QUỐC HỘI KHÓA I - ĐẶT NỀN MÓNG CHO HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT, CHẤT VẤN CỦA QUỐC HỘI

ThS. Phạm Thị Kiều 
                                                                                   Khoa Xây dựng Đảng

         Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp và quan trọng của Quốc hội, đồng thời là quyền quan trọng của đại biểu Quốc hội được Hiến pháp quy định. Chất vấn là “làm rõ vấn đề” mà đại biểu dân cử và cử tri quan tâm. Chất vấn đạt được mục đích sẽ góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu chung trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri. Với ý nghĩa như vậy, chất vấn ngày càng trở thành công cụ đắc lực trong hoạt động giám sát của Quốc hội nói riêng và hoạt động Quốc hội nói chung. 

 
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam 

Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội  
(Ảnh: hochiminh.vn)

         Hội trường chính của tòa nhà Quốc hội mới hiện nay mang tên Diên Hồng nhưng cái khí chất ấy đã định hình từ lâu. Khi nghiên cứu lịch sử Quốc hội, chúng ta thấy hoạt động giám sát, chất vấn có từ ngày khai sinh Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng hoạt động chất vấn nghị trường

         Quốc hội khóa 1 nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được bầu ra trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc ngày 6-1-1946. Kể từ ngày 2-9-1945 khi Chính phủ cách mạng lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào, sau đó là sự ra đời của Chính phủ Liên hiệp Việt Nam lâm thời ngày 01 tháng 01 năm 1946, thì Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam được thành lập ngày 2 tháng 3 năm 1946  là chính phủ đầu tiên được quốc hội đại diện cho toàn dân bầu ra.

         Lịch sử đã chứng minh rằng tình hình Việt Nam sau cuộc bầu cử quốc hội khóa 1 năm 1946 là “ngàn cân treo sợi tóc” với thù trong, giặc ngoài. Miền Nam, thực dân Pháp đã chiếm phần lớn Nam Bộ và Tây Nguyên. Ở Miền Bắc, thực dân Pháp chiếm nhiều nơi ở Tây Bắc. Cùng lúc ấy, Việt Nam Quốc dân đảng thừa “nước đục thả câu” gây sức ép với chính quyền cách mạng. Đặc biệt, trên cơ quan ngôn luận của mình, Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội đưa danh sách những người đã tham gia nội các Trần Trọng Kim trước đó để đề nghị quốc hội chọn họ vào Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng của chính phủ mới trước khi quốc hội họp.

         Kỳ họp lần thứ nhất của Quốc Hội khoá I đã được triệu tập trong bối cảnh “nước sôi, lửa bỏng” ấy. Chính phủ khi ấy chưa phải Chính phủ do Quốc hội khóa 1 bầu ra, nên mãi đến kỳ họp thứ 2 quốc hội khóa 1 khai mạc ngày 23 tháng 10 năm 1946 vấn đề chất vấn mới thực hiện và được diễn ra sôi nổi, quyết liệt, thẳng thắn. Có 88 câu hỏi chất vấn đã được các đại biểu quốc hội nêu ra trên tinh thần dân chủ, cởi mở và minh bạch.

         Trưởng ban Thường trực Quốc hội là cụ Nguyễn Văn Tố đã đứng trên trả lời chất vấn. Các thành viên Chính phủ khác như Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng; Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Trần Đăng Khoa (Đảng Dân chủ); Bộ trưởng Bộ Kinh tế Chu Bá Phượng (việt Quốc); Chủ tịch Ủy viên quân sự hội Võ Nguyên Giáp (Việt Minh); Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe (Đảng Dân chủ); Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến (Việt Minh) và cả Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời chất vấn.

         Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đã trả lời chất vấn. Trong đó, cụ Nguyễn Văn Tố trả lời một vấn đề của đại biểu Lê Trọng Nghĩa đặt ra: “Tại sao Quốc hội lại phải nói đến việc thay đổi lá cờ của nước ta, vì Nghị quyết của kỳ họp thứ nhất có nói giữ lá cờ nền đỏ sao vàng sao giờ đưa ra vấn đề này”? Cụ Nguyễn Văn Tố khi trả lời nói rằng, về nguyên tắc Chính phủ đệ trình thì Ban Thường trực phải trình ra Quốc hội.

         Sau khi các Bộ trưởng đã trả lời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ trả lời những vấn đề còn chưa rõ. Về vấn đề quốc kỳ Bác nói: Bên Chính phủ có 1-2 người đề nghị trình ra Quốc hội thay đổi một số chi tiết trên lá cờ như sao vàng có nền xanh cho nổi lá cờ lên. Sau đó Bác kết luận rằng: “Lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu của chiến sĩ Việt Nam ở Nam Bộ, ở Nam Trung Bộ, đã đi từ Á sang Âu, lại từ Ấu sang Á. Tới đâu cũng được kính cẩn. Bây giờ trừ khi cả 25 triệu đồng bào yêu cầu còn không có ai có quyền gì được thay đổi lá cờ”.

         Trước Quốc hội, Bác đã trả lời nhiều vấn đề về ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, nhưng riêng chuyện liêm khiết chống tham nhũng, Bác nói kỹ hơn và nhấn mạnh, trong đó có liên quan đến vấn đề có Bộ trưởng trong Chính phủ lợi dụng chức vụ để buôn lậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói kỹ và nhấn mạnh: “Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở Ủy ban hiện đông và phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ cũng hết sức làm gương và nêu gương. Nếu làm gương không xong thì dùng pháp luật để trị những kẻ ăn hối lộ, đã trị, đương trị và trị cho kỳ hết”. Đặc biệt, có những chất vấn phải nói là vô cùng “gai góc” nhưng Hồ Chủ Tịch đã giải đáp thỏa đáng. Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Huy Liệu (đại biểu tỉnh Nam Định) về việc Tạm ước 14-9 là “bất bình đẳng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích: “Chính phủ không dám nhận như thế. Với bản Tạm ước ấy mỗi bên nhân nhượng một ít, ta bảo đảm những quyền lợi kinh tế và văn hóa ở đây thì Pháp cũng phải thi hành tự do dân chủ ở Nam bộ, thả các nhà ái quốc bị bắt bớ. Còn nói Pháp không thành thật thi hành Tạm ước thì ta vơ đũa cả nắm. Pháp cũng có người tốt, người xấu. Tôi có thể nói quyết rằng nhân dân Pháp bây giờ đại đa số tán thành ta độc lập và thống nhất...”.

         Đánh giá về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 quốc hội khóa 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính phủ hiện giờ thành lập mới hơn một năm, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn 8 tháng, lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, thắc mắc khó trả lời, đề cập đến tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mạng của nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập".

         Trong phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 2 quốc hội khóa 1 ngày 9-11-1946, Trưởng đoàn Chủ tịch quốc hội Tôn Đức Thắng khẳng định: “Chúng ta đã chất vấn chính phủ. Các ngài chắc cũng như chúng tôi sẽ không bao giờ quên được cái cảnh tượng đã diễn ra trong phòng này đêm hôm 31-10, cảnh tượng chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam, một cảnh tượng chỉ có một cuộc cách mạng quét sạch hết bóng tối cũ của chế độ thực dân và phong kiến chuyên chế mới đưa tới được nhân dân trong nước bằng miệng các người thay mặt đã tự do đứng trên diễn đàn này lên tiếng đòi hỏi chính phủ phải trả lời về những công việc nội chính và ngoại giao đã làm. Cái quyền tự do ấy, dân tộc chúng ta đã phải mua đắt bằng xương máu của bao nhiêu cuộc tranh đấu, nên chúng ta nhất định thi hành nó một cách nghiêm minh”.

         Kể từ kỳ bầu cử Quốc hội khóa 1 năm 1946 đến nay đã tròn 75 năm. Nhân dân Việt Nam chuẩn bị cho một kỳ bầu cử mới. Nhìn lại những diễn biến và sự kiện xung quanh Quốc hội khóa I không thể không khâm phục thiên tài lãnh đạo và đức hy sinh của Hồ Chí Minh với đất nước và dân tộc. Trong thời gian qua, Quốc hội đã có những cải tiến, đổi mới trong hoạt động chất vấn thật sự là một bước tiến dài của đất nước trên con đường dân chủ và đổi mới, nhất là từ khi hoạt động chất vấn tại nghị trường được truyền hình, phát thanh trực tiếp, lĩnh vực này trở thành “món ăn tinh thần” thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri, Nhân dân.

         Có thể nói, đổi mới hoạt động của Quốc hội nói chung và đổi mới trong hoạt động chất vấn nói riêng là một tiến trình lâu dài, kế thừa và sáng tạo. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và mong mỏi của cử tri, hướng tới một Quốc hội chuyên trách, chuyên nghiệp, việc tiếp tục nghiên cứu cải tiến hoạt động chất vấn trong thời gian tới là rất có ý nghĩa bởi đây là một kênh giám sát quan trọng. Bên cạnh mục tiêu tăng cường trách nhiệm giải trình, hiệu quả quản lý nhà nước thì việc thúc đẩy hoàn thiện thể chế, chính sách cũng là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến của hoạt động chất vấn. Chúng ta tin tưởng rằng, với truyền thống và kinh nghiệm tích lũy 75 năm qua, với ý thức trách nhiệm trước nhân dân và tiền đồ của đất nước, với phương châm đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, nhất định Quốc hội nước ta sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 25
  • Hôm nay: 466
  • Trong tuần: 5 269
  • Tất cả: 584314
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này