NHẬN DIỆN TÌNH TRẠNG “NGẠI HỌC, LƯỜI HỌC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ” VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRÀ VINH
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng nêu rõ: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Với ý nghĩa đó, ta thấy LLCT và GDLLCT cho mỗi cán bộ (CB), đảng viên (ĐV) và tổ chức đảng là việc làm cần thiết, cấp bách, một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng. 

Nhưng thời gian qua, một bộ phận không nhỏ CB, ĐV có nhận thức lệch lạc, xem nhẹ việc học tập LLCT. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ mặt, điểm tên một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ CB, ĐV hiện nay là:“3) Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của LLCT và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Nằm trong hệ thống các trường chính trị, trường chính trị Trà Vinh xem công tác GDLLCT là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất. Công tác GDLLCT tại trường được tiến hành thường xuyên, liên tục, nghiêm túc và ngày càng nâng cao chất lượng, đảm nhận tốt vai trò là trung tâm giáo dục LLCT của tỉnh. Song, bên cạnh rất nhiều các kết quả đã được, hiện nay công tác GDLLCT tại trường chính trị Trà Vinh đang đối mặt với một thách thức không nhỏ đó là tình trạng “ngại học, lười học lý luận chính trị” của một bộ phận không nhỏ CB, ĐV là học viên đang theo học ở các lớp trung cấp lý luận chính trị.

Nhận diện tình trạng “ngại học, lười học lý luận chính trị” thông qua các biểu hiện sau:

Một là, không chịu học tập LLCT. Nhiều CB, ĐV có tư tưởng chỉ chú ý đến học tập chuyên môn, nghiệp vụ công việc mình đảm trách, ít quan tâm hoặc không hề quan tâm đến học tập LLCT, coi học tập LLCT là việc học thêm; thậm chí có học viên cho rằng đó là việc làm “vô ích” chi phối thời gian công việc chuyên môn; lại có những CB, ĐV được tổ chức cử đi học LLCT nhưng cố tình trì hoãn hoặc xin thôi không tham gia học tập.

Hai là, học LLCT không nghiêm túc, chiếu lệ, hình thức. Có biểu hiện một số học viên cùng lúc vừa học LLCT, vừa theo học chuyên môn nghiệp vụ hoặc tham gia lớp tập huấn; trong các buổi học tập, nghiên cứu nghị quyết Đảng do trường tổ chức, nhiều trường hợp học viên viện lý do xin vắng mặt, hoặc “có mặt” chỉ để điểm danh, bài thu hoạch nội dung học tập nghị quyết làm không đến nơi đến chốn.

Ba là, không chấp hành tốt kỷ luật học tập. Nhiều học viên không chuyên tâm học tập, nói chuyện, làm việc riêng, vừa học vừa điều hành hoặc giải quyết công việc của cơ quan; không ít học viên mặc nhiên sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, vô tư trò chuyện trong lớp học; thậm chí, một số học viên còn “bỏ quên” tài liệu tại phòng học; nhiều học viên không tích cực tham gia thảo luận, không nghiên cứu tài liệu trước khi đến lớp; bài thi, báo cáo tốt nghiệp, thu hoạch thực tế không trên cơ sở tự tìm tòi, nghiên cứu, xuất hiện tình trạng quay cóp, sao chép nên chất lượng học tập của CB, ĐV chưa cao.

Bốn là, học không đi đôi với hành. Nội dung học tập LLCT không được CB, ĐV gắn với thực tiễn công tác; Vẫn áp đặt ý thức chủ quan vào từng công việc cụ thể dẫn đến giải quyết công việc kém hiệu quả, thậm chí phương hại đến lợi ích của tập thể hoặc cá nhân khác.

Tìm nguyên nhân của tình trạng “ngại học, lười học lý luận chính trị” có thể thấy xuất phát từ các lý do sau:

+ Về phía người học: Xác định mục tiêu học tập LLCT không rõ ràng (chỉ coi học tập LLCT để lấy bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn đề bạt, cất nhắc, thăng tiến theo quy định của tổ chức), nên chưa có được động cơ học tập trong sáng, chưa hình thành ý thức tự giác trong học tập.

 + Về phía cơ quan, tổ chức có người tham gia học tập LLCT: chưa tạo điều kiện thuận lợi để CB, ĐV yên tâm, tích cực học tập; Công việc phân công chưa hợp lý, không có sự hỗ trợ về thời gian, vật chất; Thiếu thiện chí trong việc công nhận thành tích học tập; Quy trình quy hoạch, lựa chọn CB đi học chưa công khai, minh bạch.

+ Về phía trường chính trị: cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, đang trong quá trình sửa chữa, xây dựng đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học; Nội dung chương trình nặng về truyền đạt kiến thức, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học viên; Một số giảng viên chậm đổi mới phương pháp giảng dạy; Quản lý đào tạo còn có mặt yếu kém, nhất là quản lý tự học của học viên; Chương trình, kế hoạch đi thực tế của các lớp mang tính hình thức: đi chơi, đi tham quan (điều này được phản ánh qua kết quả viết bài thu hoạch chất lượng chưa cao, chưa rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý), các địa điểm đi thực tế chưa được mở rộng chủ yếu là các địa điểm quen thuộc…

Để khắc phục căn bệnh “ngại học, lười học LLCT” của CB, ĐV và nâng cao chất lượng công tác GDLLCT ở trường, cần tập trung thực hiện các giải pháp kiên quyết và đồng bộ, cả từ phía người học, cơ quan có cử CB đi học và từ phía trường chính trị:

 Một là, đối với học viên: Phải xác định đúng động cơ và mục đích của học tập LLCT; Tích cực đóng góp ý kiến trong xây dựng bài học, tiếp thu bài giảng của giảng viên, ý kiến của bạn bè để có thêm những bài học kinh nghiệm cho bản thân; Gắn những tri thức thu được vào thực tiễn công tác; Không ngừng phấn đấu, tu dưỡng đạo đức cách mạng thông qua con đường tự học tập.

Hai là, đối với các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ đi học: Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong xây dựng kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ LLCT; Việc cử đối tượng đi học phải công khai, minh bạch, đúng tiêu chuẩn, tránh sự cả nể, cử không đúng người, gây lãng phí thời gian, nhân lực; Không bổ nhiệm cán bộ khi chưa đủ tiêu chuẩn về LLCT, kiên quyết không để tình trạng "nợ bằng"; Phối hợp chặt chẽ với đơn vị đào tạo tiến hành nghiêm túc kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả học tập của cán bộ, đảng viên được cử đi học; Coi trọng kết quả, ý thức học tập, lấy đó là một tiêu chí đánh giá cán bộ.

Ba là, đối với trường chính trị: Xây dựng và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức mới chuyên sâu về lý luận và thực tiễn cho đội ngũ giảng viên; Làm tốt công tác quản lý học viên; Nâng cao chất lượng và hiệu quả các buổi đi thực tế, quán triệt tư tưởng đây cũng là một nội dung quan trọng trong chương trình học, không công nhận kết quả đối với các bài thu hoạch kém chất lượng; Xây dựng môi trường văn hóa, ứng xử văn minh, thân thiện để nhà trường trở thành nơi rèn luyện lý tưởng về đạo đức, phẩm chất cách mạng cho mỗi học viên; Thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về LLCT để học viên tham gia, coi đây vừa là một sân chơi bổ ích, vừa bổ sung, củng cố các kiến thức về LLCT mà học viên đã được học.

                                                                                                                                                                                                Lê Thị Bích Ngọc
                                                                                                                                                                                     Khoa Nhà nước và Pháp luật

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 209
  • Trong tuần: 11 066
  • Tất cả: 563207
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này