần từng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[6]; “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn...”[7]. Cùng với đó, cần quán triệt, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, đó vừa là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, vừa là động lực, nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện tốt chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương Trà Vinh phát triển trong giai đoạn mới ”. Các cấp, các ngành của cả hệ thống chính trị tỉnh cần xác định rõ xây dựng vững chắc khối đoàn kết dân tộc là yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.

         Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tập trung giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề xã hội, dân tộc, tôn giáo; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về dân tộc, tôn giáo. Tập trung xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ, chức sắc tôn giáo, thu hẹp khoảng cách về đời sống, thu nhập, hưởng thụ giữa nông thôn và thành thị.

         Ba là, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ thật sự của Nhân dân theo khuôn khổ pháp luật. Phát huy vai trò của nhân dân trong việc xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng cho nội bộ và nhân dân, nhất là trong dân tộc, tôn giáo. Củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng, nhất là ổn định an ninh nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà phát triển.

         Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng sâu sát cơ sở, mở rộng đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp nhân dân vào tổ chức, tạo điều kiện để người dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ. Đổi mới công tác nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng các tầng lớp nhân dân; chủ động đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, phối hợp với chính quyền giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề bức xúc trong nhân dân, nhất là quan tâm và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, thực sự là “cầu nối” giữa Đảng bộ, chính quyền với Nhân dân, góp phần làm cho mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân ngày càng khăng khít, để “ý Đảng” luôn hợp với “lòng dân”. Nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các phong trào do Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phát động với nhiều hình thức phong phú, nội dung thiết thực, hiệu quả; kịp thời khen thưởng, động viên cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong lao động, sản xuất và trong công tác.

         Năm là, tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, hòng phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo đó, các cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cần tham gia tuyên truyền sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng sự chưa chặt chẽ và nhất là những khuyết điểm, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách Đảng, Nhà nước của các cấp ủy về vấn đề tín ngưỡng, dân tộc, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, nâng cao tinh thần cảnh giác, sự nhạy bén trong nhận diện và tích cực tham gia đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc tại địa phương.

         Sáu là, xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị các cấp, nhất là hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, bảo đảm đủ năng lực lãnh đạo, điều hành và quản lý có hiệu quả mọi mặt của đời sống xã hội. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện kết luận, nghị quyết về đại đoàn kết dân tộc. Định kỳ sơ kết, tổng kết kịp thời rút kinh nghiệm và đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp với thực tiễn./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021.

3. Báo cáo số 331-BC/TU, ngày 09/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

4. Toàn văn bài diễn văn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam - ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam [tại địa chỉ http://mattran.org.vn/tin-tuc/toan-van-bai-dien-van-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-tai-le-ky-niem-90-nam-ngay-thanh-lap-mat-tran-dan-toc-thong-nhat-viet-nam-ngay-truyen-thong-mat-tran-to-quoc-viet-nam-35461.html, truy cập ngày 03/02/2023].



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 12, tr.672.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, H.2021, tập 1, tr.109.

[3] Toàn văn bài diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam - ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam [Bai-dien-van-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-tai-le-ky-niem-90-nam-ngay-thanh-lap-mat-tran-dan-toc-thong-nhat-viet-nam-ngay-truyen-thong-mat-tran-to-quoc-viet-nam].

 [4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tr. 167-172.

[5] Báo cáo số 331-BC/TU, ngày 09/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW.

[6] Sđd, Tập 15, tr. 611

[7] Sđd, Tập 3, tr. 256.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 17
  • Hôm nay: 694
  • Trong tuần: 13 106
  • Tất cả: 547832
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này