VAI TRÒ CỦA CÁC VỊ SƯ SÃI PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER TRONG ĐỜI SỐNG CỦA ĐỒNG BÀO KHMER TỈNH TRÀ VINH
Người Khmer ở Trà vinh hầu hết theo Phật giáo Nam tông. Chùa là nơi sinh hoạt tôn giáo, là nơi dạy chữ Khmer, là nơi tu hành, cũng là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Khmer. Đối với người Khmer, sư sãi là hiện thân, hiện tiền của Đức Phật. 

Trong tâm thức của đồng bào Khmer vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, sư tăng luôn được tôn trọng tuyệt đối. Cũng chính vì thế, vai trò của vị sư trong cộng đồng rất cao. Họ không chỉ là người thực hiện sứ mệnh hoằng pháp, mà còn là người tổ chức, hướng dẫn những hoạt động tôn giáo, văn hóa, giáo dục,... cho Phật tử Khmer. Trong chừng mực nào đó, họ còn là những tác nhân quan trọng làm nên tính đặc trưng trong văn hóa cộng đồng tộc người này.

Từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, thì cuộc sống của người Khmer đều gắn chặt với ngôi chùa. Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày cũng như trong các hoạt động lễ hội văn hóa cộng đồng, thậm chí tới các công việc cá nhân của mỗi gia đình như ma chay, đám cưới, đám hỏi, ăn mừng nhà mới, hết bệnh (chữa khỏi)… luôn có sự tham gia trực tiếp hay sự hướng dẫn của các sư trong chùa. Các công việc gắn với cá nhân hay tập thể đó đều chịu những ảnh hưởng nhất định từ triết lý của Phật giáo Nam tông. Trong các lễ hội của cộng đồng (hoặc có nguồn gốc từ Phật giáo, hoặc có nguồn gốc từ dân gian) đều thể hiện rõ rệt vai trò của nhà sư và ngôi chùa Khmer.

Trong một năm đồng bào Khmer có khoảng 15 lễ hội thu hút sự tham gia của toàn thể cộng đồng, trong số đó có tới 10 lễ hội có nguồn gốc từ Phật giáo và do sư sãi Phật giáo đứng ra tổ chức trong khuôn viên các chùa, với sự tham gia của toàn thể cộng đồng. Trong 5 lễ hội còn lại, mặc dù không được diễn ra trong khuôn viên các chùa, nhưng vẫn có sự tham gia của đông đảo Phật tử và các vị sư. Có thể nói, sư sãi, chùa chiền hiện diện trong mọi lễ hội của người Khmer.

Phật giáo Nam tông Khmer thực hiện giới luật Phật giáo Nguyên thủy, người phụ nữ không xuất gia đi tu, nên chỉ có người nam đi tu và được gọi là tăng sĩ (sư). Tăng sĩ chia làm hai bậc: Tỳ khưu từ 20 tuổi trở lên, giữ 04 giới (sơl) và 227 điều cấm (Sekhaboch); Sadi từ 19 tuổi trở xuống giữ 30 điều giới cấm. Trong Phật giáo Nam tông Khmer, mọi tu sỹ phải luôn đề cao chức năng giáo dục, trong đó việc giáo dục cho Phật tử, con em trong cộng đồng được coi là một nội dung quan trọng mà sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer phải có nhiệm vụ cao cả thực hiện. Vì thế, người tu hành trong Phật giáo Nam tông Khmer là người thầy thực sự. Trong các trường chùa, các lớp bổ túc Pali, nội dung được đưa vào giảng dạy là chữ Pali, giáo lý, văn hóa, nghề thủ công và cả đạo đức nhân cách cho cộng đồng tín đồ. Các lớp học trong chùa này do chính các sư đảm trách, họ được gọi là các sãi giáo. Bằng kiến thức và sự hiểu biết của mình, các sãi giáo sẽ trực tiếp dạy cho con em trong cộng đồng các nội dung nói trên, phân theo từng cấp học. Qua các trường, lớp chùa do các sãi giáo đảm trách, hầu hết các thành viên trong cộng đồng đều được đào tạo về các tri thức văn hóa, nghề thủ công ở một trình độ nhất định. Từ đó tạo dựng cho họ những hành trang ban đầu, căn bản nhất trước khi bước vào cuộc sống ở tuổi trưởng thành. Vì vậy, các vị sư dạy học được cộng đồng kính trọng. Cho nên, tiếng nói, ý kiến của sư tăng về những công việc chung luôn có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi thành viên trong phum, sóc. Không chỉ mang nghĩa hẹp là dạy trong trường chùa, các vị sư Khmer còn góp phần quan trọng vào việc duy trì, phát triển các giá trị đạo đức xã hội tốt đẹp qua việc lấy chính đạo hạnh và đức độ của mình trong cuộc sống làm gương cho xã hội, mà trước hết là trong cộng đồng người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Phật giáo Nam tông Khmer đã có những đóng góp to lớn trong đánh đuổi kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương, đất nước. Trong những năm tháng hào hùng đó, chung tay với Phật giáo cả nước, Phật giáo Nam tông Khmer đã có nhiều vị sư ưu tú xung phong tòng quân diệt giặc, trong số đó đã có những vị anh dũng hy sinh, như các Hòa thượng Hữu Nhem, Hòa thượng Sơn Vọng,v.v...

Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước ở Trà Vinh đang tích cực tăng cường phối hợp với các ngành chức năng phát huy vai trò vận động sư sãi, đồng bào Phật tử thực hiện tốt các chính sách, kinh tế, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, an ninh quốc phòng,… nâng cao ý thức giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện tốt các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc góp phần bảo vệ  an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.

Từ đó, có thể thấy được vai trò quan trọng của sư sãi không chỉ ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống tinh thần, mà còn đến các lĩnh vực của đời sống như kinh tế, chính trị, văn hóa,… Sư sãi đóng vai trò là cầu nối trong việc truyền tải, gắn kết và ổn định niềm tin của đồng bào Khmer với Phật giáo nói chung, đối với chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nói riêng. Đồng thời, họ còn góp phần nâng cao lòng tự hào về tình yêu quê hương, đất nước, là nhân tố xây dựng tinh thần đoàn kết dân tộc.

Ngày nay, sư sãi Khmer phát huy tốt vai trò cầu nối khi thực hiện hướng dẫn của chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội đến các phum, sóc, gia đình và xã hội; giáo dục mọi người không vi phạm pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống truyền đạo trái phép, cảnh giác với mọi âm mưu của các thế lực thù địch, tích cực học tập nâng cao trình độ mọi mặt, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; góp phần cùng chính quyền địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả, nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước; các nghị quyết của Tỉnh ủy nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh.

Nhiều vị sư có uy tín, có kinh nghiệm đã tư vấn cho cấp ủy chính quyền cơ sở những kinh nghiệm thiết thực và hiệu quả, được đông đảo nhân dân tín nhiệm. Qua đó, nhiều công trình đầu tư xóa đói giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được phát huy hiệu quả tích cực, chất lượng đảm bảo; góp ý trong việc hoạch định phương hướng, chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh. Đó là những việc làm thể hiện vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể với nhân dân, được nhân dân nể trọng, cung cấp nhiều thông tin, đóng góp xây dựng các tổ chức chính trị ở địa phương, được cấp ủy chính quyền và nhân dân ghi nhận.

Nhiều vị sư sãi đã phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động bà con, gia đình, cộng đồng và xã hội giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư, giúp nhân dân nhận thức và hiểu được âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, vận động nhân dân tham gia phát hiện tố giác tội phạm; hòa giải có hiệu quả các tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, đặc biệt trong dân tộc, tôn giáo không để nảy sinh thêm phức tạp; góp phần cho chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự xã hội, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Tuy nhiên bên cạnh vai trò tích cực đó thì sư sãi trong chùa phật giáo Nam Tông Khmer Trà Vinh vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định: Một số sư nói tiếng phổ thông chưa sõi, sử dụng chữ Pali chưa thành thạo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, dẫn đến hạn chế trong việc tiếp nhận và truyền đạt giáo lý; phổ biến các chủ trương, chính sách; tổ chức các hoạt động tôn giáo cho tín đồ; Một số chức sắc, nhà tu hành Phật giáo Nam tông chưa có ý thức chính trị cần thiết, chưa có uy tín trong cộng đồng.

 Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt Nam có mối liên hệ mật thiết với Phật giáo Campuchia, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer ở các tỉnh Tây Nam Bộ, nhất là ở Trà Vinh, Sóc Trăng.v.v.. thường xuyên qua lại Campuchia để thăm thân, tham gia các khóa đào tạo, sinh hoạt tôn giáo... Song, một số sư sãi khi xuất cảnh không thông qua chính quyền và tổ chức Hội ở địa phương, chưa đề cao ý thức cảnh giác, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nên bị các thế lực thù địch lợi dụng với ý đồ chống phá chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Họ ra sức tuyên truyền, xuyên tạc về lịch sử vùng đất Tây Nam bộ, kích động đồng bào dân tộc và sư sãi Khmer ở Việt Nam ly khai, sáp nhập vào Campuchia, đòi thành lập nhà nước Khmer Krom; chia rẽ khối đoàn kết giữa người Khmer và người Kinh, người Hoa...  

Trong thời gian tới, để đội ngũ sư sãi phát huy hơn nữa vai trò của mình thì cần đẩy mạnh các giải pháp sau:

Trước tiên, phát huy vai trò của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các cấp, Ban Quản trị các chùa và người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động của Hội, nội dung hoạt động cần bám sát nhiệm vụ chính trị của từng địa phương; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ sư sãi tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Đặc biệt phải đào tạo một đội ngũ sư sãi trẻ có trình độ phật pháp, có kiến thức xã hội, mang văn hóa Khmer, ý thức tự giác tộc người và lòng yêu nước cũng như trách nhiệm công dân. Chú ý cơ cấu hợp lý các vị giáo phẩm, cao tăng, chức sắc phật giáo Nam tông Khmer trong các tổ chức, tránh cùng một lúc đảm nhiệm nhiều việc trong nhiều tổ chức khác nhau nhằm giúp các vị có đủ thời gian hoàn thành nhiệm vụ, toàn tâm, toàn ý với công việc, với cương vị mà các vị chức sắc, giáo phẩm đảm nhận.

Hai là, quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt là người dân tộc, các sư sãi, Àcha để làm tốt công tác giáo dục đối với con em đồng bào Khmer là nội dung hết sức quan trọng, có tác dụng quan trọng trong việc nâng cao dân trí, nhận thức của đồng bào Khmer Trà Vinh và Nhà nước cần tiếp tục xây dựng và củng cố các trường dân tộc nội trú. Củng cố các trường đã có bằng cách nâng cao chất lượng dạy học và trang bị cơ sở vật chất cho các trường. Tiếp tục các chính sách cử tuyển vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học đối với học sinh người Khmer. Có chính sách giảng dạy tiếng Khmer trong các cấp học đồng thời với tăng cường đào tạo sư sãi ở các chùa, đặc biệt là vùng biên giới.

Ba là, việc đào tạo sư sãi của Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh Trà Vinh cần được các cấp, các ngành quan tâm và tạo điều kiện, hàng năm cho phép Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước  tỉnh tổ chức các lớp thi Pali-kinh luận giới cho tăng sinh các chùa, cử tăng sinh đi học các lớp bổ túc văn hoá - Trung cấp Pali tại tỉnh Sóc Trăng, học ở Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ và du học ở nước ngoài. Việc tu học của thanh niên Khmer vừa là nghĩa vụ, vừa là vinh dự. Thanh niên Khmer vào chùa được học giáo lý nhà Phật, vừa được học thêm văn hoá, nghề nghiệp. Đặc biệt, thực hiện công cuộc đổi mới, các địa phương tạo điều kiện cho các sư trẻ ngoài việc học Pali, kinh luận giới còn được học thêm văn hoá, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

Bốn là, cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với đồng bào Khmer, những người tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào là các vị sư sãi, trụ trì chùa. Các vị sư sãi được người Khmer rất tôn kính và trọng vọng. Sư sãi có vai trò chi phối nhất định trong đời sống xã hội người Khmer. Mỗi khi có chuyện không tốt, hoặc có sự bất hòa, xung đột trong phum, sóc hay trong dòng họ, người Khmer thường đến chùa để xin sự chỉ bảo của các nhà sư.

Thứ năm, quan tâm đầu tư, hỗ trợ xây dựng trường Trung cấp Pali - Khmer và các trường Phổ thông dân tộc nội trú, trường dạy nghề cho đồng bào dân tộc; xây dựng chương trình, quy chế thống nhất về nội dung giảng dạy, tuyển sinh đối với các trường.

Thứ sáu, đầu tư nâng cao chất lượng các cơ sở y tế, nhất là các trạm y tế xã, đội ngũ y sĩ, bác sĩ là người dân tộc Khmer. Tiếp tục rà soát các chùa Phật giáo Nam tông Khmer có thành tích trong kháng chiến, các loại hình nghệ thuật, các lễ hội truyền thống của người Khmer đề nghị công nhận di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; kết hợp với việc xây dựng nhà văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ sửa chữa, trùng tu các chùa Phật giáo Nam tông Khmer có thành tích qua các thời kỳ cách mạng.

Tóm lại, Phật giáo Nam tông ở Trà Vinh đang đứng trước những biến đổi, những thách thức không nhỏ. Làm thế nào để phát huy vai trò của Phật giáo Nam tông và hạn chế những mặt tiêu cực cản trở quá trình phát triển là vấn đề đòi hỏi  cần phải có lời giải. Phát huy vai trò  của Sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer giữ vai trò hết sức quan trọng, không những góp phần đạo mà cả phần đời của người Khmer ở Trà Vinh, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.. Họ là những người rất có uy tín trong cộng đồng phum, sóc của người Khmer, được cộng đồng  người Khmer tôn sùng và tin theo. Do đó cần hết sức coi trọng vận động và tranh thủ các sư sãi, chức sắc và cá nhân có uy tín đối với đồng bào Khmer. Thực tế cho thấy, ở đâu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước được các sư sãi ủng hộ thì công tác vận động đồng bào Khmer thành công và ngược lại./.

                                                                                                                                                            ThS. Lâm Thị Thanh Nga

                                                                                                                                                       Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

 

image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 8
  • Trong tuần: 4 998
  • Tất cả: 584696
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này