Góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua hoạt động giảng dạy môn học lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh hiện nay

                                                                           ThS. Phạm Thị Kiều 
                                                                          Khoa Xây dựng Đảng

         Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối chính trị, Đảng ta luôn xác định công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ trọng tâm và hết sức hệ trọng, là trách nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, trong đó có đội ngũ giảng viên công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị. Trong thực tiễn, hoạt động nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị đã tham gia và tác động vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đối tượng tác động trực tiếp là đội ngũ cán bộ của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể

         Hiện nay, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nước ta tiếp tục diễn ra gay gắt, quyết liệt, phức tạp và để bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, chủ trương của Đảng đòi hỏi phải thực hiện nhiều nội dung, biện pháp, chủ thể khác nhau, trong đó việc phát huy vai trò của nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, đặc biệt là trong giảng dạy môn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ

         Các thế lực thù địch bôi nhọ, xuyên tạc, phủ định lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng Việt Nam diễn ra từ rất sớm, gắn liền với chủ nghĩa chống cộng, chống phong trào đấu tranh cách mạng vì độc lập, dân chủ của dân tộc Việt Nam. Từ khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, sự tấn công, xuyên tạc lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng ngày càng gay gắt, quyết liệt hơn.

         Chúng chống phá, xuyên tạc, bôi nhọ trên mọi khía cạnh, cả về lý luận, đường lối và sự kiện cụ thể, tập trung vào những luận điệu, sự kiện sau: Phủ định sự lựa chọn con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chúng cho rằng đây là con đường không hợp với quy luật khách quan; rằng chủ nghĩa xã hội được phát minh ở châu Âu “nhập khẩu” về Việt Nam, một nước nông nghiệp phương Đông nên không phù hợp; hay Cách mạng Tháng Tám chỉ là “sự ăn may”; cuộc chiến tranh vũ trang mất mát đau thương là không cần thiết (?); viện dẫn lịch sử một số nước “khôn ngoan” lựa chọn con đường khác, không cần bạo lực cách mạng vẫn giành được độc lập, tránh đổ máu thương vong; hay cuộc chiến tranh thống nhất đất nước là cuộc nội chiến nhằm tranh giành quyền lực (?). Chúng cho rằng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là “mù mờ”, “thiên đường mù”, “không tưởng; họ tách rời và đối lập độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội”; chúng rêu rao Đảng Cộng sản toàn trị, “độc tài”, “mất dân chủ”, “bóp nghẹt dân chủ”, chỉ phù hợp với lãnh đạo chiến tranh, nên đã hoàn thành sứ mệnh, nay hòa bình xây dựng, phát triển phải được thay thế bằng chế độ chính trị đa đảng...

         Hiện nay đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng là một cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, phức tạp. Tính chất khó khăn, phức tạp thể hiện ở đối tượng chống phá, xuyên tạc vừa lớn về số lượng, đa dạng, cả các thế lực thù địch, phản động ở trong nước và nước ngoài (gồm những kẻ bất mãn, những phần tử cơ hội) khó xác định. Nội dung của các luận điệu xuyên tạc cũng hết sức phức tạp, không chỉ đơn thuần ở lĩnh vực lịch sử mà thực chất là chống phá về “tư tưởng”, “chính trị” với mục tiêu thay đổi ý thức hệ, lập trường, hạ bệ uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng...

         Thủ đoạn chống phá cũng rất đa dạng, phong phú, vừa tinh vi, vừa trắng trợn... Do vậy, đây là cuộc đấu tranh toàn diện trên các lĩnh vực, các mặt lãnh đạo của Đảng, do đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng làm công tác tư tưởng, công tác nghiên cứu - giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đóng vai trò nòng cốt.

         Các bài giảng Lịch sử Đảng trong chương trình trung cấp lý luận chính trị có 04 bài, trong đó nội dung chương trình tập trung làm rõ quá trình Đảng ra đời, phát triển, lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc, kháng chiến chống xâm lược; xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; đúc kết những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn lãnh đạo và xây dựng Đảng. Vì vậy, giảng dạy môn Lịch sử Đảng trong chương trình trung cấp lý luận chính trị có vị trí, vai trò quan trọng trong tăng cường xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

         Để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua hoạt động giảng dạy môn học lịch sử Đảng ở trường chính trị tỉnh chúng ta cần:

         Trước hết, Thông qua “các bài học lịch sử”, giảng viên khẳng định vững chắc quan điểm có tính nguyên tắc và giá trị khoa học, sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là bảo vệ các căn cứ khoa học, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần bảo vệ tư tưởng của Đảng; nghiên cứu, phân tích, chứng minh sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

         Điều cần thiết trong giảng dạy là giảng viên phân tích làm cho người học thấy được Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là tất yếu khách quan, sự kiện lịch sử cực kỳ trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam và hệ tư tưởng Mác-Lênin đối với cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, là cống hiến xuất sắc của Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của chủ nghĩa Mác-Lênin, là luận điểm của Người về sự thành lập chính đảng của giai cấp vô sản ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến.

         Thông qua 04 bài lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong chương trình trung cấp lí luận chính trị đã cung cấp những luận chứng chắc chắn, chặt chẽ về sự kiên định hệ tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

         Sau khi ra đời, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tin tưởng tuyệt đối, chỉ trong vòng 15 năm, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành ba cao trào cách mạng. Khi thời cơ cách mạng chín muồi, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 “long trời, lở đất”, thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 02/9/1945.

         Trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính”, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Từ năm 1954 đến năm 1975, trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối vào ngày 30/4/1975. Sau năm 1975, cách mạng Việt Nam gặp nhiều khó khăn từ trong và ngoài nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình đất nước và qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm thực tiễn, với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật," đã đề ra Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam…

         Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

         Như vậy, những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh rằng: Nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng chính là nhờ sự kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển bức thiết của cách mạng Việt Nam và phù hợp với quy luật phát triển của thời đại.

         Thứ hai, trong phương thức giảng dạy tùy vào chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm đối tượng của học viên để xác định nội dung và phương thức thực hiện tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp. Giảng viên cần lồng ghép quan điểm của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong nội dung từng bài giảng cho phù hợp hoặc lồng ghép vào chủ đề thảo luận trên lớp. Thông qua việc tổ chức hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị, qua bài thi viết, làm tiểu luận, khóa luận tốt nghiệp. Đây là một phương thức quan trọng để đánh giá nhận thức của người học và hiệu quả trong việc tuyên truyền, giảng dạy để bảo vệ nên tảng tư tưởng của Đảng.

         Giảng viên chia sẻ, hướng dẫn cho người học nhận diện các quan điểm thù địch, phân tích giảng giải một cách chính xác, khách quan, khoa học giúp cho người học hiểu bản chất vấn đề để đấu tranh, chống lại các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng. Trên cơ sở đó định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để họ có được những nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

         Thứ ba, Để góp phần vào thắng lợi của công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi hỏi mỗi giảng viên giảng dạy phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng; cần tỉnh táo nhận diện những thông tin sai lệch trong xã hội; chủ động đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời truyền bá tư tưởng và các kiến thức cho cán bộ, đảng viên giúp họ miễn nhiễm với các thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch; giúp cho cán bộ, đảng viên có đủ nhận thức và sức đề kháng với sự xâm nhập của các luận điệu sai trái, thù địch, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong mọi giai đoạn cách mạng.

         Đội ngũ giảng viên cần tích cực, thường xuyên nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn: viết bài tham gia Hội thảo các cấp, bài đăng trên các báo, tạp chí, trang webtise,…để làm sáng tỏ những nội dung của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản bác lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam. Dù ở cách tiếp cận nào, những bài viết khoa học cũng là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp vào thành công của công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 

         Mỗi giảng viên cần nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, tư tưởng đạo đức; xây dựng ý chí quyết tâm, động cơ, thái độ, trách nhiệm trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; không hoang mang, dao động trước mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng, sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 23
  • Hôm nay: 805
  • Trong tuần: 13 217
  • Tất cả: 547943
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này