Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với công tác xây dựng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị hiện nay

ThS. Trần Thị Như Diễm    
                                                                Khoa Lý luận cơ sở      

         Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Người luôn quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho mỗi cán bộ đảng viên là một việc làm xuyên suốt và quan trọng. Người quan niệm rằng, có đạo đức mới có thể trở thành người cán bộ tốt, chân chính, đạo đức là nhân tố làm nên thành công cho sự nghiệp cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng được thể hiện ở các phẩm chất sau đây: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Những phẩm chất đó có mối quan hệ tác động qua lại biện chứng với nhau, thiếu một phẩm chất thì người cán bộ, đảng viên không thể làm tròn nhiệm vụ do Đảng, Nhân dân và cách mạng giao phó. Vấn đề đạo đức cách mạng và giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung nhắc đến nhiều trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.

         Năm 1947, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta nhằm bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được, việc quân, việc nước phải đương đầu với bao khó khăn, bộn bề. Để giữ vững được thành quả cách mạng và đủ sức mạnh thực hiện hiện thắng lợi nhiệm vụ mới đặt ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đối lối làm việc”. Qua đó, Người đặt ra những yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên là phải phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, nêu cao đạo đức cách mạng, biết hy sinh gian khổ, đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc, của Đảng lên trên hết, trước hết.

         Thông qua nội dung tác phẩm, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến vị trí vai trò của đạo đức cách mạng. Bởi theo Người, đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng. Người coi đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông suối. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Bác nói rằng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”1

         Trên cơ sở xác định vai trò to lớn của đạo đức cách mạng, Người yêu cầu mỗi cán bộ đảng viên phải không ngừng tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức. Bác xác định, đạo đức cách mạng khác với đạo đức cũ: “đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người2 Nếu như đạo đức phong kiến cầm tù con người trong vòng lễ giáo hà khắc; đạo đức tư sản sùng bái lợi ích vật chất cá nhân ích kỷ, cực đoan; đạo đức tiểu tư sản giam hãm con người bởi lợi ích cục bộ, hẹp hòi, gia trưởng;… thì đạo đức cách mạng hướng tới lý tưởng cao đẹp, giải phóng con người khỏi mọi cầm tù, giam hãm, níu kéo bởi cái nhỏ nhen, ích kỷ. Người nhấn mạnh giáo dục nghĩa vụ đạo đức có vai trò quan trọng hàng đầu trong đánh thức lương tri, danh dự, nhân phẩm của mỗi con người. Động cơ đạo đức cách mạng bao giờ cũng thúc đẩy hành vi không vụ lợi, hành động không xu thời, giúp mỗi người vượt qua  lợi ích cá nhân để hành động bằng sự thôi thúc của lương tâm, tinh thần tự nguyện, trách nhiệm tự giác. Vì thế, hình mẫu người cán bộ, đảng viên mà Hồ Chí Minh xây dựng là con người có trách nhiệm xã hội. Để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ suốt đời, nhưng việc tu dưỡng, rèn luyện, phải gắn với hoạt động thực tiễn cách mạng. Vì chính thực tiễn cách mạng là nơi để cho mọi người thể hiện rõ nhất những hành vi đạo đức của mình và chính thực tiễn cũng là nơi làm cho mọi người được hoàn thiện hơn về đạo đức.  Người nói rằng, “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”3. Do đó, việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao càng phải tích cực, liên tục học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng.

         Đạo đức cách mạng là một đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa, là sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, liên quan đến sự thành bại của cách mạng, và là một yêu cầu không thể thiếu của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong đó có đội ngũ giảng viên Trường Chính trịnh cấp tỉnh, với chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị các cấp về lý luận chính trị ; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;…. Do đó, ngoài yêu cầu về năng lực, trình độ chuyên môn thì phẩm chất đạo đức đối với đội ngũ giảng viên càng đặt ra khắc khe và quan trọng hơn cả. Để làm tốt nhiệm vụ giảng dạy và nêu gương, đòi hỏi mỗi giảng viên  trường chính trị cần phải có những phẩm chất sau:

         Một là, phải luôn nêu cao ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của người giảng viên. Có trách nhiệm tốt sẽ luôn tận tâm, tận lực với công việc. Thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ dẫn tới tư tưởng không vững vàng, chất lượng và hiểu quả công việc thấp. Đứng trên bục giảng, không chỉ với vai trò truyền thụ kiến thức, mà giảng viên dạy lý luận chính trị còn là người truyền cảm hứng, định hướng tính sáng tạo cho học viên. Do đó, nếu bản thân không hoàn thành, hoặc thực hiện không tốt nhiệm vụ chuyên môn sẽ không tạo được niềm tin cho người học. Đó là một một thất bại đáng lo ngại đối với người giảng viên trường chính trị.  

        Thứ hai, đạo đức của giảng viên trường chính trị còn được thể hiện qua phương pháp giảng dạy vừa cô động, chân phương, dễ hiểu song vẫn đảm bảo tính khoa học. Trong tác phẩm Bác đã nhiều lần nhắc đến “thói ba hoa” một căn bệnh mà Người đã sớm phát hiện trong cán bộ, đảng viên. Đối với thầy cô dạy lý luận chính trị, trong quá trình giảng dạy phải giữ gìn phong cách giản dị, gần gũi với học viên; không được phép cho mình cao hơn người học một bậc. Truyền thụ kiến thức phải tránh nói dong dài - rỗng tuếch. Điều đó không có nghĩa là dạy ngắn gọn càng tốt, đặc thù của môn học lý luận chính trị khô khan, giáo viên cần linh hoạt lồng ghép các lĩnh vực của đời sống, những mẫu chuyện kể, nêu gương,.... nhằm tăng tính hấp dẫn và sinh động trong bài giảng.         

         Thứ ba, giảng viên trường chính trị phải xây dựng cho mình phong cách ứng xử với học viên, phải là tấm gương về đạo đức, tác phong, tư duy, bản lĩnh chính trị; lắng nghe ý kiến của học viên; có thái độ lịch sự, đúng mực khi giao tiếp; tôn trọng ý kiến của học viên; thể hiện phong cách mẫu mực của người giảng viên trên lớp và cả trong cuộc sống. Về chuyên môn phải tận tụy với công việc; có ý thức trách nhiệm, say mê, nhiệt huyết với công việc; giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng.

         Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với những tác động của kinh tế thị trường, ... đã và đang làm biến đổi sâu sắc đến các chuẩn giá trị nhân cách của nghề giáo nói chung và đội ngũ giảng viên trường chính trị nói riêng. Do đó, để giữ gìn và phát huy phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên với cương vị là giảng viên dạy lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

         Một là, nâng cao nhận thức về vai trò đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên trường chính trị. Thường xuyên làm tốt công tác  tuyên truyền, giáo dục làm cho từng giảng viên có nhận thức rõ về vị thế nghề nghiệp của mình, nắm chắc nhiệm vụ của nhà trường và ý nghĩa, yêu cầu của việc bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp đối với bản thân. Từ đó có thái độ đúng đắn, trách nhiệm cao trong giảng dạy. Thường xuyên tự bồi dưỡng, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, tinh thần say mê, sáng tạo, cần cù, chịu khó, tích cực học tập, nghiên cứu để cống hiến sức lực, trí tuệ cho từng tiết giảng, bài giảng; biết khắc phục khó khăn trong cuộc sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, sát với đối tượng. Gắn việc giáo dục, bồi dưỡng của các tổ chức, đoàn thể với việc đề cao ý thức tự học, tự rèn của giảng viên. Cùng với đó, phải tích cực đấu tranh, ngăn chặn những tư tưởng, nhận thức, hành vi sai trái, những biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín, tư cách của của đội ngũ giảng viên nói riêng và nhà trường nói chung.

         Hai là, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là nhiệm vụ thường xuyên với mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, với đội ngũ giảng viên trường chính trị càng quan trọng hơn cả. Do đó, để tạo điều kiện cho giảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ trên, nhà trường cần xây dựng kế hoạch phấn đấu, đề ra nội dung, biện pháp cụ thể, phù hợp, làm cơ sở để điều chỉnh hành vi, xác định ý chí quyết tâm của cán bộ, giảng viên, nhất là trước những tác động, ảnh hưởng, chi phối đến tình cảm, lòng yêu nghề của đội ngũ nhà giáo.

         Ba là, phát huy vai trò trách nhiệm nêu gương về đạo đức và nhân cách của đội ngũ giảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị; phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ4. Do đó, mỗi giảng viên phải là một nhân cách, là những “tấm gương sáng” để học viên phấn đấu rèn luyện noi theo, tu dưỡng đạo đức, phát triển các phẩm chất nghề nghiệp.

         Bốn là, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, tạo điều kiện để các giảng viên khẳng định mình trong thực tiễn. Môi trường sư phạm có vai trò hết sức quan trọng. Môi trường sư phạm tốt sẽ làm cho các giảng viên thêm yêu quý, gắn bó, toàn tâm toàn ý với nghề; ngược lại, nếu môi trường sự phạm không tốt sẽ dễ làm cho họ chán nản, thiếu ý chí phấn đấu, không có hứng thú trong giảng dạy. Vì vậy, các trường chính trị cần quan tâm xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, tạo dựng bầu không khí thân thiết. Để làm được điều đó, nhà trường cần tập trung xây dựng theo hướng chính quy, mẫu mực. Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định của học viện và nhà trường. Giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong công tác, giữa lãnh đạo và giảng viên, giữa người dạy và người học. Chủ động phòng ngừa, không để cho các tiêu cực xâm nhập làm ảnh hưởng đến phẩm chất, đạo đức  của người giảng viên. Mặt khác, phải tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học tốt” và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” nhằm thu hút sự tham gia, phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giảng viên trường chính trị.

         Bác Hồ đã từng nói “mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Phải cần nhiều yếu tố để xây dựng nên những người cán bộ tốt, vừa hồng vừa chuyên, có đủ năng lực và phẩm chất để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, trong đó vai trò của đội ngũ giảng viên tại các trường chính trị là góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ này. Không chỉ giảng dạy lý luận chính trị, mà người giảng viên còn là một người đảng viên tiên phong trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Để làm tròn trọng trách vẻ vang ấy, thì hiện nay việc mỗi giảng viên các trường chính trị hoàn thiện mình thông qua việc nghiên cứu, học tập nội dung đạo đức cách mạng từ tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác là vô cùng cần thiết và quý báu./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1, 2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. NXB Chính trị quốc gia Sự Thật, H.2011, t.5, tr.292.

         3.    Hồ Chí Minh. Toàn tập. NXB Chính trị quốc gia Sự Thật, H.2011, t.11, tr612.

         4.    Hồ Chí Minh. Toàn tập. NXB Chính trị quốc gia Sự Thật, H.2011, t.4, tr.747

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 690
  • Trong tuần: 13 102
  • Tất cả: 547828
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này