VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
     Xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân thông qua quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn theo cơ chế thị trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân lực và các nguồn vốn. 

     Xây dựng nông thôn mới là yếu tố quyết định cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, đồng thời là nền tảng để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Đây là một trong những chủ trương mang tính chiến lược mở ra một thời kỳ mới góp phần quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Xây dựng nông thôn mới được xác định là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, hành trình NTM của tỉnh Trà Vinh bước đầu đã gặt hái những “trái ngọt”. Với thành quả đạt được sau gần 10 năm triển khai thực hiện chính là cơ sở để tỉnh hướng đến những mục tiêu cao hơn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẩu.

    Tính đến hết năm 2019 toàn tỉnh có 57/85 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 67,06% (tăng 18 xã so với năm 2018, trong đó 50 xã có quyết định công nhận và 07 xã còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận); xã đạt từ 14 tiêu chí trở lên có 11 xã, chiếm tỷ lệ 12,94%; xã dưới 14 tiêu chí có 17 xã, chiếm 20%, không còn xã dưới 10 tiêu chí; Số tiêu chí đạt bình quân/xã (tính đến đầu tháng 02/2020) là 17,13 tiêu chí/xã (tăng 2,05 tiêu chí so với năm 2018); Có 9/20 xã đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, đánh giá đạt 20/20 tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo Quyết định 1629/QĐ-UBND ngày 14/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh, hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ trình tỉnh thẩm định, xét công nhận. (trong đó, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần tuy không đăng ký thực hiện ngay từ đầu năm nhưng đã phấn đấu, thực hiện hoàn thành 20 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2019). Các xã còn lại đạt từ 15-19 tiêu chí. Ngoài ra huyện Cầu Kè đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 (tại Quyết định số 160/QĐ-TTg ngày 22/01/2020), nâng tổng số có 03 đơn vị cấp huyện (Tiểu Cần, Cầu Kè và thị xã Duyên Hải) đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. Bên cạnh việc duy trì, nâng cao chất lượng tiếp tục xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn NTM, Trà Vinh còn chú trọng tập trung củng cố, xây dựng xã NTM nâng cao (Xã Long Đức là xã đầu tiên được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 1629/QĐ-UBND ngày 14/8/2018 của UBND tỉnh).

     Mục tiêu của bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao là kế thừa những thành quả mà chương trình MTQG xây dựng NTM đã đạt được, đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí để phát huy tính bền vững của chương trình, tạo động lực thúc đẩy khu vực nông thôn phát triển. Xây dựng NTM nâng cao chủ yếu là phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng, đổi mới, phát triển sản xuất, xây dựng cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp....nhằm nâng cao đời sống nông dân, đổi mới bộ mặt nông thôn, phát triển sản xuất nông nghiệp, ngoài ra có một số chính sách hỗ trợ của nhà nước nhưng chỉ mang tính kích cầu, huy động được mọi nguồn lực trong nhân dân nhằm xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí của xã NTM, xây dựng xã NTM nâng cao, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó thực hiện tốt công tác dân vận để xây dựng NTM, NTM nâng cao đóng vai trò hết sức quan trọng.   

     Theo chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hành những công việc Chính Phủ và Đoàn thể giao cho”. Công tác Dân vận theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm 4 nội dung cơ bản:

Thứ nhất, vị trí, vai trò của công tác dân vận

     Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh dân vận là công tác xây dựng lực lượng cách mạng, là tập hợp lực lượng nhân dân để thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà Nước. “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được, dân chúng không ủng hộ thì việc gì làm cũng không xong”. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Và để dân chúng đồng lòng thì phải tiến hành công tác dân vận.

Thứ hai: cách thức, quy trình tiến hành công tác dân vận

     Theo Hồ Chí Minh công tác dân vận không thể nói xuông, hô hào chung chung theo kiểu phong trào bằng báo chương sách vở, mít tin khẩu hiệu, truyền đơn; không thể dùng mệnh lệnh, chỉ thị…. mà phải tuyên truyền, vận động giải thích để dân hiểu; phải bàn bạc với dân, phải hỏi ý kiến của dân và kinh nghiệm của dân; Cùng với dân đặt kế hoạch cho sát. Và chỉ khi dân đã hiểu, khi dân bàn bạc thì dù khó khăn mấy họ cũng sẵn sàng làm cho kỳ được. Với quan điểm thương dân, trọng dân, vì dân, Hồ Chí Minh căn dặn, nhắc nhỡ cán bộ, đảng viên :Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc; phải động viên khuyến khích; khi thi hành xong, phải kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình khen thưởng. Đây là nội dung rất cơ bản, quan trọng để lôi cuốn, thu hút nhân dân tham gia phong trào cách mạng, để nhân dân tin tưởng vào tổ chức đảng, chính quyền. đó là động lực, là quy luật để phong trào cách mạng luôn luôn phát triển, là nguyên tắc để tổ chức thành công bất cứ công việc gì của cách mạng

Thứ ba, chủ thể tiến hành công tác dân vận là những ai, vị trí, vai trò của từng chủ thể

     Để tiến hành công tác dân vận, mỗi tổ chức có vị trí, vai trò, trách nhiệm to lớn, đồng thời mỗi chủ thể lại có trách nhiệm, bổn phận riêng của mình. Đặt biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức là rất quan trọng, phải cùng đồng trách nhiệm, cùng hợp tác để làm. Hồ Chí Minh nhấn mạnh “phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu”. Tùy theo chức năng nhiệm vụ mà mỗi chủ thể, mổi tổ chức lại có trách nhiệm riêng, phải phân công việc, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, phải kiểm điểm, kiểm tra cụ thể

Thứ tư, yêu cầu đối với cán bộ làm công tác dân vận

     Để tiến hành dân vận tốt, một trong những vấn đề quan trọng là phong cách, tác phong công tác của cán bộ nói chung, đặt biệt là cán bộ dân vận thể hiện thái độ, quan điểm của Đảng, chính quyền với nhân dân, thể hiện bản chất của Đảng, của chế độ xã hội. Nhân dân tin tưởng vào Đảng, vào chế độ hay không; mối quan hệ giữa đảng với nhân dân có bền chặt hay không; đường lối chính sách của Đảng có được thực hiện tốt hay không phụ thuộc rất lớn vào phong cách, tác phong của cán bộ dân vận, Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu đối với cán bộ dân vận là phải sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ. Bất cứ việc gì cũng phải bàn bạc với dân; hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân; phải cùng với dân đặt kế hoạch, cùng với dân tổ chức thi hành.“ cần óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” và đặt biệt phải “ thật thà nhúng tay vào việc”. Yêu cầu đó đòi hỏi người cán bộ dân vận “ óc” phải luôn nghỉ về dân, nghỉ đến dân; “mắt” phải nhìn thấy, trông thấy hoàn cảnh của dân, hoàn cảnh thực của dân; “tai” phải lắng nghe dân nói, tiếp thu ý kiến phản ánh, nguyện vọng của dân; “chân” phải đi đến với từng người dân, nhà dân, từng vùng. Có đi nhiều mới hiểu dân, mới nắm được nguyện vọng của dân. “Miệng” phải thích cho dân hiểu, phải nói cho dân nghe, đặt biệt là miệng nói nhưng “ tay phải làm”, “phải thật thà nhúng tay vào việc” chứ không phải nói xuông, nói ba hoa, nói nhiều làm ít, nói đúng làm sai, nói hay làm dỡ, nói mà không làm; không chỉ ngồi viết truyền đơn, chỉ thị…

     Xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy Trà Vinh về để thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính vì thế yêu cầu đặt ra đối với các cấp, các ngành là cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đã được xác định đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh để nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là các xã đang triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; nông thôn mới nâng cao, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bức xúc nổi cộm trong quá trình thực hiện, chủ động tham mưu, đề xuất các cấp, các ngành giải quyết, xử lý, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo sự đồng thuận toàn xã hội trong quá trình triển khai thực hiện góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao  trên địa bàn tỉnh./.

                                                                     Lê Thị Hồng Gấm

                                                                          Trường Chính trị Trà Vinh

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 13
  • Hôm nay: 631
  • Trong tuần: 5 753
  • Tất cả: 588312
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này