Nhớ tết trồng cây của Bác
Vấn đề bảo vệ môi trường đang là vấn đề cấp bách của tất cả các quốc gia trên thế giới. Môi trường ô nhiễm gây ra những hiện tượng biến đổi khí hậu dẫn đến những thảm hoạ thiên tai khủng khiếp.Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hàng năm, thiên tai, hạn hán, lũ lụt...xảy ra với mức độ ngày càng tăng  làm cho cuộc sống của nhiều người dân lâm vào cảnh khó khăn.

 Trước thực trạng này mỗi cá nhân phải nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường sống nói chung và thiên nhiên Việt Nam nói riêng. Nói đến vấn đề này chúng ta lại nhớ đến “Tết trồng cây” của Bác. Sinh thời, Bác rất quan tâm đến cuộc sống của người dân và việc bảo vệ môi trường sống.

 

        Bác là người rất yêu quý thiên nhiên, sống chan hòa với thiên nhiên. Lúc  còn ở chiến khu Việt Bắc, Bác vẫn tìm những nơi làm việc và sinh hoạt sao cho trên có núi, dưới có sông, có đất để trồng trọt, có bãi để vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, để phục vụ tốt cho công tác cách mạng và sinh hoạt tập thể. Bác luôn khuyến khích cán bộ và nhân dân trồng cây. Tự tay Bác đã trồng nhiều cây để lấy bóng mát.

         Năm 1954, đồng bào miền Nam gửi ra biếu Bác một cây vú sữa. Bác đã tự tay trồng và chăm sóc. Bác coi cây như hình ảnh miền Nam.

        Ngày 28-11-1959, hướng tới kỷ niện 30 năm ngày thành lập Đảng và đón Tết cổ truyền của dân tộc, lần đầu tiên Bác phát động phong tràoTết trồng cây. Bác nói: "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng t¬ươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta...”

        Mùa Xuân năm 1960, Bác kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây từ ngày mồng 6 tháng Giêng đến mồng 6 tháng Hai.  Đợt trồng cây này Bác đặt tên là “Tết trồng cây”. Ngay sau đó, ngày 11 tháng Giêng năm ấy, Bác đã tự tay trồng cây đa trong công viên Thống Nhất. Bác đã nói: “Chúng ta ra sức thi đua làm tốt việc xây dựng vườn hoa. Rồi đây công viên hoàn thành, chiều chiều hay ngày chủ nhật các cô, các chú ra công viên hóng mát xem hoa, ngắm cây cỏ, vui chơi giải trí để rồi lại bắt tay công tác, sản xuất hăng hái hơn...”.

         Ngày 9-5-1961, Nhân dịp về thăm Quảng Ninh trongbài nói chuyện với nhân dân đảo Cô Tô, Bác đã căn dặn: “Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp”.

        Ngày 3-2-1963, Bác về thăm và tham gia trồng cây trong hội Tết trồng cây thống nhất của đồng bào huyện Đông Anh.Bác căn dặn: “Các cụ, các cô, các chú trồng cây nào, phải trông nom, tưới tắm cây ấy cho thật tốt. Các cháu nhỏ chăn trâu không được làm hư hại cây...”. Rồi sau đó Bác đã tự tay đào hố và trồng cây.

       Năm 1965, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt, Đế quốc Mỹ đã ném hàng vạn tấn chất độc hóa học xuống nước ta, hủy hoại thiên nhiên. Bác tiếp tục kêu gọi đồng bào ta trồng cây, giữ lấy mùa Xuân cho đất nước. Bác đã viết:

Mùa xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân

        Tháng 5-1966, khi đi thăm đảo Hải Nam, Trung Quốc, Bác thấy ở đây có loại cây cọ có thể lấy quả ép dầu làm thực phẩm cho con người.nghĩ đến cuộc sống của người dân torng nước, Bác nói với đồng chí đi cùng: “Vùng này, đất và khí hậu cũng giống nước ta, ta có thể xin lấy giống cây cọ dầu vùng này về trồng thử. Nếu cây phát triển tốt, sau này đề nghị ngành nông nghiệp nhân giống và phát triển loại cây này để lấy quả ép dầu cho nhân dân dùng” . Bác đã cho đem ba cây cọ dầu về nước và trồng trong khu vườn Phủ Chủ tịch. 
 
         Mùa Xuân 1969, sáng mồng Một Tết, Bác vẫn lên chúc tết đồng bào Sơn Tây và tham gia trồng cây lưu niệm ở đồi Vật Lại - Ba Vì mặc dầu lúc này sức khỏe Bác rất yếu. Bác căn dặn bà con: “Đất nước bây giờ là của ta, cho nên ta phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi...”. Tại đây Bác đã tự tay trồng cây đa lưu niệm và đây là cây đa cuối cùng Bác trồng trước lúc đi xa.

         Ngay cả trước lúc đi xa,trong Di chúc, Bác cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.

         Bác đã đi xa nhưng những bài học mà Bác để lại cho chúng ta là mãi mãi. Nhìn lại lịch sử vào những năm thập niên 50 thế kỷ XX, trong khi thế giới chưa có những khuyến cáo khẩn thiết về bảo vệ rừng như hiện nay thì phong trào trồng cây gây rừng bảo vệ môi trường do Bác khởi xướng và tổ chức đã trở thành phong trào rộng rãi trongquần chúng. Cho đến ngày nay Tết trồng cây đã trở thành một phong tục đẹp của nhân dân ta. Nó không những mang nét xuân độc đáo mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

        Ngày nay khi môi trường sống đang bị hủy hoại và đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của con người thì những việc làm thiết thực bảo vệ môi trường là điều cần thiết cấp bách. Tết trồng cây của Bác là hành động thiết thực và là bài học quý báu mà toàn đảng, toàn dân noi theo. Vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có Chỉ thị gửi các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Bính Thân năm 2016 (Chỉ thị số 10265/CT-BNN-TCLN ngày 18/12/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Đây là một việc làm mang ý nghĩa, không những góp phần cải thiện môi trường sống mà còn mang tính giáo dục ý thức, trách nhiệmđối với mỗi cá nhân về việc bảo vệ môi trường. Và đây cũng là một trong những hành động thiết thực nhất, cụ thể nhất về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

 

                                                                                                 Nguyễn Thị Thu Sương
                                                                                                  Khoa Xây dựng Đảng


image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 255
  • Trong tuần: 5 245
  • Tất cả: 584943
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRÀ VINH
- Đơn vị quản lý: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
- Giấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 09/GP-STTTT-BCXB do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 04/12/2015.
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Quốc Thới - Hiệu trưởng Trường Chính trị - Trưởng Ban Biên tập.
- Địa chỉ: xã Hòa Thuận - Châu Thành - Trà Vinh.
- Email: tctttv@travinh.gov.vn - Điện thoại: 02943 844179 Fax: 02943 844664.
Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này