ThS. Lâm Thị Thanh Nga
Khoa Xây dựng Đảng
Trà Vinh là tỉnh ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có 65 km bờ biển. Diện tích tự nhiên 2.391km, dân số trên 01 triệu người, trong đó có trên 31% dân tộc Khmer. Tỉnh có 09 đơn vị hành chính cấp huyện với 106 đơn vị hành chính cấp xã. Nông dân chiếm trên 70% tổng số lao động của tỉnh, hoạt động của Hội Nông dân có nhiều đổi mới, thích ứng với nền kinh tế thị trường, chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương; nông dân hăng hái thi đua sản xuất, năng động, sáng tạo trong tiếp cận, đầu tư phát triển nông nghiệp, không ngừng nâng cao trình độ sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo ra một số thương hiệu trên thị trường; đời sống nông dân được cải thiện, ngày càng có nhiều nông dân có thu nhập cao, vươn lên làm giàu góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp của tỉnh.
Hội nông dân là tổ chức chính trị xã hội (CT-XH) với chức năng, nhiệm vụ là chăm lo, bảo vệ lợi ích thiết thực chính đáng, hợp pháp của hội viên.Thực hiện tốt hơn nữa cải thiện dân sinh, chăm lo đời sống vật chất của nông dân bao gồm ăn, ở, điều kiện học hành, đi lại, bảo vệ sức khỏe, y tế trong phòng, chống dịch bệnh,... Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao dân trí về trình độ văn hóa, khoa học, công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho nông dân được thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật, thông tin tiến bộ, hiện đại, được chăm lo lợi ích xã hội, tham quan, du lịch; chăm lo lợi ích tâm linh; thực hiện tự do tín ngưỡng phù hợp với văn hóa dân tộc và quy định của pháp luật.
Hội Nông dân tỉnh có một đơn vị trực thuộc là Trung tâm dạy nghề - Hỗ trợ nông dân, 09 đơn vị hội nông dân cấp huyện, 103 hội nông dân cơ sở, 733 chi hội nông dân ấp, khóm và trên 30 chi hội nông dân nghề nghiệp, có 8.382 tổ hội (4.926 tổ hội nông dân nghề nghiệp) và 128.744 hội viên nông dân theo địa bàn dân cư.
Trong những năm qua, hội nông dân tỉnh có nhiều nổ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; sâu sát cơ sở, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên; tích cực tham gia thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt qua 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW, ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đạt được nhiều kết quả quan trọng:
Thứ nhất, Hội nông dân các cấp triển khai, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, điều lệ, các quy định pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân
Qua công tác triển khai, Hội nông dân tỉnh đã tổ chức triển khai tuyên truyền được 438.140 cuộc với 14.174.240 lượt người dự. Ngoài ra còn tập trung tuyên truyền các nội dung liên quan trực tiếp đến nông dân, vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng gia đình văn hóa, phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng nước sạch và bảo vệ môi trường nông thôn.
Thứ hai, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội được chú trọng
Các cấp ủy làm tốt công tác quy hoạch, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để tạo nguồn cho Hội bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng, chính quyền các cấp, hàng năm được tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ công tác Hội, đáp ứng được cơ bản về yêu cầu nhiệm vụ của Hội trong thời kỳ mới; Hội nông dân hàng năm phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, Sở Nội vụ, ban dân vận và các ngành có liên quan phối hợp mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo từng cấp có trên 240 lớp, có hơn 40.000 lượt cán bộ hội các cấp tham gia học tập. Đồng thời chỉ đạo Hội Nông dân tỉnh và Trường Chính trị tỉnh phối hợp Trường Cán bộ Hội thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mớ 01 lớp trung cấp nông dân cho cán bộ Hội nông dân cơ sở, cán bộ nguồn cơ sở hội có 81 học viên; Hội nông dân tỉnh Trà Vinh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở hội là 1.345 cán bộ.Phối hợp tham gia tập huấn với các chuyên ngành liên quan là 194 các bộ các cấp tham dự.
Thứ ba, các hoạt động hội và phong trào nông dân được đẩy mạnh:
* Hoạt động tổ chức các phong trào:
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững
Hội nông dân và tổ chức thành viên của mặt trận phối hợp lồng ghép, tuyên truyền, vận động hội viên đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ nông dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tạo mọi điều kiện để Hội nông dân tổ chức, triển khai có hiệu quả phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào thi đua “dân vận khéo”,phát huy tính cần cù, chịu khó và sáng tạo trong lao động sản xuất thúc đẩy phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hằng năm đã có hơn 80.000 hộ nông dân đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Kết quả, qua bình xét hàng năm có hơn 45.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Phong trào nông dân tham gia bảo xây dựng nông thôn mới: năm 2021, Hội nông dân phát động tuyên truyền vận động nông dân góp công, góp của để xây dựng nông thôn mới. Qua phát động kết quả hội viên nông dân góp được 11,804 tỷ đồng; 5,942 ngày công; xây dựng 286 cột cờ công cộng; mắc gần 450 bóng đèn chiếu sáng; trồng trên 42.000m hàng rào cây xanh; sửa chữa 52 cây cầu giao thông nông thôn; hiến 70,82ha đất để làm đường.
Như vậy, thông qua phong trào đã góp phần vẽ nên bức tranh nông thôn ngày nay với những gam màu tươi sáng và qua các phong trào đã thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia và ngày càng có nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; xuất hiện nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn đem lại hiệu qua cao, góp phần phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng nhau làm giàu và giúp hộ nghèo vươn lên, tạo nhiều việc làm ở nông thôn; góp phần xóa đói, giảm ghèo, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội ở nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới.
* Hoạt động hỗ trợ về vốn
Các cấp ủy lãnh đạo Hội nông dân thực hiện tốt việc hỗ trợ vốn trực tiếp cho hội viên, nông dân phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tính đến nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, tỉnh, huyện đã đầu tư 39,580 tỷ đồng, với 399 dự án, có 4.616 lượt hộ vay. với số tiền 86,118 tỷ đồng.
Hội nông dân phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Trà Vinh đầu tư cho nông dân vay vốn phát triển kinh tế và ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng dư nợ của các chương trình tín dụng trên 1.716 tỷ đồng, với 44.791 hộ vay vốn.
Thứ tư, các cấp hội luôn đẩy mạnh công tác kiểm tra. Hội nông dân tỉnh tổ chức kiểm tra giám sát được 1.281 cuộc về công tác Hội và phong trào nông dân, giám sát về việc hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do xâm nhập mặn; kiểm tra hoạt động quỹ ở các Hội ở cơ sở về vai vốn với 356 lượt hộ
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi cơ bản, hoạt động của Hội nông dân tỉnh trong tình hình mới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn:
Hoạt động của một số tổ chức Hội nông dân ở cơ sở còn chậm đổi mới nội dung và phương thức, chưa chủ động tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tỷ lệ đảng viên là cán bộ Hội ấp, khóm còn thấp nên chưa phát huy được tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, làm nòng cốt trong tổ chức Hội và phong trào nông dân; trong lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm đúng mức trong việc quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về hội nông dân, phong trào và hoạt động của Hội;
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưõng, bố trí cán bộ làm công tác Hội nông dân ở cơ sở còn gặp khó khăn, bất cập, cán bộ ở một số cơ sở thường xuyên thay đổi; Trình độ năng lực công tác của đội ngũ cán bộ Hội ở các cấp còn nhiều hạn chế; công tác vận động quần chúng, hội viên chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao; Một bộ phận hội viên nông dân nhận thức còn thấp, vẫn còn tư tưởng bảo thủ, trì trệ, ỷ lại; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa mặn mà với mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã; khả năng tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ còn chậm…
Để khắc phục những hạn chế bất cập nêu trên đồng thời để Hội nông dân hoạt động có hiệu quả trong thời gian tới thì theo tôi cần tập trung vào những giải pháp:
Thứ nhất, cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Chỉ thị số 59-CT/TW, ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại chính sách với nông dân để lắng nghe, giải quyết những vướng mắc của nông dân.
Thứ hai, các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường lãnh, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của hội nông dân. Quan tâm cũng cố, kiện toàn tổ chức Hội, quy hoạch, đào tạo, bố trí những người có uy tín, nhiệt tình và tâm huyết tham gia công tác Hội; xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với hội nông dân trong việc triển khai thực hiện các chương trình phối hợp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Thứ ba, các cấp hội nông dân tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân, vận động hội viên nông dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nắm chắc tình hình tư tưởng, nguyện vọng của hội viên nông dân, kịp thời phối họp giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc chính đáng của hội viên nông dân; tích cực vận động nông dân tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Hội Nông dân tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam. Tăng cường triển khai các phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua của địa phương, trọng tâm là Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217- QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; Quy định tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền theo Quyết định số 218-ỌĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.
Thứ tư, lãnh đạo xây dựng, cũng cố tổ chức Hội nông dân các cấp vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội nhiệt tình, tâm huyết, năng động, sáng tạo, có năng lực và có trách nhiệm với công việc, có uy tín với nông dân và có điều kiện hoạt động; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân; tăng cường đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp hội nông dân; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ Hội các cấp đáp ứng yêu cầu là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân.
Thứ năm, đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu qủa hoạt động của Hội nông dân
Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ hội, công đoàn cơ sở theo Đề án số 01-ĐA/BDVTU, ngày 12/10/2021 của Ban Dân vận Tỉnh ủy. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân; hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, địa bàn dân cư, nhất là trong vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, khu công nghiệp; phát huy tính năng động, sáng tạo của Hội nông dân các cấp trong công tác vận động quần chúng phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng cơ sở.
Thứ sáu, thường xuyên tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác tổ chức chỉ đạo phong trào trong các cấp hội nông dân, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua. Tổ chức tôn vinh nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc, nhà khoa học, doanh nghiệp./.