MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC KHMER TỈNH TRÀ VINH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

ThS. Nguyễn Thanh Mộng   
                                                                      Khoa Nhà Nước và Pháp Luật

         Trà Vinh là tỉnh  nằm ở Hạ lưu sông Mê Kông được bao bọc bởi sông tiền và sông Hậu, phía bắc giáp Bến Tre và Vĩnh Long, phía tây và tây nam giáp sóc Trăng, phía đông giáp biển Đông, bờ biển dài 65km. Có diện tích tự nhiên 2.341 km2, có 07 huyện, 01 thành phố và 01 thị xã; 106 xã, phường, thị trấn. Dân số 1,1 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc Khmer 318.231 người, chiếm tỉ lệ 31,53%, dân tộc Hoa 6.632 người, chiếm 0,65% và 484 người là dân tộc thiểu số khác. Các dân tộc sống đang xen, đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

         Thời gian qua, Cấp ủy và chính quyền các cấp luôn tạo mọi điều kiện để đồng bào và chư tăng Khmer giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ tốt cho nhu cầu vui chơi, giải trí của Nhân dân; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, kiểm tra công nhận 106 “ấp khóm văn hóa”; 14 xã đạt chuẩn “Văn hóa nông thôn mới”; 06 phường, thị trấn “Văn minh đô thị”; 30 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn “Văn hóa”. Tổ chức 03 sự kiện văn hóa gắn với hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại - du lịch và vận động quỹ “An sinh xã hội”. Lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xếp hạng 03 di tích cấp tỉnh .

         Tỉnh Trà vinh cử các đội tuyển và Năng khiếu tham dự giải vô địch toàn quốc và quốc tế. Đăng cai tổ chức 03 giải thể thao ; tổ chức 10 giải thể thao phong trào mừng Đảng - Mừng Xuân Canh Tý năm 2020 gắn với kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Trà Vinh, chào mừng kỷ niệm 74 năm Ngày thể thao Việt Nam 27/3/2020, giải thể thao và trò chơi dân gian tại Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2020.

         Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn , thách thức trong phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Khmer Trà Vinh. Nguyên do là những tác động của sự giao lưu, tiếp biến văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Khmer bị ảnh hưởng, theo thời gian nhiều loại hình có sự giản lược bớt. Do vậy, để phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

         Thứ nhất, khuyến khích thế hệ trẻ là đồng bào dân tộc Khmer học tiếng mẹ đẻ, chữ viết của dân tộc mình; mặt khác, cán bộ thực hiện chính sách dân tộc cũng phải học hỏi, hiểu biết được chữ viết, tiếng nói của đồng bào dân tộc, xem đây như là tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực công tác của cán bộ thực hiện chính sách dân tộc. Nghiên cứu và hoàn chỉnh bộ chữ viết đồng bào dân tộc Khmer, có thể đưa vào dạy song ngữ. Tiếp tục phát triển các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Khmer để người dân nghe và tiếp thu được các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm để đồng bào áp dụng vào sản xuất, đồng thời nâng cao và mở mang kiến thức cho người dân là đồng bào dân tộc.

         Thứ hai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong đồng bào dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Trà Vinh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh; kịp thời biểu dương những gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước các địa phương và trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

         Thứ ba, kế thừa các giá trị tinh thần truyền thống, các di sản văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, lấy đó làm cơ sở tinh thần để họ lựa chọn các giá trị mới của thời đại. Tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại với phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Biến cái “ngoại sinh” thành cái “nội sinh” qua màng lọc văn hóa dân tộc để đổi mới bản sắc văn hóa dân tộc. Chủ động chống lại những ảnh hưởng tiêu cực phản động của văn hóa ngoại lai. Bù đắp sự thiếu hụt của các giá trị văn hóa truyền thống tạo ra những giá trị mới để làm giàu thêm bản sắc, hiện đại hóa bản sắc dân tộc, cùng với quá trình CNH, HĐH đất nước.

         Thứ tư, thực hiện chính sách phát triển văn hóa gắn với bảo vệ môi trường của đồng bào dân tộc Khmer như các tri thức dân gian về môi trường và tài nguyên; các luật tục quy định các nếp sống của cộng đồng liên quan đến bảo vệ môi trường. Tiếp tục duy trì và có những cơ chế chính sách đầu tư hợp lý cho các công trình nghiên cứu văn hóa tộc người của tỉnh. Sưu tầm một cách có hệ thống kho tàng tri thức dân gian, các nhạc cụ, lễ hội truyền thống đặc sắc của tất cả các đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh (vì hiện nay chỉ mới có văn hóa Khmer được nghiên cứu và sưu tầm một cách có hệ thống). Đồng thời, đẩy mạnh việc nghiên cứu, đánh giá các giá trị văn hóa dân tộc, để khẳng định những giá trị cần giữ gìn và phát huy, các yếu tố lạc hậu cần loại bỏ.

         Thứ năm, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống mới khu dân cư, xóa bỏ dần những hủ tục, tệ nạn xã hội trong nhân dân. Phục hồi những luật tục, hương ước trên tinh thần đổi mới, nhằm kết hợp chặt chẽ giữa luật tục và luật pháp, nâng cao ý thức pháp luật và tăng cường quản lý xã hội, bảo vệ môi trường ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. Phát triển và xây dựng nhiều hơn nữa làng văn hóa, gia đình văn hóa, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Thường xuyên tổ chức ngày hội thể dục thể thao trong khu vực đồng bào dân tộc Khmer .

         Thứ sáu, mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong tỉnh, với các dân tộc của các tỉnh khác, nhất là giao lưu văn hóa giữa các dân tộc của các tỉnh bạn lân cận. Một mặt làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer. Mặt khác, tạo sự giao lưu học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm sản xuất, hoạt động văn hóa, nếp sống văn hóa tiến bộ.

         Thứ bảy, phát huy vai trò của sư sãi, người có uy tín và các nghệ nhân trong việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, vì chính họ sẽ giúp cho lớp trẻ nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và giá trị của các di sản văn hóa truyền thống. Đồng thời có cơ chế chính sách hợp lý với người nghệ nhân am hiểu sâu sắc nghệ thuật truyền thống dân tộc và nhanh chóng đào tạo lớp văn nghệ sĩ mới để tiếp tục kế thừa và phát triển nghệ thuật truyền thống.

         Ngày nay, văn hóa có vai trò, vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, trong CNH, HĐH đất nước, trong đó có văn hóa truyền thống của các DTTS. Vì vậy, phải có cơ chế chính sách bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer. Củng cố và xây dựng thiết chế văn hóa, nhất là thiết chế thông tin cơ sở, xây dựng nhà văn hóa. Đảm bảo cho tất cả các xã đặc biệt khó khăn có trạm truyền thanh, truyền hình, tăng thời lượng và nâng cấp chất lượng phát sóng truyền thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc. Đẩy mạnh các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, tổ chức các lễ hội, tăng cường giao lưu văn hóa các dân tộc trong tỉnh và cả nước./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 2011
  • Trong tuần: 12 234
  • Tất cả: 562964
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này