Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong giai đoạn hiện nay

ThS. Lâm Thị Thanh Nga
                                                               Khoa Xây dựng Đảng  

         Hòa giải ở cơ sở là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, là hoạt động mang tính tự nguyện, tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Hoạt động hòa giải ở cơ sở về bản chất là hướng dẫn, dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước và lợi ích công cộng. Công tác hòa giải ở cơ sở được quy định cụ thể trong Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của Bộ Tư pháp; Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 09/01/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh như: Chi thù lao cho hòa giải viên ở cơ sở trực tiếp tham gia các vụ việc hòa giải, chi hỗ trợ mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của Tổ hòa giải và khen thưởng cho cá nhận, tập thể có thành tích xuất sắc về hòa giải ở cơ sở; Quyết định số 748/QĐ-UBND ngày 12/5/2017 của UBND tỉnh ban hành “Quy chế phối hợp trong việc quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh”; Quyết định số 1502/QĐ- UBND ngày 08/8/2019 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” và một số văn bản khác liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở; Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021; Ủy Ban nhân dân tỉnh và Sở Tư pháp hàng năm, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai thực tốt hơn đến các tổ hòa giải ở cơ sở đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua đúng quy định pháp luật. Đối với thể chế chính sách về công tác hòa giải ở cơ sở và chế độ hòa giải viên ở cơ sở cũng được quan tâm đúng mức điều đó đã được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 100/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp và được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 09/01/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Các chế độ chi thù lao cho hòa giải viên trực tiếp tham gia các vụ, việc hòa giải thành và không thành; chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải như văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hòa giải, bồi dưỡng thành viên Ban tổ chức bầu hòa giải viên tham gia họp chuẩn bị cho việc bầu hòa giải viên, tiền nước uống cho người tham dự cuộc họp bầu hòa giải viên… Các chính sách liên quan tới hòa giải ở cơ sở nêu trên đã tạo môi trường thuận lợi cho chính quyền địa phương nói chung và hòa giải viên ở cơ sở nói riêng thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở. Từ đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở góp phần tích cực trong việc giảm áp lực cho các cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại vượt cấp, kéo dài, đồng thời thông qua đó để phổ biến pháp luật cho cộng đồng dân cư đã góp phần quan trọng phòng ngừa, không để phát sinh tội phạm, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.

         Trong thời gian qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, đội ngũ hòa giải viên luôn nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm và tự nguyện. Hoạt động hoà giải đã từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày một đi vào nền nếp; trong từng năm, đã chú trọng huy động được sự tham gia của những người có uy tín, kinh nghiệm, kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải:

         Năm 2020, các tổ hòa giải ở cơ sở cũng đã tiếp nhận được trên 809 vụ việc, đưa ra hòa giải 764 vụ việc, trong đó có 572 vụ việc hòa giải thành, chiếm trên 76% tổng số vụ việc tiếp nhận. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 798 tổ hòa giải ở cơ sở với gần 6.200 hòa giải viên ở cơ sở và trong quá trình hòa giải, các hòa giải viên ở cơ sở đã áp dụng, vận dụng kiến thức pháp luật cũng như phong tục tập quán, quy ước, hương ước của địa phương để giải thích, thuyết phục và hướng dẫn các bên tham gia hòa giải hiểu được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình theo qui định pháp luật để họ tự lựa chọn, thỏa thuận, dàn xếp với nhau về những mâu thuẫn, tranh chấp. Đồng thời, thông qua hòa giải cũng góp phần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống.

         Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nên hoạt động hoà giải ở cơ sở đã được củng cố về tổ chức và hoạt động, trình tự thủ tục bầu tổ trưởng và thành viên tổ hòa giải được thực hiện theo quy định của Luật. Công tác tổ chức tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên từng bước được chú trọng,….

         Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì việc triển khai thi hành hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn còn một tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục như: Một số nơi việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của các Tổ hòa giải tiến hành còn chậm; hoạt động hoà giải chưa đồng đều, một số nơi còn mang tính hình thức; năng lực hòa giải viên một số nơi nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến kết quả hòa giải thành ở một số địa phương; một số vụ việc quá trình hoà giải chưa giải quyết triệt để mâu thuẫn dẫn đến tình trạng mâu thuẫn kéo dài và phải chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng hoặc thủ tục hành chính; sự phối hợp giữa cơ quan Tư pháp các cấp và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp trong xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức các Tổ hòa giải ở cơ sở, trong theo dõi hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở, trong động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia xây dựng củng cố tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng như gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với việc xây dựng và thực hiện các phong trào quần chúng ở địa phương chưa thường xuyên; kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải còn hạn chế v.v…

         Để khắc phục hạn chế trên đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, tôi xin kiến nghị những giải pháp sau đây:

         Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước để không ngừng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân đối với vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở.

         Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và vai trò của Mặt trận TQVN và các tổ chức thành viên các cấp đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Là một tổ chức quần chúng trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, Tổ hoà giải không thể đứng ngoài sự lãnh đạo của Đảng, không thể thiếu vai trò quản lý của Nhà nước và sự tham gia của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể xã hội trong hoạt động hoà giải. Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên thường xuyên phối hợp chặt chẽ và phối hợp thực hiện tốt những quy định của pháp luật về hòa giải nhằm tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Nhân dân với Nhân dân, giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

         Thứ ba, tiếp tục củng cố, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên; chuẩn hóa các tiêu chuẩn, điều kiện để được công nhận là hòa giải viên; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở theo Đề án “nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở” được phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện để tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở; tổ chức các diễn đàn giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm... cho hòa giải viên ở cơ sở hàng năm; chủ động lựa chọn một số đơn vị cấp xã để chỉ đạo điểm, ưu tiên chọn các xã chưa đạt tiêu chí về hòa giải ở cơ sở khi đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hỗ trợ nguồn lực thực hiện hòa giải các vụ việc phức tạp, tranh chấp giá trị tài sản lớn, tranh chấp đất đai và các trường hợp vi phạm pháp luật nhưng được miễn trách nhiệm hình sự do người bị hại tự nguyện hòa giải theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015…

         Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là trong việc phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên cùng cấp của Mặt trận để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

Thứ năm, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo; công tác thanh tra, kiểm tra; sơ kết, tổng kết và khen thưởng đối với công tác hòa giải ở cơ sở.Qua đó giúp ngành Tư pháp chủ động nắm bắt được thông tin về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở một cách sát thực để đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động sát thực, biết được cách làm hay, những nơi hoạt động có hiệu quả để nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết công tác hoà giải ở cơ sở để kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong hoạt động hoà giải ở cơ sở.

         Thứ sáu, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo khả thi. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật hòa giải ở cơ sở để hoạt động hòa giải ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

         Thứ bảy, kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với hoàn thiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư;  phong trào xây dựng nông thôn và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở. Thực hiện tốt giải pháp này là cơ sở quan trọng để góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở địa phương, hạn chế các vụ việc tiêu cực và các xích mích trong cộng đồng dân cư

         Thứ tám, cần trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cơ quan quản lý nhà nước và hòa giải viên. Tạo điều kiện cho các hòa giải viên trong việc tiếp cận thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, UBND các cấp quan tâm bảo đảm kinh phí hoạt động cho công tác hòa giải ở cơ sở; giải quyết kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ cho hoà giải viên và kinh phí cho hoạt động hoà giải để động viên những người làm công tác hòa giải, qua đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

         Tóm lại, Có thể thấy rằng, Hoạt động hòa giải ở cơ sở có vai trò to lớn trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật và là kênh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho mọi tầng lớp nhân dân. Do đó, để công tác hòa giải cơ sở đạt kết quả tốt, thì phải có sự quan tâm, lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp, chú trọng giới thiệu những người có đủ trình độ, năng lực, uy tín vào các tổ hòa giải ở cơ sở; tạo điều kiện cho hòa giải viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải; đội ngũ cán bộ tư pháp ở địa phương cần phát huy vai trò chủ động tham mưu trong quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở; các tổ hòa giải và hòa giải viên tích cực, chủ động tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải; tiếp tục phát huy vai trò của hương ước, quy ước đối với công tác hòa giải ở cơ sở phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo khả thi; đầu tư kinh phí thỏa đáng cho các vụ hòa giải thành… Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng hoạt động công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần quan trọng đảm bảo trật tự an toàn xã hội./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1. Báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan có thẩm quyền về các vụ, việc theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật Hòa giải ở cơ sở;

         2. Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN trong trường hợp bầu tổ trưởng tổ hòa giải viên bằng hình thức biểu quyết công khai; Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN;

          3. Điều 17 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải;

         4. Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở;

         5. Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở.

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 646
  • Trong tuần: 5 449
  • Tất cả: 584494
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này