CƠ SỞ HOẠCH ĐỊNH ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

          Từ năm 1979,  tình hình kinh tế chính trị Việt Nam lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Nông nghiệp tăng bình quân 1,9%/năm;  công nghiệp tăng bình quân 0,6%/năm; thu nhập quốc dân tăng bình quân 0,4%/năm. Cũng trong năm 1979, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương thực hiện những khảo nghiệm tìm tòi, cơ sở để đổi mới. Từ 1979 đến 1986 Đảng đã chủ trương thực hiện ba bước đột phá chiến lược. Tuy nhiên, tình trạng khủng hoảng ngày càng tăng (lạm phát 774,7%), đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, đảng chủ trương thực hiện đổi mới toàn diện đất nước

          Để có thể hoạch định đường lối đổi mới cho đất nước, Đảng đã dựa vào cơ sở lý luận và thực tiễn như sau:

          1. Cơ sở lý luận

          Cơ sở lý luận của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội.

          C.Mác xác định xã hội loài người đã và sẽ tuần tự trải qua 5 hình thái kinh tế - xã hội và “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia”. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một quá trình lịch sử rất dài với những nhiệm vụ, mục tiêu khác nhau tại những quốc gia khác nhau. Thời kỳ này ở các nước có trình độ phát triển kinh tế xã hội khác nhau có thể diễn ra với những khoảng thời gian dài ngắn khác nhau. Thời kỳ quá độ khi tiến lên xã hội chủ nghĩa sẽ tương đối ngắn sẽ đối với những quốc gia đã trải qua chủ nghĩa tư bản phát triển ở trình độ cao. Những nước trải qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản ở trình độ trung bình, những nước có nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu thời gian sẽ tương đối dài. Đây sẽ là thời kỳ cải biến cách mạng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

          Theo V.I.Lênin,“Về lý luận, không thể nghi ngờ gì được rằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, có một thời kỳ quá độ nhất định”. Đây là thời kỳ cải biến cách mạng sâu sắc, triệt để, toàn diện, từ xã hội cũ sang xã hội mới. Bên cạnh đó, Lênin đã có nhiều bước đột phá về lý luận, chỉ rõ tính chất của thời kỳ quá độ, đề xuất và yêu cầu phải đổi mới căn bản tư duy về chủ nghĩa xã hội. Lênin đã mở ra hướng đi mới, con đường mới, cách làm mới rất hiện thực cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đối với các nước chậm phát triển.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”. Nước Việt Nam quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa từ một nền nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ,lẻ, manh mún. Vì vậy chủ tịch Hồ Chí Minh Khẳng Định: “Trong những điều kiện như thế, chúng ta phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi theo tốc độ nào để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội? Đó là những vấn đề đặt ra trước mắt Đảng ta hiện nay. Muốn giải quyết tốt những vấn đề đó, muốn đỡ bớt mò mẫm, muốn đỡ phạm sai lầm, thì chúng ta phải học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo. Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”.

          Về bước đi của thời kỳ quá độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ta xây dựng CNXH từ hai bàn tay trắng đi lên thì khó khăn còn nhiều và còn dài”, “phải làm dần dần”, “không thể một sớm, một chiều”, “ai nói dễ là chủ quan và sẽ thất bại”. Để đạt được mục tiêu đó, không thể nôn nóng, chủ quan duy ý chí, phải tuân theo quy luật với nhiều giai đoạn, thời kỳ cao thấp khác nhau, với những giải pháp khác nhau. Người nhắc nhở phải học tập có chọn lọc kinh nghiệm của các nước anh em nhưng trước hết phải ra sức tìm tòi con đường và bước đi phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Người cho rằng, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam không thể làm vội vàng mà phải làm từng bước thận trọng, vững chắc. Nhiệm vụ của thời kỳ quá độ là: “…phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của CNXH…Trong quá trình cách mạng XHCN, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”. “Từ nước nông nghiệp đi lên, nên ta cho nông nghiệp là quan trọng & ưu tiên, rồi đến tiểu thủ công nghiệp & công nghiệp nhẹ, sau mới đến công nghiệp nặng”. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng và vạch định đường lối đổi mới đất nước.

          2. Cơ sở thực tiễn

          Kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc giai đoạn 1954 - 1975

          Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta bắt đầu từ năm 1954 khi miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong 21 năm, miền Bắc đã đạt được những thành tựu nhất định về kinh tế, chính trị, xã hội. Bên cạnh đó, miền Bắc còn làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Tuy nhiên, quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm với mô hình kiểu cũ.

          Sau năm 1975, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội khó khăn: Mỹ và các nước tư bản tiến hành bao vây, cấm vận, cô lập Việt Nam. Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội với điểm xuất phát thấp, từ nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ, nông nghiệp lạc hậu, hậu quả chiến tranh nặng nề. Năm 1979, Việt Nam phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc: chiến tranh biên giới Tây nam và chiến tranh biên giới phía Bắc. Quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã mắc phải những sai lầm chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan về phát triển kinh tế… làm cho nền kinh tế chậm phát triển, sản xuất trì trệ, khủng hoảng trầm trọng.

          Những đổi mới dội về từ cơ sở và những khảo nghiệm, tìm tòi trong thực tiễn của Đảng

          Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều đảng bộ cơ sở, nhiều địa phương đã sáng tạo tìm cách làm mới để tháo gỡ khó khăn trong lao động sản xuất. Trong nông nghiệp: xuất hiện hiện tượng khoán ớ các địa phương: Hải Phòng,...Trong công nghiệp, có hiện tượng "phá rào" trong các xí nghiệp quốc doanh như cải tiến quản lý của Xí nghiệp đánh cá Côn Đảo, Xí nghiệp dệt Thành Công ở TPHCM,… Trong phân phối lưu thông có thể kể đến “bù giá vào lương” của Long An, phá giá thu mua lúa ở An Giang…

          Trên cơ sở những đột phá ở cơ sở Đảng đã nắm bắt những tìm tòi có tính sáng tạo của các ngành, các địa phương và kịp thời chỉ đạo tổng kết và chủ trương thực hiện những bước đi tìm tòi, khảo nghiệm trong thực tiễn. Giai đoạn 1979 - 1986, Đảng đã đề ra ba bước đột phá chiến lược:

          Bước đột phá lần thứ nhất: tại Hội nghị lần thứ 6 của Đảng khoá IV (8/1979) Đảng đề ra mục tiêu “làm cho sản xuất bung ra” hay nói cách khác “cởi trói cho sản xuất” nhằm tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển. chủ trương này được cụ thể hóa bởi Nghị quyết 26 về cải tiến công tác phân phối lưu thông; Chỉ thị 100 CT/TW về cải tiến công tác khoán; Quyết định số 25/CP và Quyết định số 26/CP với nội dung đổi mới cơ chế đối với thành phần kinh tế quốc doanh. Có thể nói Chỉ thị 100, Quyết định 25 là những bước đi, tìm tòi, khảo nghiệm đầu tiên của Đảng trong thực tiễn. Đây cũng là những văn bản pháp quy cho phép nền kinh tế tiến gần hơn tới cơ chế thị trường.

          Bước đột phá lần thứ hai: tại Hội nghị lần thứ 8 BCHTW khóa V (từ ngày 11 đến ngày 17/6/1985) Đảng đã nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật và chủ trương dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, lấy giá lương tiền làm khâu đột phá. Điểm quan trọng của Hội nghị lần là đã thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa.

          Bước đột phá lần thứ ba: là những kết luận về một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế vào ngày 20/9/1986 của Bộ Chính trị

          - Về cơ cấu kinh tế: cần bố trí đúng các ngành cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất và đầu tư; đặc trưng cần nắm vững là nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần. Trong điều chỉnh lớn phương án bố trí cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư phải thật sự lấy nông nghiệp là mặt trận hàng đầu.

          - Về cơ chế quản lý: xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác quản lý và sử dụng quan hệ hàng hoá - tiền tệ, thị trường trong cơ chế kế hoạch hoá.

          Những kết luận trên đây của Bộ chính trị là cơ sở để đổi mới và hoàn chỉnh dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội VI, là căn cứ để giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, đồng thời là sự đổi mới tư duy về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở việt nam, mở đường đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội.

          Trải qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm từ thực tiễn và trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng đắn tình hình của đất nước, Đảng đã tự phê bình những sai lầm, khuyết điểm trong tư duy lý luận, nhận thức rõ hơn về những quy luật khách quan của thời kỳ quá độ, kế thừa những thành tựu và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và những năm đầu khi nước nhà thống nhất, Đại hội VI đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đây thực sự là bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Các chủ trương, chính sách đổi mới đưa vào thực tiễn đã đạt nhiều thành tựu, tình hình kinh tế, chính trị và đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, lòng tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới tăng lên./.

ThS. Nguyễn Thị Thu Sương  

            Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 17
  • Trong tuần: 5 007
  • Tất cả: 584705
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này