HOẠT ĐỘNG CHỐNG PHÁP CỦA NHÂN DÂN TRÀ VINH TRƯỚC KHI CÓ ĐẢNG LÃNH ĐẠO
     Tinh thần quật khởi của đồng bào các dân tộc Trà Vinh đã bùng dậy ngay từ những ngày đầu đội quân viễn chinh Pháp đặt chân lên vùng đất Nam Bộ. 

     Những hoạt động yêu nước chống Pháp đã diễn ra liên tục, sôi nổi chủ yếu theo hai xu hướng: phong trào theo xu hướng phong kiến và phong trào mang tính chất nông dân và tiểu tư sản.

     Phong trào yêu nước theo xu hướng phong kiến

     Khi triều đình nhà Nguyễn  chống Pháp: Trà Vinh (lúc đó còn là một bộ phận của tỉnh Vĩnh Long) đã đóng góp về nhân lực và vật lực, phối hợp với quân đội triều đình và nhân dân Gia Định đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.

     Cũng như các địa phương trong cả nước phong trào tị địa đã diễn ra ngay trên đất trà vinh. Lúc bấy giờ, nhân dân Trà Vinh đã tích cực giúp đỡ và tham gia cuộc tị địa của một số sĩ phu, thề không chung sống với giặc. Những sĩ phu còn ở lại, đã tỏ rõ thái độ bất hợp tác với giặc, hăng hái tham gia hoạt động cùng các đội nghĩa binh và nhân dân chống Pháp.  

     Từ 1867 đến 1872 nhiều cuộc nổi dậy, khởi nghĩa diễn ra sôi nổi như: cuộc nổi dậy do Phan Tôn, Phan Liêm khởi xướng (1867); cuộc khởi nghĩa do Phó Soái chỉ huy (1867); cuộc khởi nghĩa Ba Động do Tán Lí Lê Văn Quân, Đề đốc Triều và Đốc binh Say lãnh đạo (1868); Khởi nghĩa Vĩnh Trị, Bình Khánh do Đốc binh Lê Cẩn, Phó Mai cùng Nguyễn Giao gây dựng và khởi xướng (1871); Khởi nghĩa ở Bàn Đa do Trần Văn Đề lãnh đạo (1872). Trong đó nổi bật nhất là khởi nghĩa Vĩnh Trị - Bình Khánh và khởi nghĩa Bàn Đa.

     Tuy nhiên, hầu hết các cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Trà Vinh đến cuối năm 70 của thế kỷ XX đều bị thực dân Pháp dập tắt. Để đàn áp phong trào ngay sau khi thiết lập xong bộ máy cai trị, thực dân Pháp tăng cường kiểm soát dân cư và bình định các cuộc nổi dậy, khởi nghĩa của nhân dân Trà Vinh ngay từ trong trứng nước. Trước tình hình đó, phong trào yêu nước của nhân dân Trà Vinh tạm lắng.  Tuy nhiên sự bất hợp tác với Pháp vẫn gia tăng.

     Phong trào mang tính chất nông dân và tiểu tư sản

     Phong trào này  điển hình là các cuộc ám sát và manh động vũ trang đánh lại địa chủ cường hào là chính. phong trào được khởi xướng và tham gia bởi nông dân và tầng lớp tiểu tư sản .

     Vào năm 1905, vào một chiều chủ nhật, thầy Thông Chánh đã ám sát hai tên tỉnh trưởng Vĩnh Long và tỉnh trưởng Trà Vinh tại  khu giải trí vui chơi Ao Bà Om trongluc1 cuộc đua ngựa đang diễn ra. Những vụ manh động vũ trang của tá điền đánh lại địa chủ, cường hào thường diễn ra ở cả vùng người Khmer và người Việt.

     Khi phong trào Đông Du diễn ra trên cả nước thì hàng chục thanh niên Trà Vinh tìm đường móc nối liên lạc để được sang Nhật học. Phong trào này diễn ra khá sôi nổi ở tỉnh lị Trà Vinh và các huyện Càng Long, Cầu Ngang.

     Bên cạnh đó còn phải kể đến phong trào yêu nước chống pháp của  nổi bật lên phong trào Thiên Địa Hội với khẩu hiệu chính trị là: "phản Thanh phục Minh" thể hiện tính chất tương trợ và tình hữu ái giai cấp, nêu cao khẩu hiệu: "phản Pháp, phục Nam".

     Những hoạt động của tổ chức Thanh Niên Cao Vọng Đảng do Nguyễn An Ninh sáng lập ra đã phối hợp tích cực với các hoạt động của hội viên Thiên Địa Hội, tạo ra một không khí chính trị sôi nổi thu hút nhiều người tham gia. Vào những năm 1925 - 1926 cả nước dấy lên phong trào đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu phong trào để tang Phan Chu Trinh nhân dân trà vinh cũng tích cực tham gi hưởng ứng. Từ sau năm 1926, các phong trào yêu nước chống Pháp mang tính chất nông dân và tiểu tư sản ngày càng giảm dần.

     Tại Trà Vinh vào 1930, ba Chi bộ Cộng sản đầu tiên cũng được thành lập. Sự ra đời của các Chi bộ Cộng sản đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Trà Vinh. Từ đây cách mạng Trà Vinh đã có sự lãnh đạo, dìu dắt của Đảng. Sự ra đời của các tổ chức cộng sản cũng đánh dấu sự phát triển về chất của các phong trào yêu nước tại Trà Vinh lúc bấy giờ, đi từ tự phát chuyển lên tự giác, phong trào cách mạng trong tỉnh gắn liền với các phong trào cách mạng Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

     Nguyên Nhân Thất Bại

     Nhìn chung phong trào yêu nước chống pháp tại Trà Vinh thất bại bởi các nguyên nhân sau:

     Thứ nhất, phong trào mang tính lẻ, tẻ, tự phát. các phong trào chống pháp giai đoạn này nhỏ lẻ mang tính cục bộ diễn ra ở một vài địa phương trong tỉnh chưa có sự liên kết giữa các vùng, chưa huy động sức mạnh của toàn dân trong vùng, thiếu sự liên kết với các tỉnh lân cận nên thực dân Pháp dễ dàng dập tắt phong trào.

     Thứ hai, thiếu tổ chức, đường lối. Các phong trào đều chưa có đường lối, chưa được tổ chức chủ yếu được quy tụ dưới uy tín, ảnh hưởng của “lãnh tụ”. Khi lãnh tụ bị bắt hoặc bị giết thì phong trào tan rã. Tất cả các phong trào chưa có một đường lối soi đường. Các phong trào chưa có mục tiêu chiến lược chủ yếu giải quyết sách lược trước mắt. Bên cạnh đó, các phong trào chưa có tổ chức chặt chẽ. Thực dân pháp dễ dàng cài cắm người vào trong các phong trào và nắm rõ nội tình bên trong.

     Thứ ba, chưa xác định được kẻ thù. Kẻ thù trực tiếp của nhân dân Trà Vinh lúc bấy giờ là toàn bộ đế quốc pháp và tay sai trên đất Trà Vinh. Nhưng   trong xác định kẻ thù các phong trào chưa thấy được điều này. Hầu hết các phong trào khi diễn ra chủ yếu nhằm tiêu diệt tỉnh trưởng, quận trưởng, thậm chí có phong trào chỉ dùng hành động ám sát cá nhân là chính. Vì vậy, khi tỉnh trưởng, quận trưởng này chết đi thực dân pháp liền có phương án thay thế. Thêm vào phong trào chỉ đi đến kiểm soát một vùng nhỏ quận, huyện nên thực dân pháp dễ dàng điều quân từ các cùng lân cận sang và dập tắt phong trào.

     Bài học kinh nghiệm

     Thứ nhất, tinh thần đoàn kết dân tộc. Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta. đoàn kết tạo ra sức mạnh to lớn. Các phong trào đấu tranh yêu nước của tỉnh trong thời gian này mang tính tự phát, lẻ tẻ, thiếu sự đoàn kết nên chưa quy tụ được sức mạnh của toàn quân, toàn dân. Chính vì vậy khi phong trào nổ ra thực dân Pháp dễ dàng dập tắt phong trào.

     Thứ hai, bài học về tổ chức. Các phong trào tuy thất bại nhưng cũng đã để lại bài học quý giá về tổ chức. Bất cứ hoạt động, phong trào yêu nước nào cũng cần phải có sự tổ chức nề nếp, chặt chẽ. Đường lối đấu tranh phải rõ ràng, phải xác định rõ kẻ thù, mục tiêu trước mắt, mục tiêu lâu dài, lực lượng tham gia, lực lượng lãnh đạo, cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động. Tổ chức phải đảm bảo nguyên tắc chặt chẽ, tránh lỏng lẻo đề phòng kẻ thù lợi dụng sơ hở luồn lách vào tổ chức nắm được nội tình của phong trào.

     Thứ ba, bài học về chiến tranh du kích. Chiến tranh du kích là chiến thuật đã có từ thời phong kiến. Trong các phong trào chống Pháp trên đất Trà Vinh nhiều lần “nghĩa quân” đã dùng cách đánh du kích tận dụng địa thế, địa lợi sẵn có để phục kích đánh địch và gây ra những tổn thất nặng nề (trận Vũng Linh, Cầu Vông). Có thể nói cách đánh du kích đã xuất hiện sớm trên đất Trà Vinh. Và đây là bài học về chiến tranh du kích mà quân và dân Trà Vinh đã vận dụng hiệu quả trong giai đoạn về sau.

     Thứ tư, bài học lấy dân là gốc.  Mặc dầu, các phong trào đã tận dụng được các yếu tố “thiên thời, địa lợi” để đánh Pháp nhưng vẫn còn thiếu yếu tố “nhân hòa”. Bằng chứng là khi các cuộc khởi nghĩa trong vùng nổ ra và thất bại nhân dân các vùng lân cận chưa đứng lên hưởng ứng và “chia lửa”. Các phong trào mang tính cục bộ chưa có sự hưởng ứng và tham gia của toàn dân nên thực dân Pháp dễ dàng chia rẽ và dập tắt./.

                                                                                                                                              ThS. Nguyễn Thị Thu Sương

                                                                                                                                           Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng 

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 13
  • Hôm nay: 450
  • Trong tuần: 5 653
  • Tất cả: 588971
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này