MỘT SỐ BIẾN ĐỔI TRONG LỄ HỘI OK OM BOK CỦA NGƯỜI KHMER TRÀ VINH HIỆN NAY
     Hiện nay, không gian tổ chức Lễ hội Ok om bok vẫn được tiến hành ở từng gia đình và các chùa. Ngoài việc các gia đình tổ chức cúng tại nhà, lễ hội này còn được tổ chức thêm ở những nơi vui chơi công cộng. Hoạt động này được ngành văn hóa đầu tư nghiêm túc, có kịch bản, dàn dựng như một chương trình văn hóa văn nghệ chuyên nghiệp. Nội dung của buổi trình diễn này, thể hiện bằng cả tiếng Khmer và tiếng Việt, cũng đầy đủ các phần giới thiệu về nguồn gốc của lễ cúng Trăng, sự tích về “Mặt trăng và con thỏ”, hình thức “đút cốm dẹp” tại các gia đình trong phum-sóc,… Nhiều hoạt động vui chơi cộng đồng như: thi trang phục ngày hội của người Khmer, hội diễn tiếng hát quần chúng Khmer, hội chợ trưng bày sản phẩm nông nghiệp, thương nghiệp,... 

Lễ hội không chỉ tổ chức hai ngày theo truyền thống mà được nâng lên thành “Tuần lễ văn hóa Lễ hội Ok om bok, đua ghe ngo” với nhiều hoạt động phong phú, nhất là việc tăng thêm phần “hội” với nhiều hoạt động vui chơi tập thể. Nói chung, lễ hội không phải là một hiện tượng văn hóa nhất thành bất biến, mà là một yếu tố động, luôn tiếp tục dòng chảy của nó sao cho phù hợp với  không gian và thời gian. Ngày nay, lễ hội của người Khmer ở Trà Vinh đã biến đổi ít nhiều cho phù hợp với sự phát triển xã hội, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có. Đây là điều quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người Khmer.

1. Một số nhân tố ảnh hưởng đến sự biến đổi Lễ hội Ok om bok ở Trà Vinh hiện nay:

Lễ hội truyền thống có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Khmer ở Trà Vinh. Tuy nhiên, lễ hội của người Khmer ở Trà Vinh hiện nay đã có một số thay đổi, theo tôi, chủ yếu do các nguyên nhân sau đây: 

Thứ nhất, Sự quản lý của Nhà nước

Sau năm 1975, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách mới trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Sự thay đổi trong cơ chế quản lý là điều kiện cho sự phát triển văn hóa tinh thần. Đây cũng là tiền đề cho sự mở rộng sự giao lưu, hội nhập và tiếp biến văn hóa giữa các tộc người, các vùng miền trong nước và ngoài nước và tiếp nhận những luồng văn hóa mới. Cùng với đó là việc xây dựng chính sách quản lý văn hóa Việt Nam nói chung, lễ hội của người Khmer nói riêng. Chính sách này bao gồm việc hạn chế mặt tiêu cực, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các tộc người trong công cuộc xây dựng và phát triển xã hội trong điều kiện mới.

Lễ hội của người Khmer được Nhà nước quan tâm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vừa phù hợp với tình hình phát triển chung của toàn xã hội. Các yếu tố văn hóa truyền thống của cộng đồng Khmer ở Nam Bộ nói chung, ở Trà Vinh nói riêng được chú ý bảo tồn và phát huy.

Thứ hai, Sự biến đổi cơ cấu kinh tế

Từ khi đổi mới (1986), theo đà phát triển của đất nước, cơ cấu kinh tế mở cửa, giao lưu văn hóa, nghề nghiệp của người Khmer ở Trà Vinh đã có nhiều thay đổi. Trong sản xuất nông nghiệp, đã và đang áp dụng những phương pháp tiên tiến, cơ cấu giống cây trồng mới, vật nuôi mới được bố trí phù hợp nhằm nâng cao năng suất. Ngành du lịch cũng có bước phát triển, “các lễ hội dân tộc đặc sắc đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách, một số lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài như Lễ hội Ok om bok - đua ghe Ngo”

Những năm gần đây, đồng bào người Khmer ở Nam Bộ nói riêng, Trà Vinh nói chung đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ thoát nghèo. Đặc biệt, với các chương trình 134, 135,.. của Chính phủ đối với vùng đồng bào đông người Khmer sinh sống. Ở Trà Vinh được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho việc phát triển hạ tầng cơ sở. Vì thế, đời sống vật chất và đời sống tinh thần của đồng bào có rất nhiều thay đổi theo hướng tiến bộ hơn. Đời sống kinh tế được cải thiện khiến đồng bào Khmer quan tâm nhiều hơn đến đời sống tâm linh.

Thứ ba, Sự biến đổi văn hóa xã hội

Trước năm 1975, sư sãi ở chùa có thể tham gia giảng dạy con em người Khmer ở các trường học, nam thanh niên vào chùa tu học (3 năm hoặc nhiều hơn tùy theo ý muốn của người đi tu), vì chỉ trong chùa mới dạy tiếng Pali, Phật học, nghề nghiệp,… Sau năm 1975, với sự tham gia quản lý của Nhà nước, việc đạo việc đời được tách biệt rõ ràng, các trường dạy nghề được mở ra nhiều hơn, người dân Khmer có thể tự do chọn lựa những trường thích hợp, không nhất thiết phải vào chùa tu học như trước đây. Thay vào đó, nam thanh niên Khmer thường tu báo hiếu ngắn hạn: một ngày, ba ngày, một tháng, ba tháng,… Rõ ràng là, yếu tố tôn giáo trong đời sống của đồng bào Khmer bị giảm bớt khá nhiều so với trước đây.

Ngày nay, các vị sư sãi có trình độ tham gia giảng dạy ở các trường học, nếu tiếp tục dạy thì phải hoàn tục. Tuy hoàn tục, nhưng họ vẫn có thể tiếp tục tham gia vào các công việc của chùa trong vai trò của các vị Acha hay Ban quản trị chùa. Đây là những người vốn rất am hiểu giáo lý, nghi lễ dân tộc, nên họ là người giữ vai trò là cầu nối giữa người Khmer trong phum-sóc với các vị sư sãi ở chùa trong việc thực hiện các nghi lễ và giữ gìn phong tục truyền thống của dân tộc, đồng thời là cầu nối giữa chính quyền địa phương với nhà chùa trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của nhà nước. Những thay đổi về đời sống vật chất, tinh thần, ngôn ngữ, nghệ thuật, tôn giáo đã ít nhiều ảnh hưởng diện mạo chung của các lễ hội truyền thống của người Khmer hiện nay.

Thứ tư, Sự phát triển công nghệ thông tin, giao lưu văn hóa giữa các tộc người

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan nêu trên, còn có những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ người Khmer dẫn đến sự thay đổi trong lễ hội. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, người Khmer ở Trà Vinh ngày nay không còn quanh năm sống với nghề nông, làm thuê, mà đã có nhiều người có trình độ học vấn cao làm việc hoặc tham gia vào các vị trí giữ chức vụ cao ở cơ quan Nhà nước, Đảng, đoàn thể từ tỉnh đến xã, một số đi làm ăn xa ở các tỉnh thành lớn như: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước,Thành phố Hồ Chí Minh,… Từ đó dẫn đến sự biến đổi trong thời gian tổ chức lễ hội và số lượng người tham gia lễ hội của người Khmer. Mặt khác, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, người Khmer có cơ hội tiếp xúc nhiều với những phương tiện truyền thông hiện đại. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tư duy, nhu cầu tâm linh cũng như quan niệm của người Khmer về lễ hội dân tộc truyền thống.

Trong quá trình cộng cư giữa ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer, sự tiếp xúc giữa các cá nhân, giữa các tộc người, nhất là thông qua quan hệ hôn nhân giữa các tộc người Khmer - Việt, Khmer - Hoa,… ngày càng phổ biến đã tạo nên sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa giữa các tộc người. Quá trình giao lưu đó góp phần thúc đẩy nhanh quá trình biến đổi văn hóa truyền thống các tộc người khiến cho nhiều hiện tượng và giá trị văn hóa bị biến đổi. Điều đó ảnh hưởng đến những lễ hội truyền thống của người Khmer.

2. Một số nhận xét.

Trà Vinh là một trong những tỉnh tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống của người Khmer. Lễ hội Ok om bok là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là hoạt động trong cuộc sống thường ngày được thể hiện lại dưới hình thức là một trò diễn, phản ánh cuộc sống lao động, vui chơi, giải trí của đồng bào Khmer. Qua lễ hội, người Khmer đã thể hiện được văn hóa và diện mạo của mình. Cho đến ngày nay, việc giữ gìn những yếu tố văn hóa truyền thống vẫn được người Khmer duy trì. Họ tham gia lễ hội truyền thống với tinh thần tự nguyện, tự giác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lễ hội truyền thống của người Khmer nói chung, Lễ hội Ok om bok nói riêng đã có sự biến đổi nhất định. Nhưng đó chỉ là một số thay đổi nhỏ xuất phát từ nhu cầu cuộc sống xã hội, sự giao lưu văn hóa, các chủ trương chính sách của Nhà nước. Điều này thể hiện khả năng thích ứng của người Khmer đối với tình hình mới.

 Người Khmer ở Trà Vinh nói chung, Nam Bộ nói riêng từ rất xa xưa. Họ cư trú chủ yếu là trên các giồng đất cao, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Vì vậy, đồng bào người Khmer có nhiều truyền thuyết để giải thích các hiện tượng mưa, nắng, thời tiết,… dẫn đến nhiều cách thể hiện lòng thành kính đối với đấng siêu nhiên. Điều này được thể hiện rõ nét qua các hình thức thực hành nghi lễ trong lễ hội.

Người Khmer theo Phật giáo Nam tông. Cuộc sống của họ gắn liền với những ngôi chùa. Con người từ khi sinh ra đến khi mất đi đều liên quan đến chùa. Theo quan niệm của người Khmer, luôn có một thế giới thần linh tồn tại song song với thế giới con người. Thần linh có khả năng điều tiết mọi hoạt động của con người, quyết định cho con người được giàu sang hay đói khổ. Giáo lý nhà Phật luôn hướng con người hướng tới chân - thiện - mỹ. Những nghi lễ cúng bái trong lễ hội của người Khmer mặc dù liên quan nhiều đến Phật giáo, là thể hiện niềm tin của con người vào thế lực siêu nhiên, nhưng nhìn chung không có biểu hiện của hiện tượng mê tín.

Lễ hội Ok om bok của người Khmer hiện vẫn còn giữ được những nét truyền thống cơ bản. Nguồn gốc, sự tích, ý nghĩa của lễ hội gắn liền với nguồn gốc tộc người và các lễ nghi nông nghiệp. Thông qua lễ hội Ok om bok, chúng ta thấy được quan niệm, cách ứng xử của người Khmer đối với đấng siêu nhiên, đối với môi trường sống. Sự thích nghi của người Khmer ở Trà Vinh đối với hệ sinh thái, với môi trường tự nhiên thể hiện tâm lý, văn hóa dân tộc khá rõ nét, hình thành nên sắc thái văn hóa đặc trưng của tộc người này, ngoài ra cũng có thể thấy được sự thích nghi của đồng bào đối với môi trường xã hội, nơi mà họ cùng sinh sống với các dân tộc khác.

Chiếc ghe ngo được coi như vật thiêng của từng phum- sóc, là thể diện của cư dân trong vùng.Vì thế, trong tất cả các lễ cúng liên quan đến chiếc ghe ngo đều phải hết sức nghiêm trang. Do đó, mỗi người Khmer đều ý thức cao về việc giữ gìn chiếc ghe. Ngày nay, hội đua ghe ngo không chỉ là một hình thức tôn giáo trong Lễ hội Ok om bok, mà còn trở thành một môn thể thao độc đáo của người Khmer.

Hiện nay, Lễ hội Ok om bok không chỉ tổ chức trong hai ngày theo truyền thống, mà được nâng lên thành “Tuần lễ văn hóa Lễ hội Ok om bok, đua ghe ngo”, với nhiều hoạt động phong phú, làm cho không khí lễ hội thêm phần nhộn nhịp, vui tươi nhằm phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào Khmer. Đây cũng là một hình thức góp phần rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị.

Đối với người Khmer, lễ hội Ok om bok là niềm tự hào dân tộc. Trong lễ hội, họ được thể hiện dũng khí, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đây cũng là dịp để họ biểu dương sức mạnh tập thể, tinh thần đoàn kết, ý chí và khát vọng sống mãnh liệt, dung hòa giữa con người và thiên nhiên, là dịp để người Khmer có thể kết nối cộng đồng với người Kinh, người Hoa,v.v...    

                                                                                      ThS. Lâm Thị Thanh Nga

                                                                                         Giảng viên khoa Xây dựng Đảng


image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 43
  • Trong tuần: 4 846
  • Tất cả: 583891
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này