Trà Vinh thực hiện tốt chính sách người có công

ThS. Sơn Thị Thanh Loan
Khoa Xây dựng Đảng   

         Trong tiến trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, để làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta đã hiến dâng tuổi thanh xuân và sự sống của mình cho Tổ quốc. Nhằm phát huy bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, đồng thời kế thừa và phát huy đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta, ngay từ những ngày đầu của cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn dành tình cảm và sự quan tâm sâu sắc cho thương binh, bệnh binh, thân nhân các liệt sĩ. Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ. Đến tháng 6/1947, tại một Hội nghị gồm đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ, Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm “Ngày Thương binh toàn quốc”. Đến tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ”. Và với Chỉ thị 223/CT-TW ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ” của cả nước.

         Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy” , chính sách đối với người có công với cách mạng không chỉ là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, mà đã trở thành một hệ thống chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với quá trình đổi mới đất nước, tùy vào tình hình và khả năng thực tế, chính sách ưu đãi đối với người có công từng bước được bổ sung và hoàn thiện. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh “Ưu đãi người hoạt cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng” (gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công) và Pháp lệnh phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là bước tiến quan trọng trong hệ thống chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” ở nước ta. Với hai Pháp lệnh này góp phần cải thiện thêm một bước đời sống người có công và tạo điều kiện để các gia đình chính sách phát huy năng lực, sở trường của mình trong cơ chế mới.

         Ngày nay, hệ thống pháp luật, chính sách về người có công với cách mạng từng bước được hoàn thiện; đối tượng chính sách người có công với cách mạng được mở rộng; việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng; đời sống của gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện; nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã có ý chí vươn lên, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

         Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Trà Vinh luôn xác định công tác chăm sóc người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm lớn lao mà còn thể hiện tình cảm sâu sắc với những người đã cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, quê hương Trà Vinh nói riêng.

         Hiện nay, Trà Vinh có 64.528 người có công với cách mạng chiếm 6,39% so với tổng số dân được ghi nhận, tôn vinh, hưởng trợ cấp ưu đãi của Đảng, Nhà nước và sự chăm lo của các ngành, các cấp và nhân dân. Trong đó, có 19.624 liệt sĩ; 9.811 thương binh, bệnh binh; 3.346 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; có 8.814 người có công giúp đỡ cách mạng; 3.348 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; có 1.699 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; có 5.278 thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng; có 28 Thanh niên xung phong qua 2 thời kỳ kháng chiến và 12.373 người hoạt động kháng chiến đã hưởng trợ cấp..., nhằm thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công và đẩy mạnh phong trào Đền ơn đáp nghĩa, tỉnh đã ban hành các kế hoạch, chương trình, các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện, trong đó có Kế hoạch số 59-KH/TU, ngày 25/9/2017 để cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 30/3/2018 về thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW trên địa bàn tỉnh. Các cấp ủy cấp huyện, các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã xây dựng văn bản cụ thể hóa kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm triển khai, quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 14-CT/TW và các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến công tác người có công với cách mạng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức như: Đăng tin, bài trên Công thông tin điện tử; tại các cuộc hội nghị; các phóng sự, tin bài trên Báo Trà Vinh, Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác chăm lo người có công với cách mạng.

         Các ngành có liên quan cũng đã có sự phối hợp với địa phương, gia đình người có công rà soát hồ sơ người có công còn tồn đọng. Qua đó đã giải quyết mới 04 hồ sơ liệt sĩ; 360 hồ sơ Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; 54 hồ sơ người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 127 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học và 1.208 hồ sơ đề nghị tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến. Giải quyết trợ cấp một lần cho 820 đối tượng theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg; giải quyết được 24 hồ sơ theo Quyết định số 57/2013/QĐ-TTg; 2.845 đối tượng theo Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg; 13 đối tượng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg; 03 đối tượng theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg và 329 đối tượng được tặng và truy tặng Huân chương Độc lập; chi trả trợ cấp hàng tháng cho 13.221 đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân.

         Về việc rà soát đối tượng, hồ sơ người có công còn tồn đọng theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH, ngày 20/3/2017 cúa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả đã công nhận 04 hồ sơ liệt sĩ và 01 hồ sơ liệt sĩ đang đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét.

         Trong thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công được thực hiện theo đúng quy định. Đã giải quyết trợ cấp hàng tháng cho 13.221 đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân; giải quyết trợ cấp ưu đãi giáo dục cho con của người có công với cách mạng được 767 trường hợp; đào tạo nghề cho 537 trường hợp là thân nhân của người có công với cách mạng...; cấp 150.195 thẻ Bảo hiểm y tế cho đối tượng người có công và thân nhân của người có công; tổ chức đưa 1.817 lượt đối tượng đi điều dưỡng tập trung tại tỉnh Kiên Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng và thành phố Đà Nẵng; giải quyết 19.383 lượt đối tượng người có công được điều dưỡng tại gia đình và đưa người có công tiêu biểu tham dự Hội nghị biểu dương tại Hà Nội.

         Về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 63/NQ-CP, ngày 25/7/2017 của Chính phủ, kết quả đã xây dựng được 10.090/12.871 căn (trong đó xây mới 7.206 căn, sửa chữa 2,884 căn), đạt 78,39% kế hoạch. Ngoài ra, các địa phương còn vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, cùng với ngân sách tỉnh đã xây dựng và bàn giao 1.377 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách.

         Đặc biệt thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người có công bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/ỌĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 9.215 đối tượng, đạt 100% kế hoạch.

         Trong thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và thực hiện giám định ADN để xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin, Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đã xây dựng kế hoạch thực hiện lập bản đồ để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Công tác giám định ADN để xác định danh tính liệt sĩ đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp lấy mẫu 19 ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định danh tính liệt sĩ để giám định ADN. Kết quả có 03 trường hợp xác định được danh tính liệt sĩ.

         Hiện nay, toàn tỉnh có 09 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó, có 01 nghĩa trang cấp tỉnh, 07 nghĩa trang cấp huyện và 01 nghĩa trang cấp xã, với 11.601 mộ liệt sĩ được gìn giữ và bảo quản; xây dựng mới 97 nhà bia ghi tên liệt sĩ tại các xã, thị trấn; đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cải thiện nhà ở cho gia đình người có công, góp phần nâng ổn định cuộc sống cho các gia đình chính sách.

         Vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt được trên 11,5 tỷ đồng, đã chi hỗ trợ điều trị bệnh, xây mới và sửa chữa nhà ở cho các đối tượng chính sách, góp phần xóa nhà dột nát, tạo điều kiện cho các gia đình chính sách ổn định chỗ ở, an tâm lao động sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống.

         Thực hiện tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng, thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng theo đúng quy định. Thực hiện tốt việc phân công các cơ quan, đơn vị, địa phương nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đến cuối đời. Ngoài ra, nhân các ngày lễ, tết, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các cấp ủy, chính quyền thành lập các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà cho thương binh, bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.

         Nhìn chung, hiện nay, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được mở rộng, điều chỉnh đối tượng, bổ sung chế độ ưu đãi; quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công phù hợp với thực tiễn qua các thời kỳ cách mạng khác nhau không chỉ mang tính chính trị, kinh tế - xã hội mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nguyện vọng và trách nhiệm của toàn xã hội đối với người có công với cách mạng.

         Công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện tốt. Chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện đồng bộ. Việc giải quyết trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng được thực hiện đúng quy định, đầy đủ và kịp thời. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc giải quyết các chính sách tồn đọng sau chiến tranh. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách người có công được quan tâm thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của cơ sở, tạo được uy tín, niềm tin của người có công đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

         Để có những kết quả như trên, đó là sự cố gắng nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện chính sách người có công vẫn còn những hạn chế nhất định như: còn một số liệt sĩ chưa tìm được hài cốt; nhiều đối tượng chính sách còn khó khăn về nhà ở và mức sống của các gia đình chính sách tuy được cải thiện nhưng chưa ổn định; công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công với cách mạng ở cấp cơ sở chưa được thường xuyên, kịp thời; một số trường hợp người tham gia hoạt động kháng chiến chưa được xác nhận là người có công do không có các giấy tờ liên quan theo quy định; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở một số ít địa phương chưa gắn với việc giáo dục truyền thống, ý nghĩa của phong trào, còn nặng về hoạt động quyên góp, giúp đỡ vật chất.

         Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do chiến tranh qua đã lâu, điều kiện môi trường thay đổi, do đó còn một số liệt sĩ chưa tìm được hài cốt và một số đối tượng có tham gia hoạt động kháng chiến nhưng không còn lưu giữ các giấy tờ, hồ sơ có liên quan hoặc bị thất lạc... dẫn đến không còn giấy tờ gốc để chứng minh là người hoạt động cách mạng. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở có quan tâm đến người có công nhưng chưa thường xuyên, sâu sát trong việc tìm hiểu hoàn cảnh, điều kiện sống của người có công để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội ở cấp cơ sở có thay đổi nên công tác nghiên cứu, cập nhật văn bản về chế độ chính sách cho người có công với cách mạng chưa kịp thời; các chế độ, chính sách thường xuyên thay đổi, điều chỉnh, bổ sung.

         Để nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện công tác đối với người có công với cách mạng, góp phần ổn định và phát triển xã hội trong tình hình mới, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung sau:

         Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm lo người có công với cách mạng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nội dung tuyên truyền cần bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương, giải pháp của tỉnh như Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác người có công với cách mạng; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 9/12/2020, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, các chương trình, kế hoạch của tỉnh về thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp và tầng lớp nhân dân là cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ, bảo đảm và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, đặc biệt chú trọng tuyên truyền về ý chí tự lực vươn lên của bản thân những đối tượng được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, nhằm “động viên, hỗ trợ và khuyến khích nỗ lực vươn lên của các đối tượng thụ hưởng, khắc phục sự ỷ lại vào Nhà nước”. Trong công tác tuyên truyền cần kiên trì, bền bỉ, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tổ chức thực hiện, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp, cách thức tuyên truyền thông qua sách, báo, pa-nô, khẩu hiệu, tuyên truyền miệng, tuyên truyền lồng ghép qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…

         Thứ hai, các cấp ủy, chính quyền cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong tổ chức thực hiện công tác người có công với cách mạng. Như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội” . Do đó, để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đạt hiệu quả cao, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quán triệt, nắm vững các quan điểm, nguyên tắc, chỉ thị, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Trong đó quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực, huy động sự tham gia của toàn xã hội để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng để đến năm 2030 và những năm tiếp theo gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; hỗ trợ giải quyết cơ bản về nhà ở đối với người có công với cách mạng đang có khó khăn về nhà ở.

         Thứ ba, phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tham gia tuyên truyền, vận động, xã hội hóa có hiệu quả các nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có công. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, thực hiện đúng quy trình xét duyệt hồ sơ của các đối tượng. đặc biệt, tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Tòan dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; huy động các nguồn lực xã hội, phát huy sức mạnh của cộng đồng và bản thân, gia đình người có công. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự đóng góp hỗ trợ của cộng đồng xã hội để thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Các ngành, các cấp, mặt trận và các hội đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh cần có nhiều chương trình hoạt động tình nghĩa, thiết thực, tăng cường sự quan tâm giúp đỡ về vật chất, động viên về tinh thần, giúp đỡ các gia đình chính sách gặp hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, nhằm phát huy sự nỗ lực vươn lên của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công trong giai đoạn hiện nay. Đẩy mạnh  hơn nữa công tác vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn tỉnh để tu bổ, xây dựng các công trình đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ cải thiện nhà ở, hỗ trợ người có công, hoặc thân nhân của họ khi khó khăn, ốm đau, hoạn nạn; động viên thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng phát huy truyền thông cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, gương mẫu vươn lên vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.

         Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Có kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ làm công tác chính sách. Bản thân cán bộ làm công tác chính sách cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thực hiện tốt bổn phận, trách nhiệm, tình cảm đối với những người có công. Xây dựng phương pháp, tác phong làm việc khoa học, trách nhiệm, nhiệt tình, chu đáo, chân thành, cởi mở, khiêm tốn, thận trọng, kiên trì, tận tụy, khách quan, thấu tình đạt lý khi tiếp xúc với nhân dân. Tích cực nghiên cứu, nắm vững quan điểm, nguyên tắc, chế độ, chính sách, sâu sát cơ sở để vận dụng vào thực tiễn một cách sáng tạo, hiệu quả.

         Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về mục đích, ý nghĩa, giá trị to lớn, ý nghĩa nhân văn của việc chăm lo cho người có công với cách mạng; giải quyết kịp thời đơn thư, kiến nghị của công dân về chính sách người có công.

         Chính sách người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tôn vinh và tri ân, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với cống hiến của những người có công với cách mạng. Trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách đối với người có công ở Trà Vinh đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Có thể nói, những kết quả trên là tiền đề giúp tỉnh vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng. Vì chính sách đối với người có công với cách mạng không chỉ ghi nhận lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, cộng đồng và xã hội với người có công mà còn thể hiện tinh thần nhân văn cao cả của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng, góp phần ổn định chính trị - xã hội, giữ vững thể chế, tạo điều kiện cho phát triển đất nước trong thế ổn định, bền vững của hiện tại và tương lai./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội.

         2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, 2011.

         3. Tỉnh ủy Trà Vinh (2020) Báo cáo số 684-BC/TU, ngày 28/7/ 2020, của BTV Tỉnh ủy sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của BBT về “tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”.

         4. Tỉnh ủy Trà Vinh (2022) Báo cáo số 232-BC/TU, ngày 10/5/2022 của BTV Tỉnh ủy  tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 36
  • Hôm nay: 512
  • Trong tuần: 12 924
  • Tất cả: 547650
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này