Chiến tranh du kích trong kháng chiến chống Pháp tại Trà Vinh

ThS. Nguyễn Thị Thu Sương  
                                                       Giảng viên Khoa xây dựng Đảng

         Trong kháng chiến chống Pháp tại Trà Vinh (1945-1954), chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng đối với thắng lợi của cách mạng trong tỉnh. Với nhiều hình thức, phương pháp đấu tranh linh hoạt, chiến tranh du kích trong tỉnh quy tụ được lực lượng đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Càng về sau, chiến tranh du kích ngày càng phát triển, có sự phối hợp nhịp nhàng với bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng ba thứ quân. Chiến tranh du kích là nét đặc sắc trong cuộc kháng chiến chống thực Pháp xâm lược trên mảnh đất Trà Vinh.

         Trước năm 1951

         Sau thất bại chiến dịch Việt Bắc năm 1947, Pháp chuyển từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh lâu dài, thực hiện chính sách “dùng người Việt trị người Việt”. Để thực hiện âm mưu này Pháp biến Nam Bộ thành hậu phương, căn cứ cơ bản để xâm lược toàn cõi Đông Dương.

         Trước tình hình đó, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng mở rộng năm 1948 chủ trương “Về quân sự: chuyển sang giai đoạn thứ hai, giai đoạn cầm cự, đánh táo bạo, phản công bộ phận, nếu nuớc Pháp có biến lớn”. Hội nghị lần này đánh dấu sự phát triển của cuộc kháng chiến sang thời kỳ mới. Thời kỳ chiến tranh du kích trên phạm vi cả nước.

         Từ 1948 thực dân Pháp sử dụng “chiến thuật tháp canh” trên khắp Nam bộ. Xứ uỷ Nam Bộ mở rộng chủ trương ra sức xây dựng các tiểu đoàn tập trung, đại đội độc lập.

         Tại Trà Vinh, năm 1948,  hệ thống dân quân được thành lập theo chỉ đạo của Xứ uỷ và Uỷ ban hành chính kháng chiến Nam Bộ. Đây được xem là lực lượng hậu bị của bộ đội. Ngay khi Pháp mở cuộc hành quân để thực hiện chương trình bình định, quân và dân Trà Vinh đã phối hợp phá tan các cuộc hành quân đó. Lúc này, “toàn tỉnh xây dựng được 737 đội du kích nam và 70 tiểu đội du kích nữ. Tổ du kích mật được tổ chức ở những thị xã và những ấp bị địch kiểm soát. Phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ chưa từng có trước đó. Du kích không chỉ làm nòng cốt trong các hoạt động cách mạng trong các ấp, xã và có vai trò chủ lực trong quá trình xây dựng xã chiến đấu, mà còn phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể cứu quốc để tổ chức lực lượng phong tỏa, cô lập hệ thống đồn bót, tháp canh của địch, nhằm tạo thế cô lập, chia cắt và tấn công quân thù bằng binh vận và bằng tập kích vũ trang.”  (Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Trà Vinh: Lịch sử tỉnh Trà Vinh tập 2 (1945 - 1954), tr.74)

         Hưởng ứng chỉ thị của hội nghị quân sự Nam bộ tháng 1/1948, thực hiện chỉ thị của trung ương và Xứ uỷ Nam bộ,  Khu 9 trong đó có tỉnh Trà Vinh tích cực phát triển chiến tranh nhân dân, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân khuyến khích tăng gia sản xuất, giao lưu mua bán củng cố hậu phương, động viên nhân lực vật lực cho kháng chiến, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, phá âm mưu địch lấy chiến tranh nuôi chiến tranh tạo cơ sở kháng chiến trường kỳ theo chỉ thị của trung ương đảng.

         Bước sang năm 1949, tình hình thế giới có sự thay đổi bất lợi cho Pháp. Ngày 1/10/1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Một số nước xã hội chủ nghĩa lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đưa Việt Nam từng bước thoát khỏi thế bao vây cô lập trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tháng 7 năm 1949, Chính phủ Pháp đề ra Kế hoạch Revers, “đưa cuộc chiến tranh Đông Dương vào khuôn khổ chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ, dựa vào viện trợ của Mỹ mà củng cố lực lượng”. Lúc này, Xứ uỷ Nam Bộ chủ trương “du kích chiến là căn bản vận động chiến là phụ trợ” đẩy mạnh vận động chiến từ nhỏ lên lớn.

         Tại Trà Vinh, thực dân pháp đã đưa nhều binh lực và phương tiện chiến tranh vào và lập thêm nhiều đồn bót, tháp canh với số lượng gấp đôi năm 1948 và tổ chức những cuộc hành quân quy mô lớn gây ra nhiều thiệt hại về người và của cho đồng bào. Chiến tranh du kích phát triển rộng khắp các huyện trong tỉnh, đỉnh cao là sự phối hợp giữa du kích và bộ đội chủ lực làm nên chiến thắng vang dội với chiến dịch Cầu Kè (1949-1950) và chiến dịch Trà Vinh (1950) mở ra thời kỳ đánh bại kế hoạch bình định của Pháp trên mảnh đất Trà Vinh. Đặc biệt là chiến dịch Cầu Kè đây là chiến dịch tiến công đầu tiên trên chiến trường Nam bộ và cũng là chiến dịch lần đầu tiên lực lượng ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích) được kết hợp một cách nhịp nhàng tạo nên sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn tỉnh.

         Thua đau trong chiến dịch Cầu Kè, từ sau năm 1950 thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị nhiều hoạt động để thực hiện âm mưu “tái bình định” nhằm thiết lập lại hệ thống đồn bót nhưng vấp phải sự kháng cự và chống trả quyết liệt của dân quân du kích và nhân dân địa phương. Cũng từ năm 1950 trở về sau, chiến tranh du kích trong tỉnh chuyển sang giai đoạn mới.

         Từ năm 1951 trở về sau

         Được sự hậu thuẫn và hỗ trợ của Mỹ, thực dân Pháp không ngừng tăng quân và tổ chức những cuộc chiến nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường. Tại Nam Bộ, Pháp nỗ lực thực hiện kế hoạch bình định nhằm tấn công vào lực lượng du kích và phong trào nhân dân du kích của ta. Chúng tổ chức xây dựng hàng loạt tháp canh và tiến hành bắt lính.

         Trước tình hình đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần II của Đảng chủ trương phát triển chiến tranh du kích “lấy du kích chiến làm chính, vận động chiến là phụ nhưng phải đẩy mạnh vận động chiến lên”.

         Nghị định số 174/NB-51 ngày 27 tháng 6 năm 1951 khu vực Nam bộ chia thành 20 tỉnh. Trong đó, Vĩnh Long và Trà Vinh sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Trà. Vĩnh Trà thuộc phân liên khu miền Tây. Lúc này Trung ương cục Miền Nam thống nhất 3 thứ quân dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ.  Tỉnh đội bộ dân quân được gọi là tỉnh đội.

         Tháng 6 năm 1951, Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Trà họp tại Cồn Cù (Cầu Ngang) quyết định đẩy mạnh chiến tranh du kích. Ngày 1 tháng 8 năm 1951, Hội nghị cán bộ quân sự tỉnh Vĩnh Trà được triệu tập. Về công tác quân sự Hội nghị chủ trương chuyển từ đánh tập trung sang đánh phân tán, phát huy rộng rãi phong trào nhân dân du kích chiến tranh.

         Tháng 10 năm 1951 pháp bố trí lại lực lượng ở Trà Vinh và tiến hành những cuộc hành quân vào vùng căn cứ kháng chiến của ta giết hại tàn bạo dân quân du kích và nhân dân trong các vùng này. Dưới sự khủng bố, phong toả gắt gao của địch, lực lượng dân quân du kích nhiều xã đã tổ chức lực lượng trực chiến đêm ngày và làm nhiều “bãi tử địa” để ngăn chặn và tiêu diệt địch. Phong trào chiến tranh du kích trong tỉnh vẫn tiếp tục phát triển.

         Tháng 2 năm 1952, Hội nghị ban chấp hành trung ương tỉnh Vĩnh Trà thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ quân sự:

         “Tích cực phát triển nhân dân du kích chiến tranh để phá bao vây địch, giành giật dự trữ của ta…

         - Tích cực xây dựng căn cứ du kích huyện, xã củng cố và phát triển các khu du kích .

         - Xây dựng và củng cố bộ đội địa phương huyện, củng cố du kích xã, đề cao việc rèn luyện, bổ túc và đào tạo cán bộ cho bộ đội địa phương và du kích” (Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Trà Vinh: Lịch sử tỉnh Trà Vinh tập 2 (1945 - 1954), tr.145-146).

         Tại Trà Vinh lúc này phong trào “trở về vùng tạm chiếm xây dựng cơ sở, lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch” phát triển rộng rãi. Nhờ vậy chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm phát triển rộng khắp vùng nông thôn Trà Vinh.

         Vào tháng 8 năm 1953 Tỉnh uỷ Vĩnh Trà tổ chức hội nghị đánh giá phong trào cách mạng trong tỉnh và đưa ra phương hướng cho thời gian tới. Vĩnh Trà đẩy mạnh chiến tranh du kích, tổ chức cho thích hợp “du kích phân tán”. Theo đó, Duyên Hải được chọn làm trọng điểm phát triển chiến tranh du kích.  Cuối 1953 phong trào chiến tranh du kích được phát triển mạnh mẽ hơn so với đầu năm. Phong trào ngày càng có sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân. Giai đoạn này nổi bật là phong trào chống bắt lính. Từ cuối 1953, du kích phối hợp với bộ đội địa phương hợp đồng tác chiến tấn công nhiều cứ điểm địch, hỗ trợ phong trào chống bắt lính. Trên địa bàn huyện Duyên Hải lần đầu tiên lực lượng ba thứ quân hợp đồng tác chiến là trận đánh đồn Cồn Cù (10/12/1953). Trong trận này bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã kết hợp cách đánh ký tập với đặc công và xung kích sau đó chuyển sang cường tập. Tại các huyện khác du kích tổ chức phục kích ven đường hay bứt hàng, bứt rút đồn bót, tháp canh gây cho địch nhiều thiệt hại, thu về nhiều vũ khí và trang bị. Đến tháng 4 năm 1954, huyện xã khắp nơi trog tỉnh đều có lực lượng du kích từ 1 đến 3 tiểu đội. Trong đó, Cầu Ngang và Duyên Hải là hai huyện có lực lượng du kích mạnh nhất trong toàn tỉnh mỗi xã đều có trung đội du kích.

         “Tính chung, từ đầu năm 1954 đến ngày ngừng bắn (22/7/1954), quân và dân Vĩnh Trà đã tác chiến 149 trận (trong đó không tính các trận diệt ác trừ gian); tiêu diệt, đánh sập và bức hàng, bức rút 248 đồn bót (trong đó, tiêu diệt 42 cái, đánh sập 76 cái, bức hàng bức rút 201 cái); loại khỏi vòng chiến đấu 3.754 tên địch (trong đó có 330 tên bị chết, 219 tên bị thương, 2.874 tên đào rã ngũ); chống bắt lính cho hàng ngàn thanh niên, giải thoát cho 1.575 thanh niên bị bắt lính trở về” (Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Trà Vinh: Lịch sử tỉnh Trà Vinh tập 2 (1945 - 1954), tr.191).

         Thắng lợi này có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng dân quân du kích trên các địa bàn trong toàn tỉnh.

         Chiến tranh du kích tại Trà Vinh có những đặc điểm sau:

         Một là, đánh địch khắp mọi nơi, mọi lúc bằng những loại vũ khí sẵn có: như hầm chông, cạm bẫy, đạp lôi, lựu đạn, công sự…du kích Trà Vinh lợi dụng đặc điểm địa hình, địa thế tập kích gây cho địch sự bất ngờ, bị động và khó khăn trong việc đối phó. Trong quá trình kháng chiến, quân và dân Trà Vinh đã ra sức phát triển cách đánh du kích tránh địch ruồng bố điển hình là ở huyện Càng Long và huyện Trà Cú, hoá trang lấy đồn Long Bình giữa ban ngày, tay không giết giặc giữa trưa, mỹ nhân kế…Các hoạt động chủ yếu là chống càn quét, bắt lính của địch. Du kích đã chiến đấu bám trụ để tiêu diệt địch khắp các địa bàn trong tỉnh.

         Hai là, kết hợp nhịp nhàng với bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực trong những trận đánh quan trọng tạo nên thế trận chiến tranh liên hoàn với nhiều cách đánh: đánh vận động, dùng chiến thuật đặc công trong đánh du kích…kết hợp vũ trang và địch vận. Tiếp theo lối đánh kỳ tập là cách đánh cường tập trong trận Bắc Sa Ma bộ đội ta đã dùng hoả lực súng cối và súng máy yểm hộ cho du kích xung phong. 

         Ba là, chiến tranh du kích giữ vị trí quan trọng xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Pháp tại tại Trà Vinh. Ngay từ khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ chiến tranh du kích trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã bắt đầu với nhiều hình thức, phương pháp khác nhau. Du kích đã tận dụng mọi loại vũ khí sẵn có và tự chế phục vụ chiến tranh. Trong các cuộc chiến chống càn quét, bắt lính hay chống bình định của địch chiến tranh du kích được phát huy. Du kích Trà Vinh dần phát triển về số lượng và được rèn luyện các chiến thuật chiến đấu cũng như phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương trong các trận chiến quan trọng như trận Cầu Kè, chiến dịch Trà Vinh. Có thể nói trong kháng chiến chống Pháp tại Trà Vinh du kích đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng trên vùng đất này. Và cũng chính trong thời gian này lực lượng ba thứ quân tại tỉnh nhà được rèn luyện, trau dồi và phối hợp nhịp nhàng tạo nên thế trận liên hoàn. Đây là cơ sở, là bước chuẩn bị quan trọng để phát triển lực lượng ba thứ quân trong kháng chiến chống Mỹ giai đoạn về sau.

         Bốn là, có sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân với nhiều độ tuổi khác nhau. Đó là những nông dân tay không giết giặc, đó là những em bé, những nhà sư đi vưa đi khất thực vừa quan sát tình hình địch…khắp các xã trong tỉnh xã nào cũng xây dựng được được một đơn vị du kích cấp tiểu đội hoặc trung đội. ngoài nhiệm vụ chiến đấu, du kích còn làm nhiệm vụ trong sản xuất, “ra sức phối hợp với các tầng lớp nhân dân tìm hiểu cải tạo địa hình để thuận lợi cho sản xuất, thuận lợi cho giao thông liên lạc” (Tỉnh Uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh Trà Vinh: Lịch sử tỉnh Trà Vinh tập hai (1945-1954), tr.96).

         Như vậy, có thể nói trong kháng chiến chống Pháp, chiến tranh du kích đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của cách mạng Trà Vinh. Trong từng giai đoạn, chiến tranh du kích trong tỉnh được tổ chức với các hình thức, phương pháp đa dạng, linh hoạt. Càng về sau, chiến tranh du kích trong tỉnh ngày càng phát triển, đã có sự phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực và bộ địa phương trong các trận đánh lớn mang tính quyết định. Đây cũng là nét đặc sắc của chiến tranh nhân dân tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến chống Pháp và sẽ được đảng bộ, nhân dân tỉnh phát huy trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1.  Nguyễn Thị Ngọc Hà, Một số đặc điểm về chiến tranh du kích ở Nam bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

         2.  Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Trà Vinh: Lịch sử tỉnh Trà Vinh tập 2 (1945 - 1954)

         3.  Vũ Quang Hiển, Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng dân quân du kích và chiến tranh du kích

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 131
  • Trong tuần: 10 988
  • Tất cả: 563129
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này