PHÁT HUY TINH THẦN YÊU NƯỚC TỪ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 ĐẾN SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY
        Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đi vào lịch sử dân tộc như một móc son chói lọi của lòng yêu nước nước và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Đây là cội nguồn sâu xa trong cả quá trình hình thành và phát triển của đất nước, là truyền thống tốt đẹp trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta. 

     Năm 1930, với sự ra đời và lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự dẫn dắt của Bác Hồ đã vạch ra đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, đã tạo ra được những nhân tố có sức quy tụ sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, kết hợp chặt chẽ với sức mạnh thời đại, đã khơi dậy tinh thần yêu nước của dân tộc, là sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta”(Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tr. 171)  Đây là tiền đề quan trọng nhất cho thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám  năm 1945 thành công.

     Ngay từ những ngày đầu xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp dưới chiêu bài “khai hoá văn minh” đã thực thi chính sách “chia để trị” rất thâm độc, làm cho xã hội có sự phân hóa giai cấp và mâu thuẫn xã hội diễn ra ngày càng gay gắt. Phần lớn giai cấp địa chủ cấu kết với thực dân Pháp ra sức bóc lột nông dân; một bộ phận địa chủ có lòng yêu nước, đã tham gia đấu tranh chống Pháp dưới các hình thức và mức độ khác nhau. Các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội Việt Nam đều mang thân phận người dân mất nước và đều bị thực dân áp bức, bóc lột, chèn ép nên đều căm phẫn thực dân Pháp. Do đó, mẫu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam lúc này, không chỉ là mâu thuẫn giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ và phong kiến, mà đã nảy sinh mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược. Không chấp nhận thân phận làm nô lệ trên chính quê hương của mình, các tầng lớp nhân dân ta liên tục vùng dậy đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Như cá về với nước, như ánh sáng xuất hiện giữa đường hầm tăm tối, Hồ Chí Minh người đã đưa lý tưởng cách mạng đến với dân tộc Việt Nam đúng lúc hơn bao giờ hết, được cả đồng bào dân tộc hân hoan đón nhận.

     Từ đây, tinh thần đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta là sự kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống yêu nước, sức mạnh nội sinh, tiềm tàng trong lòng dân tộc. Gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là yêu nước dựa chắc trên lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân, thống nhất với lợi ích cơ bản của nhân dân lao động và của cả dân tộc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và cùng với Đảng ta khơi dậy phát huy. Để làm nên thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tinh thần yêu nước được thể hiện dưới những khía cạnh sau:

     Thứ nhất, truyền thống yêu nước Việt Nam là nhân tố cơ bản, tạo nên sức mạnh chính trị - tinh thần, thực chất là sức mạnh nhân tố con người trong cách mạng Tháng Tám. Đây là yêu nước truyền thống, song đã được nâng lên tầm cao mới, do được tiếp thêm sinh lực và được định hướng bởi mục tiêu lý tưởng của giai cấp công nhân. Vì vậy, yêu nước đã được phát huy đến mức cao nhất, thể hiện ở tinh thần, ý chí: “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”, “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”( Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr. 596). Tinh thần yêu nước đó đã trở thành nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh chính trị - tinh thần, thực chất là sức mạnh nhân tố con người, đã giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tuy còn non trẻ về kinh nghiệm, so với địch yếu hơn về  lực lượng nhưng đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh trong Cách mạng Tháng Tám.

     Thứ hai, truyền thống yêu nước Việt Nam là cơ sở cơ bản để xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Yêu nước của dân tộcViệt Nam trong Cách mạng tháng Tám,  thể hiện khát vọng lớn lao và lợi ích cơ bản, chính đáng của nhân dân ta là độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Đó chính là động lực để Đảng ta hoạch định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hình thành “thế trận lòng dân” vững chắc; động viên, tập hợp được đông đảo và rộng rãi nhất mọi tầng lớp nhân dân cống hiến sức người, sức của, tạo nên sức mạnh vô địch cho cuộc cách mạng.“Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”. Đây không chỉ là lời kêu gọi của Bác, mà còn là nguồn động viên, tạo nên sự huy động tối đa nhất cho sức mạnh đoàn kết dân tộc. 

     Thứ ba, truyền thống yêu nước Việt Nam là một nhân tố tạo cơ sở thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp trong cách mạng Tháng Tám 1945 vĩ đại. Giá trị yêu nước truyền thống dân tộc Việt Nam được nâng lên tầm cao mới, là giá trị mang tính công lý được cả nhân loại tiến bộ thừa nhận. Đó là yêu nước vì quyền tự do, độc lập, tự quyết của dân tộc; yêu nước vì quyền sống, quyền được hưởng hòa bình, hạnh phúc của con người… Do đó, nó là sự nghiệp chính nghĩa. Tính chính nghĩa và công lý chính ấy chính là cơ sở để vận động các lực lượng quốc tế yêu chuộng hòa bình ủng hộ cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam.

     Thứ tư, yêu nước truyền thống Việt Nam là một nhân tố phát huy sự sáng tạo trong hoạch định và nắm bắt thời cơ giành thắng lợi. Những chiến sỹ cách mạng tiên phong của dân tộc Việt Nam đã thổi bùng lên tinh thần yêu nước vô cùng mãnh liệt khi nắm bắt đúng thời cơ, quyết rũ khỏi kiếp bùn đen nô lệ, áp bức; đập tan xiềng xích kìm kẹp, áp bức, bóc lột của phong kiến, thực dân; giành lại độc lập, tự do của toàn thể dân tộc Việt Nam.  Đó là thời cơ khi phát xít Nhật Bản đã bị thua to trên hầu khắp các chiến trường châu Á - Thái Bình Dương trong thế chiến II,  và “Mệnh lệnh khởi nghĩa” đã được phát ra; là sự kiện Chính phủ cách mạng lâm thời yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị và tiếp nhận sự thoái vị của nhà vua (ngày 30/8/1945 tại Huế) và thời cơ thứ ba là  sự kiện vô cùng quan trọng của ngày 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” tuyên bố với toàn thể nhân dân Việt Nam và với thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập và tự do đã ra đời; Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã chính thức ra mắt trước quốc dân đồng bào. Nếu chậm trễ không tuyên bố độc lập, chủ quyền trước khi quân Đồng minh tiến vào thì dù có cướp được chính quyền cũng phải bàn giao lại cho quân Đồng minh tiếp quản. Vì vậy, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chớp thời cơ, khẩn trương chỉ đạo sớm tiến hành tổ chức Lễ Độc lập liền sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công trên cả nước chính là nhằm ngay lập tức khẳng định chủ quyền của nhân dân Việt Nam trước các thế lực đế quốc, phản động đội lốt dưới danh nghĩa quân Đồng minh. 

     Tinh thần yêu nước là truyền thống tốt đẹp, là nhân tố quan trọng để dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù. Ngày nay, để tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, cần thực hiện tốt những nội dung sau:

      Trước hết, cần cụ thể hóa các phương thức biểu hiện của tinh thần yêu nước Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước, để người dân dễ hiểu, dễ tiếp thu và chuyển hóa thành hành động cách mạng. Yêu nước trong điều kiện hiện nay chính là sự cố gắng phấn đấu học tập, tu dưỡng và rèn luyện; là tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và tiết kiệm của mỗi người dân để làm ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội; tham gia tích cực và có hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu một cách chính đáng cho bản thân, gia đình và cho xã hội để qua đó, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Mỗi cá nhân, dù ở cương vị nào cũng phải nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm công dân, phấn đấu góp phần đưa nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, từng bước vươn lên theo kịp các nước trong khu vực và thế giới.

      Thứ hai, tích cực tuyên truyền, giác ngộ tinh thần yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, với những hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực và hiệu quả. Để khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới đất nước đất nước, chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền, giác ngộ tinh thần yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nước nhà. Trong đó, việc tích cực đổi mới, lựa chọn, kết hợp và vận dụng sáng tạo các phương pháp, hình thức tuyên truyền, giác ngộ chủ nghĩa yêu nước giữ vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt, cần kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân. Thi đua chính là điều kiện, tiền đề quan trọng để biến lòng yêu nước thành hành động cách mạng tự giác của mọi người.

     Thứ ba, tạo ra các điều kiện và môi trường xã hội thuận lợi, làm cơ sở và động lực để phát huy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong điều kiện mới. Dễ nhận thấy rằng, trong điều kiện hiện nay, nhiều người dân có tinh thần yêu nước, nhưng họ lại khó có thể thể hiện những hành vi yêu nước, khi cuộc sống của họ còn rất khó khăn, thiếu thốn, khi họ phải hàng ngày, hàng giờ vật lộn với miếng cơm, manh áo. Khi người dân đã ý thức được họ cần phải làm gì để thể hiện tinh thần yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì vai trò của Đảng và Nhà nước trong việc tạo những điều kiện và môi trường thuận lợi cho những người dân có những hoạt động cụ thể, thiết thực góp phần vào sự ổn định, phát triển đất nước là vô cùng quan trọng. Do vậy, trước hết, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội phù hợp để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, đẩy lùi nạn tham nhũng, kết hợp và giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội. 

                                                             ThS. Trần Thị Như Diễm

                                                                 Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở


image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 20
  • Hôm nay: 534
  • Trong tuần: 5 337
  • Tất cả: 584382
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này