MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CÔNG TÁC DẠY - HỌC TRỰC TUYẾN TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH

                   ThS. Đặng Văn Amel         
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

         Trước tình hình diễn biến phức tạp bởi dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo các trường chính trị cấp tỉnh trong việc tổ chức, thực hiện công tác giảng dạy. Trong đó, hình thức dạy và học trực tuyến đã được đề cập. Trước thực trạng đó, trong thời gian vừa qua trường chính trị tỉnh Trà Vinh đã tổ chức thực hiện dạy và học bằng hình thức trực tuyến, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trê địa bàn tỉnh.

         Trên cơ sở quán triệt Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư về “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới” đã đặt ra yêu cầu phương pháp giảng dạy lý luận chính trị gắn với việc ứng dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại. Do tình hình dịch bệnh Covid-19, ngày 22 tháng 4 năm 2021, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 1604-QĐ/HVCTQG “về ban hành Quy định về tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo trực tuyến tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”. Thông qua đó, việc dạy và học bằng hình thức trực tuyến được xem là giải pháp hiệu quả nhằm ứng phó trước tình hình dịch bệnh Covid-19 và đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy trong thời đại 4.0.

         Trước nguy cơ bùng phát trở lại của dịch bệnh Covid-19, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh nguyên nhân tổ chức hình thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến là nhằm đảm bảo trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đồng thời đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch ban đầu đã được phê duyệt. Trên cơ sở đó, ngày 13 tháng 5 năm 2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Công văn số 494-CV/HVCTQG ngày 13 tháng 5 năm 2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về “Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các trường chính trị cấp tỉnh”. Trên cơ sở đó, căn cứ vào thông báo số 315-TB/VPTU ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Văn phòng Tỉnh ủy Trà Vinh về việc “thông báo chấp thuận của Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh về tổ chức dạy và học trực tuyến tại Trường Chinh1 trị tỉnh Trà Vinh trong tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát hiện nay”.

         Căn cứ vào Chỉ thị số 10/CT-UNND, ngày 01/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc tiếp tục và tăng cường thực hiện Chỉ thị 09/CT-UBND, ngày 18/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covd-19 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh đã ban hành kế hoạch tổ chức dạy và học trực tuyến đối với các lớp chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Tại Công văn số 494-CV/HVCTQG, ngày 13 tháng 5 năm 2021 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về “Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các trường chính trị cấp tỉnh” có nêu: “Các trường báo cáo xin ý kiến tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương triển khai tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến; chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến khi được tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đồng ý. Sau khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19, các trường không áp dụng hình thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến”. Qua đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại các trường chính trị các tỉnh nói chung và trường chính trị tỉnh Trà Vinh nói riêng đối với hình thức dạy và học trực tuyến trong tình hình hiện nay chỉ mang tính chất áp dụng trong điều kiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của từng địa phương.

         Để góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy bằng hình thức trực tuyến, Công văn số 494-CV/HVCTQG, ngày 13 tháng 5 năm 2021 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về “Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các trường chính trị cấp tỉnh” đã nêu cụ thể một số yêu cầu cơ bản như: việc tổ chức giảng dạy trực tuyến phải đảm bảo nội dung, chương trình đào tạo, đảm bảo về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; thời lượng giảng dạy các phần học phải đảm bảo thực hiện đúng theo Quy chế quản lý đào tạo; phải có cơ chế tổ chức và quản lý đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến;… Trong đó, công tác đánh giá và công nhận kết quả học tập trực tuyến đối với học viên cũng có sự điều chỉnh. Cụ thể, đối với công tác thi, kiểm tra kết thúc học phần: chuyển sang hình thức viết thu hoạch hoặc tiểu luận; đối với việc thi tốt nghiệp: chuyển sang hình thức viết khóa luận tốt nghiệp.

         Trên tinh thần quán triệt công tác chỉ đạo từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và được sự chấp thuận của Tỉnh ủy, Trường chính trị tỉnh Trà Vinh đưa hình thức giảng dạy trực tuyến vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, thực hiện hình thức giảng dạy trực tuyến, cần đặc biệt quan tâm một số nội dung sau:

         Thứ nhất, về phương diện cơ sở vật chất - kỹ thuật. Dạy và học bằng hình thức trực tuyến yêu cầu phải đảm bảo về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật - công nghệ,…cho cả người dạy và người học. Hơn nữa, đối với chương trình đào tạo các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính trong các phần học có nội dung thảo luận, đòi hỏi có sự tương tác hai chiều giữa giảng viên và học viên. Từ đó, nếu như hệ thống phương tiện, thiết bị kỹ thuật - công nghệ…không được đảm bảo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo.

         Thứ hai, về yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên. Đối với người giàng viên, trong quá trình tham gia giảng dạy trực tuyến ngoài năng lực chuyên môn, yếu tố về khả năng sử dụng các phần mềm giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng, thiết kế bài giảng, thuần thục các công cụ bổ trợ trong quá trình giảng dạy, kỹ năng kiểm soát thời gian trên lớp,…Trong đó, việc tiết chế giọng nói được xem là một trong những yếu tố quan trọng, nhằm đảm bảo sự hứng thú của học viên trong quá trình tham gia lớp học.

         Thứ ba, về yêu cầu đối với người học. Bên cạnh tính tiện lợi, tiện ích của hình thức dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, hình thức này cũng tồn tại một số hạn chế nhất định. Cụ thể, đối tượng tham gia các lớp trung cấp lý luận chính trị có tuổi đời không giống nhau.Từ đó sẽ ảnh hưởng nhất định đến khả năng sử dụng phần mền trực tuyến. Ngoài ra, việc tham gia học trực tuyến sẽ tác động đến chất lượng trong các buổi thảo luận, tra đổi và tốc độ đường truyền luôn là yếu tố đặc biệt được quan tâm.

         Để góp phần nâng cao chất lượng hình thức dạy và học trực tuyến cần quan tâm thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

         Một là, về ý thức của người học. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc học lý luận chính trị gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII với việc tự học, tự nghiên cứu về lý luận chính trị, tạo nên ý thức tự giác của người học. Ngoài ra, đối với hình thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến việc quản lý đối tượng người học luôn là vấn đề được quan tâm. Từ đó, ngoài ý thức của người học cần phải nâng cao công tác phối hợp giữa giảng viên lên lớp với chủ nhiệm và ban cán sự lớp.

         Hai là, yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên. Bên cạnh đảm bảo các kỹ năng sử dụng phần mềm khi tham gia giảng dạy và một số kỹ năng như: tiết chế giọng nói, cách bao quát lớp học, thủ thuật thiết kế slide bài giảng thu hút, dễ hiểu…thì nội dung trình bày trên lớp sẽ đóng vai trò quan trọng. Trên cơ sở đó, việc thông qua giáo án của giảng viên nhằm mục đích khẳng định tính đúng đắn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là yêu cầu cần thiết.

         Trong quá trình diễn ra lớp học trực tuyến chính là khoảng thời gian giảng viên và học viên phải tiếp xúc trực tiếp với các thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại, tai nghe). Từ đó, người giảng viên có thể phân bổ thời gian học hợp lý nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả người dạy và người học.

         Ba là, về hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật. Chất lượng phương tiện, thiết bị kỹ thuật - công nghệ… sẽ là yếu tố quyết định đến chất lượng buổi học, chương trình học đối với hình thức dạy và học trực tuyến. Nhà trường cần đào tạo đội ngũ nhân viên sử dụng thành thạo công nghệ thông tin nhằm góp phần hỗ trợ giảng viên khi gặp những sự cố ngoài ý muốn. Tăng cường mở các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng sử dụng phần mềm giảng dạy trực tuyến, bên cạnh đó cần thống nhất việc sử dụng phần mềm chung cho tất cả giảng viên khung trường.

         Bốn là, về quy chế đào tạo đối với hình thức dạy và học trực tuyến. Quy chế đào tạo cần được bổ sung, xây dựng đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho từng chủ thể (lãnh đạo, quản lý, giảng viên, chuyên viên…) khi tham gia tổ chức giảng dạy trực tuyến. Quy chế về học viên cần được xây dựng, hoàn thiện nhằm đảm bảo về thời gian tham gia lớp học, quản lý học viên, thi hết môn, thi tốt nghiệp./.

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 243
  • Trong tuần: 5 233
  • Tất cả: 584931
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này