TỪ KHOÁN 100 ĐẾN KHOÁN 10 TRONG CẢI TIẾN QUẢN LÝ NÔNG NGHIỆP
    Quá trình cải tiến quản lý sản xuất trong nông nghiệp có thể nói là quá trình đầy cam go, phức tạp. Có thể nói khoán 100, khoán 10, là bước đột phá về cải tiến quản lý sản xuất trong nông nghiệp. Cũng từ đây cơ chế quản lý trong nông nghiệp của Việt Nam từng bước được cải tiến đưa Việt Nam từ một quốc gia phải nhập một lượng lớn lương thực thực phẩm vươn lên trở thành một trong những  nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. 

     Năm 1979 kinh tế Việt Nam lâm vào khủng hoảng. Công nghiệp phát triển với tốc độ chậm 0,6%/năm, nông nghiệp trì trệ chỉ tăng 1,9%/năm, thu nhập quốc dân chỉ tăng 0,4%/năm  trong khi đó dân số tăng 2,2% . Cũng trong năm 1979 Việt Nam phải nhập 2,2 triệu tấn lương thực. Mô hình hợp tác hóa với cơ chế khoán việc ngày càng bộc lộ những hạn chế yếu kém. “Trong thời kì 1961-1965, diện tích trồng trọt của miền Bắc tuy đã tăng thêm khoảng 20 vạn hecta do khai hoang, nhưng năng suất lúa giảm chỉ còn 17-18 tạ/hecta. Năm 1961, mức bình quân lương thực đầu người là 24kg/tháng, đến năm 1965 giảm chỉ còn 14kg/tháng.” (Trích Từ khoán hộ đến đổi mới trong nông nghiệp - Văn hóa Nghệ An).

 

     Trước tình trạng đó nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng khoán hộ thay cho khoán việc. Điển hình đó là Vĩnh Phúc. Có thể nói Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên trong cả nước xuất hiện và thực hiện cơ chế “khoán việc tới hộ”. Tuy nhiên, việc triển khai “khoán hộ” ở Vĩnh Phúc trong hoàn cảnh đó không được sự đồng thuận, và bị coi là sự vượt rào. Trước tình trạng nông dân thiếu đói trầm trọng, nông nghiệp sa sút, một số địa phương đã lặng lẽ, kín đáo chuyển sang thực hiện khoán sản phẩm và khoán hộ nên thời kì này thường được gọi là khoán chui vì khoán hộ bị cấm, cán bộ thực hiện khoán hộ có thể bị kỷ luật nhưng hoàn cảnh lúc đó, “khoán chui hay là chết” đã buộc một số địa phương, một số hợp tác xã không còn sự lựa chọn khác. Sau Vĩnh Phúc, Hải Phòng là địa phương thứ hai công khai thực hiện khoán hộ, khoán sản phẩm, bỏ khoán việc. Nguyên Chủ tịch Võ Chí Công kể trong hồi ký “Trên những chặng đường cách mạng”:  “Sau một thời gian làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thủy sản, tôi được cử sang làm Bộ trưởng Nông nghiệp và phụ trách khối nông, lâm, hải sản. Đây là một lĩnh vực khá quan trọng vì nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân nước ta lúc bấy giờ. Tôi nghĩ vì sao cũng người thanh niên trong hợp tác xã miền Bắc ở miền Nam đánh giặc chịu đựng gian khổ hy sinh lại hăng hái và hết sức tích cực, còn làm ăn trong hợp tác xã thì lại tiêu cực đến thế? Có lẽ đánh giặc cứu nước là động lực nên có tinh thần tích cực, còn trong lao động sản xuất phải chăng chưa tạo ra được động lực!”. Đồng chí võ Chí Công sau đó đã chỉ đạo một số xã thực hiện khoán mới và sau đó so sánh với các xã chưa thực hiện khoán mới. Kết quả rất tốt: “Làm khoán mới được nửa huyện, năng suất và sản lượng tăng trên 20% so với hợp tác xã chưa khoán; số lượng lao động, ngày công lao động tăng 20 - 25%, tinh thần nhân dân phấn khởi, sôi nổi, tiêu cực biến mất.” (Trích Bước ngoặt từ Chỉ thị 100 – Báo thanh niên).

    Ngày 21/10/1980, Ban Bí thư trung ương Đảng ra thông báo số 22 TB-TW cho ý kiến về công tác khoán trong hợp tác xã và đội sản xuất, ghi nhận và đánh giá những tác dụng tích cực của hình thức khoán mới “tận dụng được sức lao động của gia đình xã viên, phát huy được tính tích cực lao động, tinh thần hang hái áp dụng các biện pháp kỹ thuật và ý thức chăm lo tiết kiệm chi phí trogn sản xuất,khai thác them được một phần vật tư của gia đình và xã viên”  (Đặng phong, Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989, Nxb. Tri thức, 2012, tr. 214) và cho phép các địa phương thử nghiệm các hình thức khoán sản phẩm với cây lúa.

    Từ thông báo số 22 và sau nhiều lần hội thảo đến ngày 13/01/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 100 CT/TW hay còn gọi là khoán 100 về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong HTX nông nghiệp. Khoán sản phẩm là một hình thức quản lý sản xuất và trả công lao động có gắn trách nhiệm và quyền lợi của người lao động với sản phẩm cuối cùng một cách trực tiếp. Nội dung cơ bản của chỉ thị 100 là: “xóa bỏ chế dộ công điểm và ăn chia trong các hợp tác xã, giao ruộng đất cho các cá đơn vị hoặc cá nhân người lao động, áp dụng định mức giao nộp sản phẩm cho hợp tác xã rồi hợp tác xã căn cứ trên các diện tích nhận khoán mà phân bổ nghĩa vụ đó cho từng hộ xã viên. Định mức này căn cứ trên năng suất thực tế của ruộng đất trong những năm trước đó. Người nông dân có trách nhiệm nộp thuế nông nghiệp, nộp thóc nghĩa vụ, nộp phần thóc điều hòa trong nội bộ hợp tác xã (nhằm giúp những hộ gặp khó khăn và những dịch vụ cần thiết của công tác quản lý kỹ thuật cung ứng vật tư…) phần còn lại mình được hưởng” (Đặng phong, Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989, Nxb. Tri thức, 2012, tr.224). Đây chính là tác dụng kích thích lớn lao của chỉ thị 100. Chính vì vậy mà chỉ thị100 được coi là bước đột phá đầu tiên vào cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp, sản xuất tập thể. Mặc dù ngôn từ trong chỉ thị 100 còn dè dặt tránh nhắc đến cụm từ khoán trắng nhưng Chỉ thị 100 đã tạo ra động lực mới trong sản xuất nông nghiệp.

 

     Chỉ thị 100 đã nhanh chóng trở thành phong trào trong các HTX  tập đoàn sản xuất nông nghiệp và đã tạo ra hiệu quả kinh tế lớn. Thời kì 1981-1985 tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân tăng 4,9%/năm so với thời kì 1976-1980. Sản lượng lương thực từ 11,64 triệu tấn năm 1980 tăng 15 triệu tấn 1981. Sau 7 năm thực hiện tuy đã “cởi trói” được ở ba khâu gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch trong tổng số tám khâu sản xuất trồng trọt ở các hợp tác xã nông nghiệp nhưng người nông dân vẫn chưa thực sự được làm chủ ruộng đất, mức khoán ngày càng cao, người nông dân không có khả năng nộp theo định mức khoán. Thêm vào đó, cơ chế tập trung quan liêu vẫn còn được duy trì trong hợp tác xã, cũng như toàn bộ hệ thống tái sản xuất xã hội trong nông nghiệp. Hệ thống này cùng tính chất mệnh lệnh hành chính, mà hậu quả của nó đè lên vai người nông dân, trước hết là hộ nhận khoán. Hộ nông dân không đủ khả nǎng bảo đảm tái sản xuất và nhu cầu đời sống nên đã phải trả lại bớt ruộng đất. Vì vậy từ những năm 1984-1985 nhiều nông dân thấy mức khoán quá cao nên không nhận ruộng.

 

      Những năm 1986 - 1987 nông nghiệp Việt Nam lại bắt đầu sa sút. Chỉ thị 100 từ chỗ tích cực phá rào trong nông nghiệp nay vô tình lại trở thành vật cản. Trước tình hình dó nhiều địa phương đã có những giải pháp khắc phục khó khăn và trở ngại của cơ chế khoán. An Giang là tỉnh đi đầu trong phong trào này. Tháng 7 năm 1987, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân và coi  nông dân là đơn vị sản xuất cơ bản. Từ kinh nghiệm của An Giang, Trung ương đã cử nhiều đoàn xuống nghiên cứu. Ông Nguyễn Văn Bích, phó viện trưởng viện quản lý kinh tế trung ương kể lại: “Cuối 1987, chúng tôi đi khảo sát thực tế, thấy có tới 2 triệu người đói ăn. Ngày 28.12.1987, bộ chinh trị họp bàn về cơ chế khoán trong nông nghiệp…Theo đề án này, nông dân chỉ phải nộp thuế, còn tất cả sản phẩm còn lại họ được toàn quyền sử dụng…chủ trương giao đất lâu dài không thời hạn cho nông dân được sửa thành chỉ giao 15 - 20 năm” (Đặng phong, Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989, Nxb. Tri thức, 2012, tr.351).

 

     Đến ngày 5/4/1988, Bộ chính trị ra Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp hay còn gọi là khoán 10. Khoán 10 thừa nhận “hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ” trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất đến phân phối, sử dụng sản phẩm. Nếu như chỉ thị 100 chỉ nhắc đến nhóm lao động thì Nghị quyết 10 một lần nữa khẳng định tư tưởng "giải phóng sức sản xuất" và trong các mối quan hệ về lợi ích, nhấn mạnh "nhất là lợi ích người lao động". Từ đây, chức nǎng kinh tế của hộ nông dân được xác lập trở lại. Có thể nói khoán 10 đã tạo ra tác dụng thần kỳ trong nền kinh tế. “Năm 1988, sản lượng lương thực cả nước đạt 19,58 triệu tấn, nhưng chỉ 1 năm sau khi có Nghị quyết 10, năm 1989 con số này đã tăng lên 21,58 triệu tấn” (Trích Sức sống lý luận và thực tiễn của Nghị Quyết 10 - Tạp chí cộng sản) và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo. Ngày 12/6/1988, Bộ chính trị ra nghị quyết bỏ hẳn chính sách hợp tác hóa nông nghiệp để tăng gia sản xuất. Tại hội nghị BCHTWD lần thứ 6 tháng 3 1989 tiếp tục khẳng định hộ nông dân là một đơn vị kinh tế tự chủ sản xuất hàng hóa. Đổi mới hình thức và nội dung hoạt động của các hợp tác xã nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng kinh tế hộ nông dân và nông nghiệp từng bước chuyển nền kinh tế tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

     Như vậy có thể nói đổi mới cải tiến quản lý trong nông nghiệp ở Việt Nam từ 1981 đến 1988 là kết quả của những bước đột phá từ dưới lên. Chính từ những rào cản, trở ngại đến tiêu cực trong mô hình hợp tác xã mà nhiều địa phương đã chủ động tìm tòi các giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn. Trước những đổi mới “dội” lên từ cơ sở, Trung ương cũng đã nhanh chóng, mạnh dạn khảo sát thực tế, đánh giá đúng tình hình để rồi ban hành các Chỉ th, Nghị quyết kịp thời giải quyết những khó khăn cũng như đổi mới, cải tiến quản lý trong nông nghiệp. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa địa phương và trung ương chính là yếu tố góp phần nên thành công của khoán 100 và sau này là khoán 10 đưa Việt Nam từ một quốc gia thiếu thốn lương thực trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Bài học về khoán không chỉ là bài học cho quá khứ mà còn để lại nhiều bài học cho giai đoạn phát triển đất nước hiện  nay.

                                                                                                                                     ThS. Nguyễn Thị Thu Sương

                                                                                                                                          Khoa Xây dựng Đảng

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 205
  • Trong tuần: 11 062
  • Tất cả: 563203
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này